Tìm kiếm
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh công tác Bình đẳng giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà
Ngày cập nhật 26/05/2013
Hội thảo Lồng ghép giới trong Kế hoạch phát triển Kinh tế-Xã hội tại huyện Phú Vang

Cố đô Huế là kinh đô của nước Việt Nam trong nhiều thế kỷ, của triều đại phong kiến cuối cùng của đất nước ta. Do vậy, nhận thức của đại bộ phận người dân Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, định kiến giới vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Việc thực hiện Bình đẳng giới của tỉnh Thừa Thiên Huế còn những khó khăn, tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ trong tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế và nảy sinh nhiều vấn đề mới, như: trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp nhìn chung còn thấp; nhiều vấn đề nhạy cảm giới chưa được quan tâm, giải quyết; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở các cấp, các ngành của tỉnh còn thấp... đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Việc giải quyết những khó khăn, thách thức trên cần phải có sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, và đặc biệt là sự nỗ lực của Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ (VSTBPN) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong thời gia qua, Ban VSTBPN tỉnh luôn tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các địa phương trên các lĩnh vực như: Lao động việc làm; Giáo dục và Đào đào tạo, Chăm sóc sức khoẻ, quy hoạch cán bộ…có kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của KHHĐ vào chương trình kế hoạch của ngành và địa phương. Đồng thời, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động VSTBPN: Chương trình công tác năm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu KHHĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Công tác tuyên truyền luôn được chú trọng, hàng năm, Ban VSTBPN tỉnh đã tổ chức phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, tập huấn bồi dưỡng kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới và nghiệp vụ cho lãnh đạo và cán bộ tham mưu ở các sở, ngành, huyện, thành, thị. Đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương và cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền dưới nhiều hình thức.

Nhờ vậy, trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Thứ nhất, trong lĩnh vực lao động việc làm, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình dự án phát triển kinh tế tạo sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với sự phát triển kinh tế của địa phương, các khu công nghiệp làng nghề và nhiều doanh nghiệp mới được đưa vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, trong đó lao động nữ chiếm ưu thế trong các ngành và lĩnh vực như: dệt may, dịch vụ thương mại, giáo dục đào tạo, y tế...Các hoạt động hỗ trợ thị trường lao động được tổ chức nhiều nơi đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nữ.

Bên cạnh đó đã tạo điều kiện về vốn thông qua nhiều hình thức chính sách phụ nữ vay vốn để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm; các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nữ…; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện chính sách hỗ trợ y tế, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ... Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ được cải thiện rõ rệt.

Thứ hai, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã có nỗ lực đáng kể trong việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ. Việc xoá mù chữ và chống tái mù chữ cho nhóm phụ nữ dưới 40 tuổi tiếp tục được triển khai với nhiều mô hình có hiệu quả; tình trạng học sinh nữ bỏ học giảm so với năm học trước; tỷ lệ nữ cán bộ được cử đi học, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chiếm tỷ lệ cao. Việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nữ thường xuyên được các ngành, các cấp quan tâm.

Thứ ba, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế có hiệu quả, đã chú trọng công tác truyền thông, tổ chức các chương trình tiêm chủng, chương trình thanh toán các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm, tổ chức tốt các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, chương trình phòng chống HIV-AIDS trong cộng đồng. Tỉnh luôn quan tâm đến chính sách đối với cán bộ công nhân viên chức lao động nữ của ngành y tế. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đã tạo điều kiện cho công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phụ nữ và trẻ em.

Thứ tư, trong công tác cán bộ nữ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nữ. Nhờ đó chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên lĩnh vực chính trị ngày càng được nâng lên. Nhiều chị giữ vai trò quan trọng trong các chức danh của Đảng và chính quyền của tỉnh.

Để công tác Bình đẳng giới đạt được kết quả khả quan hơn nữa, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tham mưu cơ chế, chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, thực hiện lồng ghép giới nội dung bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của tỉnh và của từng Sở, ngành; huyện, thành, thị đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân, góp phần thực hiện bình đẳng giới trên tất các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, bảo đảm cho quyền và nghĩa vụ của của nam giới và phụ nữ được thực hiện đầy đủ nhằm phát huy tối đa sự đóng góp của nam và nữ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Lê Thị Niềm - VP Sở (Tập san Phụ nữ Thừa Thiển Huế)
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.138.039
Đang truy cập: 22.875