Tìm kiếm
Ngày Dân số thế giới 2016 - Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên là đầu tư cho tương lai chúng ta
Ngày cập nhật 18/07/2016

Xuất phát từ thực trạng trẻ em gái vị thành niên (VTN) trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng lứa tuổi, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) quyết định chọn chủ đề cho Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay là “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”.

Sáng ngày 9/7, tại Hà Nội Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm ngày dân số thế giới 11/7. Tới dự Lễ mít tinh có đồng chí Trương Thị Mai. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Astrid Bant, trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Trẻ em gái VTN trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng lứa tuổi. Theo số liệu do Văn phòng UNFPA công bố năm 2015, trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nhiều nhất (59 triệu trẻ), tại khu vực Đông Á và Nam Á là tám triệu trẻ. Tại các nước đang phát triển, số em gái từ 15 - 17 tuổi sinh con mỗi ngày là 20 nghìn trẻ. Ước tính, số ca nạo phá thai không an toàn của các em gái từ 15 - 19 tuổi là 3,2 triệu trẻ. Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái trong độ tuổi này là tự tử, nguyên nhân chính thứ hai là do biến chứng thai sản. Tỷ lệ trẻ em gái cho biết từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 10%.

Trong bài phát biểu tại Lễ mít-tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới diễn ra vào sáng 9-7 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, nhóm dân số trong độ tuổi 15-19 là hơn sáu triệu trẻ, trong đó, có gần ba triệu trẻ em gái. Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ mang thai ở trẻ em gái VTN tại Việt Nam giảm nhẹ trong hai năm qua nhưng vẫn ở mức cao và đáng lo ngại.

Tại nhiều quốc gia, một em gái bước sang tuổi dậy thì đã bị gia đình và cộng đồng cho là sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con. Điều này dẫn đến việc các em bị ép phải kết hôn sớm và bỏ học, ảnh hưởng cả về sức khỏe và tâm lý do mang thai và sinh nở khi chưa thật sự hoàn thiện về thể chất cũng như chưa đủ trưởng thành về mặt xã hội. Không được đến trường, sức khỏe không tốt, bị bạo hành và gần như không kiểm soát được cơ thể mình khiến tương lai của trẻ em gái có thể bị hủy hoại, tiềm năng của các em sẽ không được phát huy.

Một số khó khăn đáng quan ngại ở cấp toàn cầu mà trẻ em gái VTN đang phải đối mặt là còn có rất nhiều phụ nữ có trình độ học vấn thấp, hầu như họ không được tham gia quá trình ra quyết định ở cấp quốc gia, hay vẫn tồn tại những hủ tục như cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ và kết hôn khi còn quá trẻ. Đặc biệt, các thách thức và trở ngại mà một em gái VTN gặp phải sẽ tăng lên nhiều lần nếu em là người dân tộc thiểu số, sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc xuất thân từ gia đình khó khăn.

Tuy nhiên, nếu trẻ em gái VTN được hỗ trợ để đưa ra quyết định trong cuộc sống và được hưởng quyền của chính mình thì không những các em sẽ có sức khỏe tốt hơn mà còn sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Từ đó, các em có thể góp phần xây dựng đất nước với tư cách là những người lao động có trí tuệ, những chuyên gia, những doanh nhân giúp đất nước tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng (số người trong độ tuổi lao động nhiều hơn số người chưa đến hoặc quá tuổi lao động) để tăng trưởng kinh tế.

Chính vì vậy, khi chọn chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái VTN” cho Ngày Dân số thế giới năm nay, một trong những thông điệp mà UNFPA muốn nhấn mạnh là: “Khi đầu tư cho trẻ em gái VTN thì tất cả mọi người đều hưởng lợi: gia đình, cộng đồng và trên hết là các cô gái”.

Theo UNFPA, thế giới đang có nhóm dân số trẻ đông nhất từ trước đến nay. Trong tổng dân số hơn 7,3 tỷ người, có tới 1,8 tỷ người trong độ tuổi 10 - 24. Điều đó có nghĩa là thế giới có 1,8 tỷ “tiềm năng không giới hạn” để giải quyết hàng loạt vấn đề nổi cộm và cấp bách. Hiện, Việt Nam đang trải qua thời kỳ cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ thanh, thiếu niên cao nhất trong lịch sử đất nước. Nhóm dân số từ 10 - 24 tuổi chiếm gần 40% tổng dân số. Giới chuyên gia nhận định, thời kỳ cửa sổ nhân khẩu học là cơ hội quý giá giúp Việt Nam xây dựng kế hoạch cho giai đoạn chuyển đổi dân số và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Điều này phù hợp Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam hoàn toàn ủng hộ với tư cách là quốc gia thành viên của LHQ.

Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định: “Trong bối cảnh hiện nay, tăng cường đầu tư hơn nữa cho trẻ em gái VTN cần phải là ưu tiên hàng đầu để Việt Nam có thể tận dụng lợi ích từ những đầu tư trước đây, giúp tiếp tục xây dựng một đất nước Việt Nam vững mạnh và công bằng cho tất cả mọi người”. Ngoài ra, bà Astrid Bant cho rằng, thông điệp "Không bỏ ai lại phía sau" của UNFPA cũng cần được áp dụng, cụ thể là phải tăng cường nỗ lực chấm dứt nạn tảo hôn diễn ra ở một số nhóm dân tộc ít người và những hủ tục khác như lựa chọn giới tính trước khi sinh vì điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả trẻ em gái và trẻ em trai.

 

 

Quỹ BTTE (sưu tầm)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.138.039
Đang truy cập: 3.443