Tìm kiếm
 
 
Dần “bao phủ” chi trả chính sách bảo trợ bằng điện tử
Ngày cập nhật 13/01/2023

Qua hơn 1 năm thí điểm và hơn 1 năm đi vào triển khai toàn tỉnh, đến nay, công tác chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn tỉnh dần tăng về số lượng và tạo thói quen cho đối tượng hưởng lợi thực hiện nhiều tiện ích từ dịch vụ

Nhiều tiện ích

Sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Cùng với sự dịch chuyển của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như: thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng mobile banking.

Trước xu hướng chung này, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với các sở, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ và UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tham mưu UBND tỉnh sơ kết thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử ở huyện Phú Lộc và TX. Hương Thủy. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1365 ngày 8/6/2022 quy định tổ chức chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH.

Đến nay, tổng số đối tượng, người được ủy quyền, người giám hộ được chi trả chính sách trợ giúp xã hội qua tài khoản trên địa bàn tỉnh là 31.462/60.425 người, chiếm tỷ lệ 52,06%. Số đối tượng đã thu thập thông tin mở tài khoản nhưng chưa chi trả là 15.335 người, chiếm tỷ lệ 33%. Số đối tượng chưa mở tài khoản và không mở được tài khoản 13.628 người, chiếm 22%.

Ông Hồ Quang Minh, Trưởng phòng BTXH - Sở LĐTB&XH cho hay: Qua thực tiễn công tác chi trả chính sách trợ giúp xã hội, phương thức chi trả mới này có nhiều ưu việt, tạo sự thuận tiện, nhanh gọn cho đối tượng, tránh tập trung đông người cũng như không mất nhiều nhân lực, thời gian để thực hiện việc chi trả, thuận lợi trong công tác thanh, quyết toán kinh phí, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19... Phương thức chi trả này được chính quyền, người dân và đối tượng hưởng ứng tích cực.

Đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội là đối tượng yếu thế, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, một bộ phận đối tượng đã ủy quyền để người thân đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Trong quá trình rà soát thông tin để mở tài khoản, Ngân hàng ViettinBank, Viettel Thừa Thiên Huế và UBND các xã, phường, thị trấn đã rất tích cực trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ và phối hợp tốt với công an trong việc cấp CCCD cho các đối tượng không có CMND hoặc CMND đã hết thời hạn. Đối với nhóm đối tượng yếu thế vẫn còn một số không đi lại được hoặc đi lại quá khó khăn, nên phải chi trả bằng tiền mặt tại nhà.

Sớm khắc phục những hạn chế

Theo phản ánh tại cơ sở cũng như qua kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương của Sở LĐTB&XH, các đơn vị cung ứng dịch vụ vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như hạ tầng cơ sở thực hiện dịch vụ chi trả của Viettel pay chưa đồng bộ, nên một số địa phương gặp một số khó khăn trong việc bố trí điểm rút tiền mặt cho đối tượng. Một số điểm chi trả chủ quầy không thường xuyên mở cửa theo thời gian quy định, nên đã ảnh hưởng đến việc rút tiền mặt của đối tượng. Đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện chi trả chậm hơn so với thời gian quy định và chưa phân công cán bộ phụ trách địa bàn huyện cung cấp số điện thoại nhân viên phụ trách địa bàn để đối tượng liên hệ...

Vietinbank và Bưu điện là 2 đơn vị cung ứng dịch vụ được giao ký kết hợp đồng phụ trách một số địa bàn, nhưng hiện số lượng đối tượng được chi trả qua tài khoản còn thấp. Tính đến tháng 10/2022, chỉ có 983/26.032 đối tượng được chi trả qua tài khoản. Có 4.009 đối tượng trên địa bàn TP. Huế đã thu thập thông tin mở tài khoản, nhưng chưa thực hiện được việc chi trả bằng phương thức điện tử. Ngoài ra, vẫn còn một số địa phương chưa phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ để mở tài khoản cho đối tượng bảo trợ xã hội...

Việc không dùng tiền mặt, trong đó có cả chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt không chỉ bảo đảm minh bạch tài chính, kiểm soát hiệu quả hoạt động chi tiêu, mà còn tạo “đòn bẩy” cho sự phát triển trong một thế giới “phẳng”.

Trong xu hướng phát triển hiện nay, chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt còn đáp ứng nhu cầu sử dụng tiền trong tài khoản của người dùng để chi trả điện tử đối với một số dịch vụ thiết yếu như tiền điện, tiền nước và các khoản chi tiêu khác một cách thuận tiện, nhanh chóng, chính xác.

Với nhiều tiện ích đem lại, để "bao phủ" tỷ lệ đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả chính sách qua thẻ, ngành lao động, người có công và xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Kế hoạch 297 của UBND tỉnh về việc thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử trên địa bàn tỉnh và Quyết định 1365 của UBND tỉnh đến cộng đồng, gia đình và đối tượng bảo trợ.

Đối với các đơn vị cung ứng cũng cần thực hiện cấp thẻ ATM cho đối tượng, người được ủy quyền, người giám hộ để họ dễ dàng trong việc rút tiền mặt khi cần. Đồng thời, thực hiện chi trả tại nhà kịp thời cho đối tượng không thể chi trả được bằng phương thức điện tử. Đơn vị cung ứng dịch vụ cần đầu tư hạ tầng bao phủ đối với những xã, phường chưa có điểm chi hộ, đại lý; hướng dẫn đội ngũ nhân viên chi trả của các đại lý chi hộ về kỹ năng giao tiếp với đối tượng, người được ủy quyền, người giám hộ đến rút tiền mặt...

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.375.646
Đang truy cập: 2.428