Tìm kiếm
Khung pháp lý mới bảo vệ người lao động giúp việc
Ngày cập nhật 28/04/2014

Theo nghị định 27/2014/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/5 tới, người giúp việc sẽ được ký hợp đồng lao động với mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cùng 2 khoản tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế khi được sử dụng lao động, cùng với đó là quy định “Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi do hai bên thỏa thuận nhưng người lao động (NLĐ) phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục. Ngoài ra, người sử dụng lao động (NSDLĐ) bố trí thời gian để người lao động học văn hóa, học nghề khi người lao động yêu cầu”. Đây là những quy định đáng chú ý tại Nghị định này.

Đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm: Lao động là người GVGĐ theo quy định tại Khoản 1, Điều 179 của Bộ luật Lao động; NSDLĐ có thuê mướn, sử dụng lao động là người GVGĐ theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Nghị định này. Nghị định này không áp dụng đối với lao động Việt Nam làm GVGĐ ở nước ngoài.

Theo đó, từ ngày 25-5-2014, khi có nhu cầu, NLĐ và NSDLĐ phải có ký kết hợp đồng bằng văn bản cụ thể. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, NSDLĐ có trách nhiệm thông báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi NLĐ làm việc về việc sử dụng lao động là người GVGĐ. Nội dung hợp đồng gồm có quy định về điều kiện ăn, ở của NLĐ (nếu có); tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng hạn; thời gian và mức chi phí hỗ trợ để NLĐ học văn hóa, học nghề (nếu có)…

Liên quan tới trách nhiệm bồi thường do NLĐ gây ra: Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng do hai bên thỏa thuận, nhưng không quá 30% mức tiền lương hằng tháng đối với NLĐ không sống tại gia đình NSDLĐ; không quá 60% mức tiền lương còn lại sau khi trừ chi phí tiền ăn, ở hằng tháng của NLĐ (nếu có) đối với NLĐ sống tại gia đình NSDLĐ.

Về thời gian làm việc, nghỉ ngơi do hai bên thỏa thuận nhưng người giúp việc gia đình phải được nghỉ ít nhất tám giờ/ngày, trong đó có sáu giờ nghỉ liên tục. Mỗi tuần người giúp việc phải được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục hoặc bình quân ít nhất bốn ngày trong một tháng.

Trường hợp người dụng lao động yêu cầu giúp việc làm ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động, làm ngày nghỉ lễ, tết... thì phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người giúp việc.
Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương. Thời điểm nghỉ sẽ do hai bên thỏa thuận.

Người sử dụng giúp việc cũng phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế cho người giúp việc, để người giúp việc tự lo bảo hiểm.
Theo tình hình hiện nay cho thấy lượng lao động giúp việc của nước ta ngày càng tăng nhanh, cụ thể là trong năm 2015 dự báo sẽ tăng khoảng 63% (số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng).

Chính vì vậy, từ cuối năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giao cho Vụ lao động tiền lương soạn thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật về lao động là người giúp việc giúp đảm bảo quyền lợi cho người lao động giúp việc và góp phần làm cho xã hội ngày càng phát triển hơn.
Có thể nói, những quy định trong Nghị định 27/2014/NĐ-CP là bước đột phá lớn về pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho lao động giúp việc cũng như NSDLĐ. Đây chính là cơ sở để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan; đồng thời góp phần tạo ra một đội ngũ giúp việc lành nghề, tiến tới xuất khẩu lao động trong lĩnh vực này ra các thị trường trên thế giới./.

Nguyễn Văn Anh - VP Sở
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.138.039
Đang truy cập: 23.036