Tìm kiếm
Tổng kết tình hình thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015
Ngày cập nhật 24/11/2015
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Sáng ngày 19/11, Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015. Tới dự có ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh, 5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình (bao gồm nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn lực khác) là trên 3.159 tỷ đồng, vượt 26,4% kế hoạch; trong đó, trên 316 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia, hơn 2.840 tỷ đồng nguồn kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo. Nhìn chung, toàn tỉnh đã sử dụng tốt các nguồn vốn, kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Các chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn ưu đãi…đã tác động đến phát triển kinh tế-xã hội và việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh, nhất là đã làm thay đổi nhận thức và giúp người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững.

Kết quả là đã có 551 công trình cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, giáo dục, chợ nông thôn, Nhà văn hóa... được đầu tư mới và nâng cấp thuộc dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu ở vùng núi; gần 1.500 lao động thuộc các hộ nghèo được đào tạo nghề; trên 92 ngàn lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi với dư nợ trên 1.500 tỷ đồng,…

Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo về giáo dục - đào tạo, y tế, về nhà ở, hưởng thụ văn hóa, các dịch vụ trợ giúp pháp lý và một số chính sách an sinh xã hội khác. Nhờ đó, tình hình đời sống của nhân dân nói chung và hộ nghèo nói riêng trên toàn tỉnh đã cải thiện rõ rệt, đặc biệt về công ăn việc làm, y tế, giáo dục và nhà ở…Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 11,16% năm 2010 xuống còn 5,03% năm 2014, dự kiến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 4,7%.

 Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực, tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng; thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin; phấn đấu giảm hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,5 - 2%/năm theo tiêu chuẩn nghèo mới.

 Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đề nghị, thời gian tới các ngành và địa phương tập trung triển khai các chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung với những nội dung cụ thể, sát thực với điều kiện thực tế của địa phương; trong quá trình triển khai cần tham mưu cho tỉnh những giải pháp cụ thể để tăng hiệu quả đồng vồn đầu tư, khắc phục những chồng chéo và lãnh phí trong đầu tư hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy trong bản thân người nghèo và hộ nghèo ý thức tự vươn lên phát triển sản xuất, thay đổi cuộc sống để thoát nghèo bền vững. Đồng thời làm tốt công tác điều tra hộ nghèo và hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội khóa 13 về xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều, trước mắt là 5 chiều: y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin.

Dịp này, hội nghị đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 05 tập thể và 05 cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015.(ảnh dưới)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.138.039
Đang truy cập: 17.889