Hiệu quả từ những chính sách ưu đãi
Năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang thông qua các hình thức ủy thác đã giải ngân trên 24,77 tỷ đồng với 558 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn. Trong 2 tháng đầu năm 2022, thông qua các hình thức ủy thác, đơn vị này cũng đã giải ngân trên 12,2 tỷ đồng với 318 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn giải quyết việc làm. Qua đó, đã góp phần giúp các hộ nghèo khắc phục những khó khăn về kinh tế để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phú Vang cho biết, cùng với thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, Phú Vang còn thực hiện có hiệu quả các chính sách như: hỗ trợ bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội cho đối tượng yếu thế, hỗ trợ tiền điện hộ nghèo... Nhờ đó, từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo 4,8% và hộ cận nghèo 6,35% đầu năm 2021 giảm lần lượt còn 4,26% và 5,57% vào cuối năm 2021. Như vậy, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021, toàn huyện giảm được 0,56% (vượt kế hoạch giao là 0,48%).
Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay, mới nhằm giúp các hộ nghèo thoát nghèo. Các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo chi tiết đến từng hộ gia đình, đồng thời nắm chắc số hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhu cầu hỗ trợ của người nghèo về vốn, học nghề, tạo việc làm, để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo có hiệu quả. Thực hiện phương châm “trao cần câu hơn xâu cá”, nhiều địa phương đã biết tận dụng, khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình làm ăn giỏi, có uy tín trong cộng đồng tham gia giúp đỡ, hướng dẫn cho người nghèo, hộ nghèo học tập, làm theo từ các mô hình sản xuất, sinh kế hiệu quả. Đơn cử như ở huyện Nam Đông, A Lưới từ những hộ gia đình trồng cam, hoa, rau nhà lưới, cây dược liệu... có hiệu quả để chia sẻ kinh nghiệm, liên kết cho nhiều hộ nghèo cùng học làm theo.
Bên cạnh thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, để tránh phát sinh hộ nghèo mới, nhất là trong tình hình chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, thiên tai, nhiều địa phương kịp thời hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động ở các tỉnh, thành phố khác trở về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19; thực hiện công tác hỗ trợ khẩn cấp cho người dân gặp rủi ro, thiên tai từ nguồn lực ngân sách Nhà nước và mở rộng sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng.
Hình thành những mô hình sinh kế thích hợp
Năm 2021, số hộ nghèo trên toàn tỉnh là 10.871 hộ, chiếm tỷ lệ 3,45%. Trong đó, khu vực thành thị có tỷ lệ 1,75%, khu vực nông thôn có tỷ lệ 4,85%. Hộ cận nghèo là 13.434 hộ, chiếm tỷ lệ 4,27%. Trong đó, khu vực thành thị có tỷ lệ 2,34%, khu vực nông thôn 5,84%.
Tại Nghị quyết số 11 ngày 3/11/2021 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,0%- 2,2%. Trong đó, khu vực nông thôn tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,5%, khu vực dân tộc thiểu số và miền núi giảm còn dưới 5%; khu vực thành thị không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo không có khả năng lao động)”.
Năm 2022 là năm áp dụng chuẩn nghèo mới theo quy định tại Nghị định số 07/2021 của Chính phủ, do đó dự kiến quy mô và số lượng hộ nghèo, cận nghèo tăng lên nhiều. Cũng theo nhận định của Sở LĐXH&XH, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, gây khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân tự vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều người lao động không có việc làm, hồi hương, việc giải quyết việc làm bền vững cho người dân trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, vấn đề giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn 2022-2025 và năm 2022 đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Quan điểm của tỉnh trong việc huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo cho công tác giảm nghèo theo phương châm: Nhà nước tạo điều kiện về sinh kế, cộng đồng hỗ trợ, bản thân người nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Thực hiện công cuộc “giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều ý kiến cho rằng, muốn giảm nghèo, thoát nghèo bền vững, bên cạnh giải quyết việc làm tại các nhà máy, khu công nghiệp, cách tốt nhất là trao cơ hội cho người nghèo tham gia phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu thị trường. Thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản; những mô hình kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm tại chỗ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, địa phương song song với nâng cao trình độ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất cho người lao động và hộ nghèo.
Đối với việc giảm nghèo ở khu vực dân tộc thiểu số, miền núi và khu vực nông thôn, nên ở những địa phương này cần kết hợp áp dụng hỗ trợ mô hình phát triển nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng để tạo thu nhập ổn định cho người dân. Trong đó, hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ như: mây, tre, nứa, cây dược liệu... để sản xuất các sản phẩm tạo ra các chuỗi giá trị; đồng thời quy hoạch, hình thành các vùng nguyên liệu đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mang tính hàng hóa, phù hợp vùng, miền.