Tìm kiếm
Ngày Gia đình Việt Nam 28-6: Bữa cơm nhỏ nuôi dưỡng tình yêu lớn
Ngày cập nhật 29/06/2014

Không phải là một Slogan quá to tát, chủ đề của ngày gia đình năm nay với mục đích hướng tới đơn giản là "Bữa cơm gia đình”. Chủ đề nhỏ, nhưng lại chứa đựng nhiều thông điệp lớn, bởi có quá nhiều giá trị văn hóa tinh thần chứa đựng quanh mâm cơm sum họp.


 
Bữa cơm gia đình là để cho - nhận những yêu thương

Kỹ năng sống bắt đầu từ gian bếp nhỏ

Công đoàn Mặt trận hưởng ứng ngày gia đình Việt Nam

Hưởng ứng ngày gia đình Việt Nam, sáng qua 27-6 Ban chấp hành công đoàn cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề: Tính bền vững của gia đình hiện đại. Tại buổi nói chuyện các đoàn viên công đoàn cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm để gìn giữ một gia đình hạnh phúc trong đó nhấn mạnh đến việc quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc…

Qua buổi nói chuyện chuyên đề là dịp để đoàn viên công đoàn cơ quan hưởng ứng ngày gia đình Việt Nam và tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.
Anh Vũ
Trên mạng xã hội những ngày qua có một vài diễn đàn liên quan đến chuyện của gia đình thời hiện đại được khá nhiều người quan tâm chia sẻ. Một bà mẹ kể rằng chị không bao giờ tin cô con gái hiền lành của mình lại nổi loạn trên facebook. Chỉ khi nghe cô giáo chủ nhiệm phản ánh, và cho xem tận mắt những lời lẽ chửi bậy của con mình trên mạng trong một cuộc khẩu chiến với các bạn trong lớp, chị mới giật mình…Thì ra lâu nay, tin rằng con vẫn chăm ngoan, cho con tiền đi học thêm, cho tiền con ăn tối ở ngoài để con kịp giờ đến lớp mà bố mẹ con cái chẳng còn gần gũi nhau nữa. Trong khi với gia đình công chức như nhà chị, thì thời gian đoàn tụ duy nhất đề chia sẻ yêu thương chính là bữa tối trong gia đình.

Lại có câu chuyện của một bà mẹ khác kể rằng, chị đong 10 kg gạo mà 4 người trong nhà ăn trong vòng 3 tháng mới hết. Nghe có vẻ lạ, nhưng lại là chuyện thật. Bởi hai đứa nhỏ học bán trú, ăn 2 bữa chính ở trường. Vì thế cả nhà không ăn sáng cùng nhau, không ăn trưa cùng nhau, thậm chí cũng rất ít khi cả nhà có mặt đầy đủ để ăn chung một bữa tối.

Trong số nhiều chia sẻ, chúng tôi ấn tượng hơn cả với câu chuyện của chị Vân Anh - một giáo viên dạy Văn tại Hà Nội. Chị bảo hơn mười năm trước, chị từng nghĩ cơm bụi là một cuộc cách mạng tuyệt vời cho những chị em phụ nữ không có nhiều thời gian. Ăn cơm bụi tiện ở nhiều nhẽ, vừa không phải nấu, lại có thể lựa chọn được nhiều món hơn, so với việc nấu ăn ở nhà (chỉ chừng 2- 3 món là cùng). Nhưng sau nửa năm cả gia đình rong ruổi ăn cơm bụi khắp nơi cùng chốn, chị thấy lựa chọn này không ổn. Thế là rốt cuộc cả nhà lại vào bếp như xưa…Vợ đặt nồi cơm, chồng giúp những việc vặt như cọ nồi, rửa rau. Ăn xong thì con lớn rửa bát, con nhỏ quét nhà. Và những kỹ năng sống cũng bắt đầu chính từ gian bếp nhỏ ấy. Chị dạy cho các con cách phân biệt những dụng cụ cho vào lò vi sóng; phân biệt đâu là rau muống, rau lang, rau bí… Và giờ thì chị yên tâm lắm khi vắng nhà, bởi những thành viên còn lại đều đã trở thành những chuyên gia bếp núc.

Mang câu chuyện bữa cơm chung trò chuyện với PGS.TS Trịnh Hòa Bình, dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, ông phân tích một cách thấu đáo hơn. Bởi bữa ăn không chỉ thuần túy là nạp năng lượng, mà ở đó diễn ra sự giao tiếp. Đơn cử như là sự mắng mỏ, chăm sóc, rèn giũa của bố mẹ dành cho con cái. Có thể vừa ngồi ăn, cả nhà vừa xem chung một chương trình thời sự, xem chung một bộ phim và cùng bình luận…Đó cũng là cách thể hiện sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng chia sẻ một thực tế là có những căn bếp ngày càng được trang hoàng và được coi là "linh hồn” của ngôi nhà, có khi chỉ có tác dụng là sự khoe mẽ, trong khi bữa ăn chung ngày càng ít đi. Vì vậy, cũng để thấy người ta không coi nặng bữa ăn chung, nhưng lại bị giằng xé bởi nhu cầu thực tế là người Việt không thể thiếu nó.

Bình đẳng để xây pháo đài kiên cố

Nhưng bàn câu chuyện bữa cơm chung trong cuộc sống hiện đại, không đơn thuần nói câu chuyện kỹ năng sống. Người ta thấy mừng vì Ngày hội tôn vinh mái ấm gia đình của người Việt đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Và người Việt sau những thăng trầm của thời kỳ mở cửa cũng đã nhận ra rằng, gia đình chính là pháo đài kiên cố nhất để bảo vệ mọi giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống.

Chỉ có điều không phải người đàn ông nào cũng tự giác với vai trò xây pháo đài kiên cố, bắt đầu từ chính bữa ăn gia đình. Mặc nhiên lâu nay chuyện bếp núc, nuôi dạy con cái vẫn thường được phó thác cho phụ nữ. Có lẽ một phần cũng do những quan niệm phong kiến cũ còn rơi rớt lại. Nhưng thật may, chúng tôi cũng đã gặp những người đàn ông có quan điểm cực kỳ tiến bộ. Đơn cử như tại hội thảo về Tăng cường vai trò của nam giới trong gia đình (do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức chiều qua 27-6), tại Hà Nội), anh Nguyễn Thanh Tùng, quận Ba Đình cho hay anh không bao giờ quan niệm việc cơm nước, giặt giũ là việc chỉ dành cho phụ nữ. Chính vì thế anh sẵn sàng làm những việc tưởng chừng như "vụn vặt” ấy mỗi khi vợ bận chăm con hoặc đi công tác. Hơn thế, anh Tùng cũng chia sẻ thêm: "Xã hội ngày nay cần có sự bình đẳng tích cực, cha mẹ cùng chăm sóc con cái. Dĩ nhiên không ai được phép ỷ lại và đùn đẩy trách nhiệm. Sẽ là bình đẳng nếu nam giới biết chia sẻ một nửa công việc gia đình, đồng thời vẫn giữ vai trò "đứng mũi chịu sào”… Có nhiều nam giới tham gia hội thảo đã đồng tình và chia sẻ những suy nghĩ giống như anh Tùng. Mong rằng những nỗ lực trong việc thực hiện bình đẳng giới cũng bắt đầu từ chính gian bếp nhỏ và những việc nho nhỏ hàng ngày ở mỗi mái ấm gia đình.

Trở lại với câu chuyện khôi phục những bữa cơm đầm ấm trong mỗi gia đình hôm nay. Rõ ràng mục tiêu nghe có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện một nét sinh hoạt văn hóa lâu đời lại không đơn giản. Lâu nay đã có một bộ phận người Việt quen với tác phong sống nhanh: Đồ ăn nhanh/ hưởng thụ nhanh…mà quên đi rằng bữa cơm sum vầy của người Việt là bữa cơm kết tinh của mọi giá trị sống: nhai chậm/ ăn kỹ- no lâu/ suy nghĩ chín chắn…Và khi đã cảm nhận được những cho- nhận yêu thương bên mâm cơm nhỏ, người với người trong gia đình, ngoài xã hội cũng sống với nhau nghĩa tình, nhân ái hơn.

 

www.baomoi.com
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.138.039
Đang truy cập: 1.800