Tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ
Hội nghị Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế (PPDWE) với 4 phiên thảo luận, đối thoại chính nhằm trao đổi về các vấn đề: Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội đối với phụ nữ - động lực cho tăng trưởng bền vững và bao trùm; Doanh nhân nữ trong một thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy tinh thần kinh doanh của phụ nữ trong kỷ nguyên số; Xây dựng tầm nhìn về tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Phát biểu tại Đối thoại, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu và thế giới về việc làm đang có nhiều biến động, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các nữ doanh nhân và lực lượng lao động nữ, cần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nữ doanh nhân tiếp cận với vốn, tài sản, kinh nghiệm và thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Phó Chủ tịch cũng chỉ rõ, đã đến lúc cần xác định những định hướng dài hạn trong hợp tác APEC về phụ nữ, đóng góp vào các nỗ lực đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu Bô-go của APEC và quá trình xây dựng các tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020.
Bà Lakshmi Puri, Phó tổng giám đốc điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), cho rằng các nền kinh tế APEC cần làm nhiều hơn nữa để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đầy kinh tế APEC. Phụ nữ phải được đặt vào trung tâm để mang lại những giá trị đặc biệt cho nền kinh tế của chúng ta. Trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết hướng tới phát triển bền vững.
Các đại biểu nữ trong khối APEC tích cực tham gia đối thoại
Tiên phong trao quyền cho phụ nữ
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu trong Khối APEC đều cho rằng, trao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong kinh tế chính là động lực cho phát triển bền vững và bao trùm trong khu vực APEC. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là một trong những yếu tố quyết định. Các cơ quan Chính phủ, khu vực công - tư cần hợp tác chặt chẽ vì mục tiêu đó.
Các đại biểu cũng nhận định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu và phát triển bền vững và bao trùm. Nhiều nền kinh tế trong khu vực đang đẩy mạnh triển khai các chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó chú trọng việc tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ. Trong một thế giới toàn cầu hóa và công nghệ số với nhiều thách thức đang nổi lên, cần có những hành động chung để tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 đánh giá, tiềm năng của phụ nữ Việt Nam cũng như phụ nữ khu vực APEC còn rất lớn; các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ là động cơ chính, là chủ nhân của nền kinh tế.
Về tầm nhìn về tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, qua thảo luận các đại biểu đều nhất trí rằng: Trong một giai đoạn đang có nhiều chuyển đổi như hiện nay, vấn đề then chốt là cần tăng cường sự vai trò, tham gia và đóng góp của phụ nữ trong quá trình hoạch định chính sách của APEC, nhất là trong việc xây dựng “Tầm nhìn APEC sau năm 2020”... Do đó, APEC cũng cần tiếp tục tiên phong các nỗ lực toàn cầu về thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn lồng ghép vấn đề tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ vào các chiến lược và chương trình hành động quốc gia triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các đại biểu cũng cho rằng, cần tăng cường phối hợp và sự bổ trợ giữa các cơ chế khu vực, liên khu vực và toàn cầu nhằm đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và về tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Có thể nói, những vấn đề nêu trên là mối quan tâm chung của các thành viên trong khối APEC, đây cũng là những nội dung thiết thực giúp cho Việt Nam thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Đối thoại kết thúc tốt đẹp sau một ngày làm việc tích cực và hiệu quả. Các ý kiến được trao đổi tại Đối thoại sẽ được tổng hợp thành những khuyến nghị để báo cáo các Bộ trưởng tại Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế diễn ra vào ngày mai 29/9.
Cùng ngày, đã diễn ra hai hội thảo, gồm: Đối thoại công - tư về Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao tỷ lệ lãnh đạo nữ trong APEC và Hội thảo nữ doanh nhân APEC và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.