Tìm kiếm
Nội dung Đối thoại trực tuyến “Công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”
Ngày cập nhật 23/12/2014

Thực hiện Quy chế tổ chức đối thoại trực tuyến trên môi trường mạng giữa lãnh đạo tỉnh với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1834/QĐ-UBND ngày 17/9/2013 của UBND tỉnh. Theo đó, định kỳ 2 tháng/lần, UBND tỉnh sẽ tổ chức đối thoại trực tuyến với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hôm nay, ngày 23/12, tại Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cùng với ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đối thoại trực tuyến với cá nhân, tổ chức với chủ đề Công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Buổi đối thoại được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế tại địa chỉ www.thuathienhue.gov.vn và được ghi hình, sau đó phát sóng trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh (TRT) vào 9 giờ 00 sáng chủ nhật ngày 28/12/2014.

Quý vị quan tâm xin mời gửi câu hỏi đến Ban Biên tập qua địa chỉ thư điện tử: bbt.ubnd@thuathienhue.gov.vn và gọi điện thoại qua đường dây nóng 054.362.9999, hoặc gửi trực tiếp tại chuyên mục “Trao đổi và tháo gỡ” trên trang chủ của Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Toàn cảnh buổi đối thoại

Vâng, thưa ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trước khi bắt đầu đối thoại ông có điều gì chia sẻ cùng với các cá nhân, tổ chức đang theo dõi và tham gia buổi đối thoại trực tuyến hôm nay không ạ?

Phát biểu mở đầu buổi đối thoại của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung:

Xin chào tất cả các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đang theo dõi và tham gia buổi đối thoại trực tuyến hôm nay.

Như quý vị đã biết, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Theo đó, Đảng và Chính phủ đã ban hành, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều chính sách giảm nghèo như: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo; chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí, cấp bù học phí, thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số; cứu trợ mùa giáp hạt, hỗ trợ khi ốm đau hoạn nạn...

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, vấn đề xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết. Những năm qua, Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tập trung, thống nhất các chương trình, dự án có liên quan đến mục tiêu giảm nghèo nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội có hiệu quả nhất. Đặc biệt là ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn nhất, đối tượng khó khăn nhất, vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện xây dựng nông thôn mới để mọi người dân thực sự được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi vậy, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều hộ vượt qua ngưỡng đói nghèo, một số hộ vươn lên khá giả kể cả ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 11,16%, hộ cận nghèo là 6,83%; năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 6,42%, hộ cận nghèo là 6,37%. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống ước còn 5,3% đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 4,7% theo chuẩn nghèo hiện tại. Bình quân giai đoạn 2011 - 2015, mỗi năm giảm được gần 1,3%. Đặc biệt, trong giai đoạn qua đã giảm khoảng cách chênh lệch hộ nghèo ở các vùng, miền, các khu vực.

Bên cạnh thành quả đạt được, kết quả giảm nghèo của tỉnh vẫn chưa thật sự vững chắc, vẫn còn xảy ra tình trạng tái nghèo, đặc biệt là ở những huyện miền núi, vùng cao, biên giới. Công tác dạy nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường; cho vay tín dụng ưu đãi chưa gắn với hỗ trợ và hướng dẫn về sản xuất, khuyến nông một cách hiệu quả. Đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi vẫn khó tiếp cận với dịch vụ y tế do chi phí khám chữa bệnh cao, đi lại khó khăn, chất lượng khám chữa bệnh còn thấp…

Để có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; đồng thời trực tiếp giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến công tác thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xoá đói giảm nghèo; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; trợ cấp, trợ giúp các đối tượng khó khăn, gia đình chính sách… UBND tỉnh tổ chức đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh với chủ đề Công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Qua buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh muốn gửi đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong việc đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Bằng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình chúng tôi sẽ cố gắng giải đáp những vấn đề đặt ra một cách thỏa đáng, đáp ứng sự mong mỏi, quan tâm của quý vị.

Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp những kiến nghị, vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân gửi về cuộc đối thoại hôm nay.

Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn quý vị đã gửi câu hỏi và theo dõi buổi đối thoại.

 

BẮT ĐẦU ĐỐI THOẠI

 

 

 

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email trongtan201516@gmail.com: Được biết tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, ngoài việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, thì việc giảm nghèo cũng đóng vai trò không nhỏ. Xin hỏi hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là bao nhiêu, xếp vào top nào của cả nước? Tỉnh có giải pháp gì để giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương?

Đồng chí Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đây cũng là vấn đề mà bạn đọc có địa chỉ email hien.truonglengoc@gmail.com quan tâm: Theo tôi được biết kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, khu vực trong Tỉnh. Giải pháp nào để chống tái nghèo và giảm nghèo bền vững?

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung:

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 5,3%, xếp thứ tự khoảng thứ 23 (tính từ tỷ lệ thấp đến tỷ lệ cao) so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo định hướng của Trung ương và căn cứ tình hình thực tế của địa phương, thời gian tới Tỉnh sẽ nghiên cứu và thực hiện các giải pháp sau để giảm nghèo nhanh, chống tái nghèo, kéo giảm khoảng cách chênh lệch tỷ lệ hộ nghèo giữa các vùng, miền:

Một là: Tăng nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; lựa chọn chính sách để ưu tiên phân bổ, sử dụng hợp lý; bảo đảm lồng ghép chính sách và nguồn lực có hiệu quả cao nhất;

Hai là: Thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển;

Ba là: Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù hợp đặc điểm vùng để thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ nhằm góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân.

Bốn là: Thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Duy trì, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo;

Năm là: Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh để vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc Bùi Văn Sinh, TP Huế: Các chế độ chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo?

Đồng chí Nguyễn Thanh Kiếm - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Các chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo như sau:

- Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo;

- Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm;

- Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo ở các cấp học theo quy định, cụ thể:

+ Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

+ Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Chính sách cấp thẻ BHYT cho người nghèo; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và kinh phí đồng chi trả của người bệnh thuộc hộ nghèo...

- Đối với hộ cận nghèo, việc mua thẻ BHYT được Trung ương hỗ trợ 70%, địa phương hỗ trợ thêm 15% mệnh giá của thẻ BHYT.

- Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; tiền điện thắp sáng;

- Hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý và hưởng thụ văn hóa, thông tin.

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Hương, đường Phạm Thị Liên, Huế: Trong bối cảnh Nhà nước thắt chặt chi tiêu như hiện nay thì việc huy động các nguồn lực xã hội giúp người nghèo là rất cần thiết. Vậy xin hỏi tỉnh đã có biện pháp gì để tăng cường huy động các nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh?

Đồng chí Lê Đình Khánh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Khánh:

Các biện pháp huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo của tỉnh:

1. Huy động nguồn vốn để đảm bảo công tác an sinh xã hội:

- Nguồn vốn của Trung ương về chương trình MTQG giảm nghèo.

- Mặt trận tổ quốc tỉnh phối hợp với các ban ngành vận động ngày vì người nghèo: Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận - Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp đã chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo với số tiền trên 20,157 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ xây dựng trường Mẫu giáo năm 2013: 10 tỷ đồng; Sửa chữa, xây dựng 202 ngôi nhà cho hộ nghèo: 3,697 tỷ đồng; cho mượn vốn sản xuất cho 724 lượt hộ nghèo: 3,058. tỷ đồng; tặng 1.653 phần quà cho học sinh nghèo với số tiền 602 triệu đồng; giúp 630 lượt người nghèo chữa bệnh với số tiền 452 triệu đồng; tặng quà tết cho hộ nghèo, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 8.413 lượt người nghèo với số tiền 1,443 tỷ đồng và các hình thức giúp đỡ khác quy tiền 824.7 triệu đồng…Năm 2014, đã quyên góp ủng hộ với số tiền 1.240 triệu đồng.

- Huy động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội cụ thể các dự án: Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn của tổ chức Hội tương trợ VN-Huế-Thụy Sỹ (AEVHS - Thụy sỹ) cho Cơ sở bảo trợ trẻ em An Tây giai đoạn 2006-2016 với nguồn tài trợ cam kết là 126.470 USD; Hỗ trợ vay vốn khuyến khích tự lập cho 31 hộ dân nghèo sống tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế của Hiệp hội Bretagne - Việt Nam (Pháp) giai đoạn 2013-2015 với nguồn vốn tài trợ cam kết 3.846 USD; Hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế của tổ chức Hoa Nhân Ái (TCF - Hoa Kỳ) năm 2014: 38.846 USD; Xây dựng 20 công trình khí sinh học cho 20 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn sống tại thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền do Hiệp hội Bretagne - Việt Nam (Cộng hòa Pháp) tài trợ với nguồn vốn cam kết: 11.067 USD. Bên cạnh đó còn các dự án viện trợ cho các phụ nữ nghèo đơn thân, các hộ nghèo dễ bị tổn thương…

2. Về công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo: đã cấp thẻ BHYT cho người nghèo năm 2014 và đang triển khai thủ tục cấp 35.111 thẻ BHYT với kinh phí 21,7 tỷ đồng cho người nghèo đảm bảo 100% đối tượng có thẻ trước ngày 01/01/2015 và hỗ trợ tiền điện cho 17.242 hộ nghèo với kinh phí 3,1 tỷ đồng.

3. Công tác giải quyết các chính sách thường xuyên và đột xuất: Các ban, ngành và các địa phương đã vận động, tổ chức phân phối gạo (trung ương hỗ trợ) và quà của UBND tỉnh gồm 1.000 tấn gạo và 98.116 suất quà trị giá 15,984 tỷ đồng. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trích 9,700 tỷ đồng để hỗ trợ cho cho 17.592 hộ nghèo; 16.986 hộ cận nghèo; 44.106 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng theo Nghị định 67 và Nghị định 13 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email uyennhinguyen.74@gmail.com: Người nghèo hiện nay đang được hưởng thụ nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách hỗ trực tiếp như: chính sách BHYT, chính sách hỗ trợ giáo dục, chính sách hỗ trợ về nhà ở,... Liệu điều này có dẫn đến tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước không? Có làm ảnh hưởng đến chủ trương xóa đói giảm nghèo của nhà nước không?

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung:

Việc hộ nghèo, người nghèo hiện nay đang được hưởng thụ nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp như: cấp thẻ BHYT, chính sách hỗ trợ giáo dục, chính sách hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về tiền điện... là chủ trương mang đậm tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước phù hợp với đạo lý và truyền thống của dân tộc. Trong những năm qua, thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp của nhà nước, nhiều hộ nghèo đã phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên các chính sách hỗ trợ này ít nhiều có ảnh hưởng đến chủ trương xóa đói giảm nghèo của Nhà nươc, biểu hiện cụ thể là có một số ít hộ nghèo, người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, ít chịu khó, chủ động vươn lên để thoát nghèo.

Để khắc phục tình trạng này, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã thiết kế với nhiều thay đổi căn bản. Hộ nghèo sẽ được phân loại theo các nhóm đối tượng và có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó sẽ điều chỉnh dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo bền vững và hạn chế tư tưởng, ỷ lại trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước.

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email vinhbao47@gmail.com: Các doanh nghiệp hiện nay đang rất cần nguồn nhân lực nhất là công nhân kỹ thuật, có tay nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp nhưng thực trạng cho thấy hiện nay lao động ở Huế phần đông tác phong lao động chưa chuyên nghiệp, thiếu thợ có tay nghề cao… không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Giải pháp nào để khắc phục trình trạng này?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Hàng năm tỉnh có khoảng 2.700 sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng nghề và trung cấp nghề. Đây là lực lượng có chất lượng tay nghề và tác phong công nghiệp khá tốt.

Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển dụng lao động vào làm việc chủ yếu là lao động phổ thông. Đa số lao động phổ thông đều chưa qua đào tạo nghề và tác phong công nghiệp hạn chế. Mặc khác một số cơ cở dạy nghề cũng chưa phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có những giải pháp trong thời gian tới như sau: tiếp tục chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tăng cường công tác giáo dục về tác phong công nghiệp; đồng thời xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp và điều kiện phát triển kinh tế của các địa phương (cả về tay nghề và tác phong công nghiệp). Mặt khác đề nghị doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động cần tuyển số lao động đã qua đào tạo từ trình độ trung cấp nghề trở lên. 

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc Hạnh Nhân, Thị xã Hương Trà: Tôi đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế thuộc diện hộ nghèo; xin hỏi khi đi khám chữa bệnh tôi có phải nộp thêm tiền cho nơi khám, chữa bệnh không? Ngoài chi phí khám chữa bệnh, tôi có được hỗ trợ gì nữa không?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Khiết:

Người nghèo có thẻ Bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh thì được hưởng các quyền lợi sau:

1. Theo quy định hiện nay thì hộ nghèo được thanh toán  95% chi phí khám, chữa bệnh, phần chi phí còn lại 5% người bệnh tự chi trả. Từ 01/01/2015, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì người nghèo có thẻ Bảo hiểm y tế được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh. Như vậy nếu bạn đi khám, chữa bệnh trong năm 2014 sẽ phái đóng 5% chi phí, từ 01/01/2015 sẽ được miễn 100%.

Tuy nhiên, bạn phải trả một phần chi phí khi đi khám, chữa bệnh trong các trường hợp sau:

- Sử dụng các dịch vụ Khám chữa bệnh không được quy định trong danh mục của Bảo hiểm y tế do Bộ y tế ban hành

- Đi khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến theo quy định.

Số tiền bạn phải trả một phần cho chi phí khám, chữa bệnh do sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh không được quy định trong danh mục của Bảo hiểm y tế và trái tuyến thì tùy vào các dịch vụ bạn sử dụng và loại hình bệnh viện trái tuyến, vượt tuyết, các bệnh viện sẽ tính toán số tiền bạn phải nộp thêm theo quy định.

2. Ngoài ra vì bạn là người thuộc hộ gia đình nghèo, do đó bạn  được hưởng thêm các chế độ hỗ trợ từ Quỹ khám chữa bệnh người nghèo của Tỉnh theo Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 24/9/2013 của UBND tỉnh (ngoại trừ trường hợp khám chữa bệnh theo yêu cầu hoặc trái tuyến, vượt tuyến quy định). Cụ thể như sau:

+ Hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế công lập từ Trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố trở lên với mức 3% lương cơ sở/người bệnh/ngày (Tương đương hiện nay là 34.500 đồng/ngày).

+ Hỗ trợ 50% chi phí khám, chữa bệnh đối với phần bạn phải chi trả 5% tính từ mức phải trả 100.000 đồng trở lên nếu bạn đi khám, chữa bệnh trong năm 2014. Từ năm 2015 theo quy định Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế do người nghèo được hưởng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh 100% nên không tính phần hỗ trợ này.

+ Được hỗ trợ tiền vận chuyển đối với những trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng mà người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được Bảo hiểm y tế thanh toán, Quỹ sẽ hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện. Mức hỗ trợ 0,2 lít xăng/km theo khoảng cách vận chuyển thực tế.

 

************************************************************************

 

Bạn đọc Đặng Văn Nam, gọi điện thoại đến đường dây nóng hỏi: Gia đình cháu thuộc hộ nghèo, cháu muốn làm đơn vay vốn để trang trải việc học đại học. Xin hỏi cháu có thể vay với mức bao nhiêu và những quy định việc trả vốn, trả lãi sau khi ra trường như thế nào? Cháu rất mong được chương trình giải đáp?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Khiết:

Việc cho học sinh, sinh viên vay tiền để trang trải chi phí học tập là chính sách ưu đãi của Nhà nước

- Căn cứ Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Nếu gia đình cháu thuộc hộ nghèo thì thuộc đối tượng được vay tiền để trang trải chi phí học đại học như cháu đề nghị.

- Mức cho vay: theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ, mức cho vay tối đa là 1.100.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay sẽ căn cứ vào mức thu học phí của từng trường, sinh hoạt phí và nhu cầu của người vay để quyết định mức cho vay cụ thể đối với từng học sinh, sinh viên nhưng tối đa không vượt quá mức vay trên.

- Về lãi suất cho vay, theo Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 03/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay đối với học sinh, sinh viên hiện nay là 0,65%/tháng

- Về trả nợ vốn, lãi: Theo quy định, trong thời gian học tập học sinh, sinh viên được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; học sinh, sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học; đến kỳ trả nợ cuối cùng, học sinh, sinh viên có khó khăn chưa trả được nợ, nếu có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ, thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.

Như vậy trường hợp của cháu nếu thuộc hộ nghèo thì được vay vốn theo chính sách này. Đại diện hộ gia đình cháu đến Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội nơi cháu có hộ khẩu thường trú để được hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình và thủ tục vay tiền.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Lê Văn Tấn, TP Huế: Tôi nghe nói từ năm 2015, Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực. Nếu tôi bị tai nạn giao thông có vi phạm pháp luật thì có được hưởng chế độ BHYT không ?

Trả lời của Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Xuân Tiếu:

Theo hướng dẫn tại Khoản 16, Điều 22 Luật 46/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế đã bãi bỏ khoản 10 và 12 Điều 23 Luật BHYT và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Có nghĩa là, các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra kể từ ngày 01/01/2015 đều được hưởng BHYT. Như vậy, theo Luật BHYT sửa đổi thì từ ngày 01/01/2015 nếu bị tai nạn giao thông do vi phạm pháp luật sẽ được hưởng BHYT.

Trường hợp bị tai nạn giao thông do vi phạm pháp  luật, đang nằm viện tiếp tục điều trị và ra viện kể từ ngày 01/01/2015 thì được hưởng theo quy định mới (theo khoản 3, Điều 11 Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ).

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc Trần Hoàng Nam, TP Huế: Doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh (cụ thể là A Lưới) thì được hưởng ưu đãi gì?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Khánh:

Ngày 05/01/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2003 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh (trong đó huyện A Lưới thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) được hưởng một số ưu đãi về thuế và đất đai như sau:

- Căn cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, được hưởng ưu đãi sau:

+ Được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% (thông thường 22%) trong thời hạn 15 năm từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh (Mục a, Khoản 1, Điều 15);

+ Được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo (Mục a, Khoản 1, Điều 16).

- Căn cứ Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về quy định thu tiền thuê đất, thuê mặt nước: Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày hoàn thành đưa dự án vào hoạt động (Mục c, Khoản 3, Điều 19).

Ngoài ra doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư khác tùy theo ngành, lĩnh vực kinh doanh cụ thể (quy định chi tiết tại các văn bản trên).

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc Phan Văn Thành, TP Huế: Tôi được biết nhiều hộ nghèo là do thiếu vốn, thiếu đất canh tác? Xin được hỏi ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung:

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 60/2014/QĐ-UBND ngày 09/9/2014 về việc quy định mức bình quân đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn sống bằng nghề nông, lâm nghiệp được giao quỹ đất để sản xuất nông lâm ngư nghiệp theo chủ trương của Nhà nước. Cụ thể: đất nương rẫy 0,5ha, đất lúa nước 1 vụ 0,25ha hoặc đất trồng lúa nước 2 vụ 0,15ha hoặc nuôi trồng thủy sản 0,1ha.

- Đối với những vùng thiếu quỹ đất sản xuất như vùng ven biển đầm phá, tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, những lao động trẻ đào tạo xuất khẩu lao động.

- Vận động các doanh nghiệp xây dựng nhà máy, công xưởng sản xuất gia công trên địa bàn nông thôn để thu hút lao động như: May xuất khẩu, mộc…

- Đối với các xã vùng gò đồi miền núi sau rà soát quy hoạch 3 loại rừng yêu cầu các Ban Quản lý rừng các Công ty Lâm nghiệp chuyển giao đất cho địa phương để cấp cho người dân sản xuất ưu tiên cho hộ nghèo. Đến nay, đã thu hồi đất lâm nghiệp của các Ban quản lý rừng và các Công ty Lâm nghiệp chuyển giao cho địa phương 39.300 ha rừng và đất rừng để cấp cho dân, nếu là rừng tự nhiên giao khoán cho dân quản lý bảo vệ, đất rừng sản xuất địa phương cấp cho dân trồng rừng kinh tế.

Về vốn phát triển sản xuất: Trong 3 năm 2011 - 2013 ngân hàng Chính sách - Xã hội đã cho vay 80.207 lượt hộ vay, với tổng số tiền dư nợ 1.063 tỷ đồng. Theo các Chương trình như vay hộ nghèo (giải ngân 570 tỷ/43.918 lượt hộ vay); cho vay hộ cận nghèo 56,4 tỷ/3.364 lượt hộ vay); cho vay học sinh, sinh viên (giải ngân 142 tỷ/10.5848 lượt hộ vay); cho vay xuất khẩu lao động (giải ngân 330 triệu/12 hộ vay); cho vay nhà ở 16,7 tỷ/2.049 lượt hộ vay); cho vay đồng bào dân tộc thiểu số (giải ngân 1,8 tỷ/359 lượt hộ vay); cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường (giải ngân 66,9 tỷ/9.086 lượt hộ vay), các chương trình đều giải ngân với tỷ lệ cao.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã tranh thủ dự án trồng rừng kinh tế bằng nguồn vay ưu đãi của ngân hàng thế giới cho 31 xã của 5 huyện Phong Điền, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy vay vốn trồng rừng kinh tế. Đến nay đã có 9.328 hộ vay với số tiền trên 112,2 tỷ đồng để trồng trên 13.567 ha rừng kinh tế, cho thu nhập cao, bình quân mỗi ha thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng trong chu kỳ 5 năm, giải quyết việc làm cho hàng vạn hộ dân của các huyện miền núi gò đồi, nhiều hộ có thu nhập ổn định và làm giàu từ kinh tế rừng, các xã ven biển đầm phá lồng ghép dự án Luxembourg, dự án nông thôn tổng hợp… cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cho người dân.

Trong những năm qua bằng nhiều biện pháp và giải pháp cụ thể UBND tỉnh đã giải quyết tốt công tác xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội cho người dân ở khu vực nông thôn và miền núi, đời sống tinh thần và vật chất của người dân đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 14,9% năm 2010 còn lại 8,51% năm 2013.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email dongmt2003@yahoo.com: Quy định của nhà nước về hỗ trợ dạy và học nghề cho doanh nghiệp và người lao động đi xuất khẩu?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

1. Chính sách của tỉnh về hỗ trợ học nghề và dạy nghề cho doanh nghiệp:

UBND tỉnh đã có Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05/01/2013 ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp được đầu tư trên địa bàn tỉnh (tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc). Theo đó nếu các doanh nghiệp mới thành lập, có tuyển dụng lao động địa phương và đào tạo nghề để làm việc tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp được hỗ trợ trực tiếp cho 01 lao động/1 triệu đồng/1 khoá học. Tuy nhiên lao động đó phải có hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên và có tham gia đóng Bảo hiểm xã hội.

2. Chính sách của nhà nước về hỗ trợ dạy nghề cho người Lao động xuất khẩu:

Căn cứ Thông tư liên tịch số 102/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2013 của  Liên Bộ TC-LĐTBXH về chính sách hỗ trợ đối với Lao động xuất khẩu như sau:

a) Chính sách hỗ trợ:

- Học nghề ngắn hạn, tối đa 3 triệu đồng/người/khoá học.

- Học ngoại ngữ, tối đa 3 triệu đồng/người/khoá học.

- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cần thiết, mức 530.000 đồng/người/khoá.

- Tiền ăn trong thời gian thực tế học: Mức chi theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg .

- Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) nếu nơi cư trú đến nơi học của học viên xa hơn 15 km với mức tối đa 400.000 đồng/lao động.

- Chi phí làm thủ tục gồm: hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp.

b) Đối tượng hỗ trợ: Bao gồm: Lao động là thân nhân chủ yếu của gia đình chính sách người có công cách mạng, người dân tộc thiểu số; lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc Ngọc Liên, huyện Phú Vang: Cho em hỏi theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2015, quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi có chi mới không?

Trả lời của Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Xuân Tiếu:

- Theo hướng dẫn tại Điểm 3 Khoản 5 Điều 7c, Luật 46/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế có quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em đồng thời với việc cấp giấy khai sinh”, như vậy sẽ đảm bảo trẻ em khi làm giấy khai sinh đều được cấp thẻ, đảm bảo quyền lợi cho các cháu (bố mẹ các cháu cần lưu ý điều này).

 - Theo hướng dẫn tại Điểm d Khoản 10 Điều 15, Luật 46/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế có điều chỉnh Khoản 3, Điều 16 Luật BHYT quy định “Đối với trẻ em dưới 6 tuổi thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó.” Như vậy các cháu sẽ được cấp Thẻ BHYT có hạn sử dụng liên tục đến hết tháng 9 của năm cháu đủ tuổi vào học lớp một để tiếp tục tham gia BHYT học sinh, không bị gián đoạn thời gian tham gia BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của các cháu.

- Theo hướng dẫn tại Khoản 16, Điều 1, Luật 46/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế có sửa đổi khoản 7 Điều 23 Luật BHYT các trường hợp không được hưởng BHYT: “Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi”. Như vậy, kể từ 01/01/2015, trẻ em dưới 6 tuổi khi Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt thì được hưởng BHYT.

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc Đại Dũng, 10 Trần Hưng Đạo, thành phố Huế: Trong khi các tỉnh khác có chế độ đặc biệt cho sinh viên ra trường đạt loại giỏi hoặc xuất sắc thì tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung chung, không có chính sách nào đặc biệt cụ thể, là một Lãnh đạo ông có ý kiến gì?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Khánh:

Tỉnh Thừa Thiên Huế có Đại học Huế là trung tâm đào tạo của khu vực Miền Trung và Tây nguyên, gồm có 7 trường đại học thành viên, 3 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu, hàng năm tuyển sinh hơn 12.000 chỉ tiêu, với khoảng 105 ngành học để đáp ứng nhu cầu công việc chủ yếu cho các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là một thuận lợi cho tỉnh trong công tác tuyển chọn, thu hút người tài trong số sinh viên tốt nghiệp hàng năm, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hoá, du lịch, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế chuyên sâu và là trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và của cả nước.

Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm việc tuyển chọn, thu hút người tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của tỉnh. Trước năm 2011, trong tuyển dụng công chức, viên chức, tỉnh đã có những chính sách ưu tiên đặc thù cho những đối tượng tham gia dự tuyển có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, không có sự phân biệt giữa thí sinh trong và ngoài tỉnh...các đối tượng trên được xét tuyển vào công chức, viên chức không qua thi tuyển, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Sau khi Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ra đời; để thu hút, đãi ngộ người tài, người có trình độ cao, hàng năm tỉnh đã ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển công chức, trong đó ưu tiên người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước và người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài, nếu phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, sẽ được tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển trong các đợt thi công chức của tỉnh.

 Đối với viên chức, căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Thông tư 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức. Tỉnh đã thực hiện việc thu hút thông qua xét tuyển đặc cách không qua thi đối với: Những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và ngoài nước, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng (trừ các trường hợp mà vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cần tuyển dụng yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ); những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các ngành nghề truyền thống.

Song song với các quy định chung của Chính phủ, tỉnh cũng đã định hướng nghiên cứu Chính sách thu hút lao động chất lượng cao, người tài giỏi về công tác tại tỉnh. Căn cứ Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 05/3/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008-2010; trong năm 2008, Sở Nội vụ đã dự thảo Quy định chính sách đãi ngộ, thu hút lao động có trình độ cao về công tác tại tỉnh; nhưng do khả năng ngân sách và còn nhiều ý kiến khác nhau của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện về đối tượng, phạm vi và một số nội dung khác về chính sách, nên UBND tỉnh quyết định tạm thời chưa ban hành Quy định chính sách thu hút lao động có trình độ cao về công tác tại tỉnh.

Mặt khác, hiện nay Ban Chỉ đạo Trung ương đang xây dựng Đề án “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ” trình Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành thực hiện trên toàn quốc. Vì vậy, khi có chính sách chung do Trung ương ban hành, tỉnh sẽ căn cứ để xây dựng chính sách đãi ngộ, thu hút, giữ chân nhân tài phù hợp với điều kiện kinh tế -xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng giàu mạnh.

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email foreverntn82@gmail.com: Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, tôi có con đã học đại học và đã được Ngân hàng chính sách giải quyết cho vay để học tập, nay cháu đã ra trường nhưng chưa tìm được việc làm; số tiền vay cũng chưa có điều kiện trả cho ngân hàng. Nay tôi có thêm một cháu đã trúng tuyển vào đại học, vậy tôi xin hỏi tôi có thể tiếp tục vay ngân hàng để chi phí học tập cho cháu được không?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Khiết:

Nếu trước đây hộ gia đình bạn đã vay cho 1 cháu đi học, đã ra trường nhưng chưa trả được nợ do điều kiện khó khăn. Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, bạn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi con bạn có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khoá học. Đến kỳ trả nợ cuối cùng, gia đình bạn có khó khăn chưa trả được nợ, nếu có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ, thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ. Do đó, bạn đến Ngân hàng chính sách xã hội nơi bạn đã vay tiền để được hướng dẫn gia hạn nợ.

Hiện nay chưa có văn bản quy định nào của Trung ương về việc phải hoàn trả nợ cho cháu thứ nhất vay sau đó mới được tiếp tục vay cho cháu thứ hai. Do đó, Trường hợp gia đình bạn nếu có thêm cháu thứ hai đỗ vào đại học thì vẫn được tiếp tục đề nghị xin vay vốn theo chính sách này.

************************************************************************

 

 

Câu hỏi của bạn đọc Lê Thu Thủy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền: Cho tôi hỏi kể từ ngày 01/01/2015 theo Luật Bảo hiểm y tế mới người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến vẫn được cơ quan BHXH chi trả phải không ?

Trả lời của Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Xuân Tiếu:

Theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 22, Luật 46/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế có sửa đổi bổ sung Điều 22 Luật BHYT như sau:

Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo (trên thẻ BHYT có thể hiện các ký hiệu K1, K2, K3) khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương theo mức hưởng như đi KCB đúng tuyến.

Các trường hợp còn lại mức hưởng BHYT như sau:

- Tại Bệnh viện tuyến trung ương được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú theo mức quyền lợi đuợc hưởng tùy đối tượng (không thanh toán các trường hợp điều trị ngoại trú).

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú theo mức quyền lợi được hưởng tùy đối tượng (không thanh toán các trường hợp điều trị ngoại trú). Từ ngày 01/01/2021 được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú theo mức quyền lợi được hưởng tùy đối tượng (không thanh toán các trường hợp điều trị ngoại trú).

- Tại bệnh viện tuyến huyện được hưởng 70% chi phí điều trị theo mức quyền lợi được hưởng tùy đối tượng. Từ ngày 01/01/2016 được hưởng 100% chi phí điều trị theo mức quyền lợi được hưởng tùy đối tượng

Ví dụ: Trường hợp Ông A có mã thẻ DN4.... đi khám chữa bệnh nội trú trái tuyến có trình thẻ BHYT tại bệnh viện tuyến trung ương, chi phí khám chữa bệnh BHYT nội trú của ông A là 1.000.000 đồng, ông A sẽ được hưởng quyền lợi là:  1.000.000 đồng x 40% (tỷ lệ trái tuyến tại tuyến trung ương) x 80% (tỷ lệ người tham gia BHYT được hưởng) = 320.000 đồng.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Bùi Lợi, Trường THCS Lê Lợi, huyện A Lưới: Chúng tôi là tập thể cán bộ, giáo viên trường THCS Lê Lợi, huyện A Lưới. Kính hỏi một việc như sau: Trường THCS Lê Lợi của chúng tôi hiện ở tại Tổ 5 Cụm 6 (nay gọi là Tổ dân phố số 6) Thị trấn A Lưới, Huyện A Lưới. Theo Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11/01/2008 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thì thị trấn A Lưới, huyện A Lưới có hai cụm là cụm 1 và cụm 6 thuộc diện cụm đặc biệt khó khăn. Đến tháng 4/2010, Chính phủ có ban hành Nghị định 116/NĐ-CP ngày 24/12/2010 thì trường chúng tôi được hưởng chế độ phụ cấp các khoản theo Nghị định 116 đối với nhà giáo đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn. Nay có Nghị định 19/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà theo điều 1 của Nghị định này gọi là (gọi chung là Nghị định 61/2006/NĐ-CP). Đối với Nghị định 61/2006/NĐ-CP ở chương III, điều 7: Phụ cấp ưu đãi là 70% mức lương hiện hưởng. Thế nhưng, từ trước đến nay (Mốc 01/1/2008, mốc 04/2011 cho đến nay 9/2013) chúng tôi vẫn hưởng 35% phụ cấp ưu đãi mà thôi. Vậy, theo Nghị đinh 19/2013/NĐ-CP thì trường chúng tôi phải được hưởng 70% phụ cấp ưu đãi (nghĩa là thêm 35% cho tròn 70% của phụ cấp ưu đãi). Nếu được, trường chúng tôi được hưởng kể từ khi nào? Kính mong quý cơ quan giúp đỡ, để cho giáo viên chúng tôi an tâm công tác. Kính cám ơn!

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Khiết:

1. Về đối tượng và mức hưởng:

 Theo các tập thể cán bộ, giáo viên trường THCS Lê Lợi, nếu trường THCS Lê Lợi đóng ở cụm 6 thị trấn A Lưới thì (đến hết năm 2013) thuộc thôn đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11/01/2008 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn. Như vậy, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 35/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 19/9/2013 của Liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 19/2013/NĐ-CP, các giáo viên của trường thuộc đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi 70% và không hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg (nếu trước đây đã hưởng 35% phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg thì nay được hưởng thêm 35% cho đủ 70% phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 19 và Nghị định số 61).

2. Về thời gian hưởng phụ cấp ưu đãi: Từ khi Nghị định số 19/2013/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 15/4/2013) đến hết năm 2013.

Từ năm 2014, cụm 6 thị trấn A Lưới không thuộc danh sách thôn đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 582/QĐ-UBDT ngày 18/12/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (Quyết định 582/QĐ-UBDT thay thế Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT) do vậy, từ năm 2014 tập thể giáo viên trường THCS Lê Lợi không thuộc đối tượng hưởng các chế độ chính sách quy định tại Nghị định số 19/2013/NĐ-CP.

Về kinh phí chi trả, trên cơ sở thẩm định và bổ sung kinh phí của Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã cấp phát kinh phí thực hiện phụ cấp ưu đãi tăng thêm năm 2013, 2014 theo Nghị định 19/2003/NĐ-CP cho huyện A Lưới, trong đó có kinh phí thực hiện phụ cấp ưu đãi tăng thêm năm 2013 của trường THCS Lê Lợi huyện A Lưới.

 ************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email anlethanh06@gmail.com: Tình trạng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội còn nhiều, điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người lao động? Tỉnh có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung:

Tính đến ngày 30/11/2014, trên địa bàn tỉnh TT Huế có 1.252 doanh nghiệp tham gia BHXH chiếm tỷ lệ 39,92% so với tổng số doanh nghiệp thuộc diện phải tham gia BHXH (theo số liệu điều tra khảo sát của ngành Lao động Thương binh và Xã hội năm 2014). Việc vẫn còn một số lượng lớn doanh nghiệp chưa tham gia BHXH đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động theo đúng các quy định của pháp luật, thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia BHXH cho người lao động, cụ thể như sau:

- Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp công tác thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nhằm phát huy tối đa hiệu quả, hiệu lực của việc thực hiện các quy định pháp luật, các văn bản của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

- Thành lập các đoàn thanh tra liên ngành: Thanh tra tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh… thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH tại các doanh nghiệp.

- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định của Luật BHXH.

- Chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TT Huế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh ký quy chế phối hợp trong việc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đơn vị sử dụng lao động để đóng tiền BHXH, BHYT và số tiền lãi chậm nộp phát sinh đối với doanh nghiệp chậm nộp, để nợ tiền BHXH kéo dài.

- Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện giải pháp hữu ích đôn đốc thu BHXH, BHYT qua hệ thống tin nhắn gửi đến chủ tài khoản và kế toán trưởng của các đơn vị sử dụng lao động. Định kỳ hàng tháng cơ quan BHXH sẽ thông báo số tiền đơn vị còn nợ đến số điện thoại của Giám đốc và kế toán trưởng, thông qua đó đề nghị đơn vị chuyển nộp tiền cho cơ quan BHXH.

- Thông báo danh sách các đơn vị nợ đọng tiền BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh.

- Chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp với đơn vị tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT. Đối với các doanh nghiệp có khó khăn thật sự thì xây dựng lộ trình trả nợ để giảm dần số nợ và thực hiện giải quyết chế độ cho người lao động.

- Bên cạnh đó, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh khởi kiện các doanh nghiệp cố tình chiếm dụng quỹ BHXH.

- Đề nghị Đảng ủy khối các doanh nghiệp tỉnh không thực hiện bình xét thi đua, tặng thưởng các danh hiệu đối với các doanh nghiệp đang còn nợ tiền BHXH, BHYT.

- Tổ chức tuyên truyền các chính sách BHXH, BHYT đến các doanh nghiệp, các khu công nghiệp.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Hoàng Kim Trung Nguyên, xã Bình Điền, Thị xã Hương Trà: Kính thưa lãnh đạo tỉnh, kính thưa các phòng ban chuyên môn, xin phép cho tôi được đưa ra câu hỏi là tại sao tỉnh ta về công tác xuất khẩu lao động đi một số nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn còn chưa phổ biến rộng rãi đến các vùng kinh tế khó khăn, mà nếu có thì chi phí đi xuất khẩu cũng còn lớn, lại qua tay các công ty môi giới khác? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, để công tác xuất khẩu lao động đi đến các vùng kinh tế khó khăn? Cám ơn.

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Công tác xuất khẩu lao động là một lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm, thực hiện chủ trương đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều biện pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là hai thị trường có thu nhập cao: Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhờ vậy, từ năm 2010 đến 2014 trong chương trình hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật bản (Chương trình IM Japan) và Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS) đã có 671 lao động đi xuất khẩu, trong đó đa số là lao động ở các vùng nông thôn (thành phố Huế có 82 lao động và các huyện có 589 lao động).

Ngoài ra, cũng đã có 148 lao động (145 đi Nhật bản và 03 đi Hàn Quốc) theo chương trình của các doanh nghiệp, các hiệp hội của Nhật bản và Hàn Quốc tuyển chọn, người lao động đi trong trường hợp này phải nộp chi phí cao hơn đi theo chương trình ký kết của Chính phủ.

Để công tác xuất khẩu lao động đến với người lao động vùng sâu, vùng xa và giảm chi phí cho lao động xuất khẩu, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có các giải pháp sau:

+ Tiếp tục tổ chức thông tin sâu rộng về các đợt tuyển dụng về các địa phương, mở rộng việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài truyền hình, đài phát thanh Tỉnh. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm ở các website: www.dolab.gov.vn, www.colab.gov.vn, www.vieclamhue.vn;

+ Tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tổ chức giám sát việc thu các loại phí theo đúng hợp đồng và đúng các quy định của Nhà nước để tránh việc lạm thu của doanh nghiệp đối với người tham gia xuất khẩu lao động.

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Đình Lộc, 64 Trần Khánh Dư, TP Huế: Ngoài chính sách chung của Nhà nước quy định về hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo ở miền núi, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số, tỉnh có chính sách ưu đãi gì thêm không?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Khánh:

Ngoài thực hiện tốt chính sách chung của nhà nước cho người dân thuộc hộ nghèo ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Thừa Thiên Huế còn hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các chính sách sau:

- Hỗ trợ người nghèo thuộc hộ nghèo ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt tại Quyết định số 44/2014/QĐ-UBND ngày 01/8/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt phương án giá nước sạch và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt năm 2014; cụ thể:

+ Giảm 20% giá nước sinh hoạt ở các mức SH1, SH2 đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số;

+ Giảm 15% giá nước sinh hoạt ở các mức SH1, SH2 đối với hộ nghèo còn lại và hộ cận nghèo dân tộc thiểu số.

- Tại Quyết định 1894/QĐ-UBND ngày 22/9/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án phát triển cây cao su tiểu điền huyện A Lưới giai đoạn 2014-2020, tỉnh đã hỗ trợ người dân 21 xã, thị trấn của huyện A Lưới trồng cây cao su tiểu điền giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu trồng và chăm sóc 6.244,6 ha; tổng khái toán để thực hiện đề án là: 197,9 tỷ đồng. Trong đó: 46,3 tỷ đồng cho trồng mới và 151,6 tỷ đồng cho chăm sóc bằng các nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh, ngân sách trung ương và huy động của người dân.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Trương Thị Thu Thủy, Đại học Huế: Kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo của tỉnh trong thời gian qua?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Chương trình giảm nghèo được lãnh đạo tỉnh, các Sở, Ban, Ngành và các địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao trong những năm qua đã triển khai thực hiện đạt một số kết quả cụ thể:

- Năm 2010: Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo 11,16%; tỷ lệ hộ cận nghèo 6,83%.

- Đến cuối năm 2014: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,3%; Tỷ lệ hộ cận nghèo còn là 6,06%.

Bình quân tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 1,22%/năm; Cận nghèo giảm 0,15%/năm. Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế có 18 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25%, đến cuối năm 2014 không còn xã nào có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25%. Khoảng cách chênh lệch giữa miền núi với toàn tỉnh năm 2010 là 16,2%, cuối năm 2014 còn 7,2 %.

Với kết quả trên, có thể nói Chương trình giảm nghèo có những thành quả đáng kể, đã khơi dậy và phát huy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Thị Sen, huyện Quảng Điền: Tôi thuộc diện hộ nghèo, năm 2015 tôi được cấp thẻ BHYT thì tôi được hưởng chế độ khi KCB BHYT như thế nào?

Trả lời của Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Xuân Tiếu:

Theo hướng dẫn tại Điểm a Khoản 1 Điều 22, Luật 46/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế có đổi bổ sung Điều 22 Luật BHYT như sau:

Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng (trước ngày 01/01/2015, thẻ có mã thẻ là HN4, BT4, hưởng quyền lợi 95% chi phí KCB BHYT) từ ngày 01/01/2015 sẽ được hưởng quyền lợi 100% chi phí KCB BHYT (được chuyển thành mã HN2, DT2, BT2) và chi phí vận chuyển từ bệnh viện tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Lê Thị Kim Hòa, Bùi Thị Xuân, TP Huế: Cuộc sống của người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh còn nghèo? Lãnh đạo tỉnh có giải pháp gì để nâng mức sống, nâng mức thu nhập cho các đối tượng đó lên, thu hẹp khoảng cách phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn?

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung:

Việc nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều chương trình và chính sách ưu đãi, như:

Về chương trình: Chương trình đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển; Chương trình xã biên giới ATK; nhân rộng mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình; Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo; Chương trình trồng rừng kinh tế bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, Chương trình xây dựng nông thôn mới;…

Về chính sách: Tín dụng ưu đãi; Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm; hỗ trợ giáo dục đào tạo; hỗ trợ y tế; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ pháp lý; hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin.

Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài các Chương trình của Chính phủ, hàng năm Tỉnh có Quyết định phân công cụ thể cho từng Ngành, từng Sở giúp các địa phương khu vực nông thôn, các xã ở vùng sâu vùng xa xóa đói giảm nghèo bằng các giải pháp cụ thể như:

- Các Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch giảm nghèo bền vững cho các địa phương.

- Tổ chức phân bổ nguồn lực kịp thời, đúng đối tượng có tập trung, tổ chức lồng ghép các nguồn vốn khác của các tổ chức, các chương trình ODA đầu tư trên địa bàn của tỉnh, đầu tư năm sau cao hơn năm trước, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân.

- Phân công lực lượng cán bộ khuyến nông, khuyến lâm trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân giúp các hộ cải thiện năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi. Xây dựng mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững cho các hộ đăng ký thoát nghèo bền vững các xã huyện Phong Điền, Quảng Điền.

- Dành nguồn lực lớn của Chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các mô hình sản xuất giúp người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng khu vực. (Năm 2014 bố trí 5,3 tỷ đồng xây dựng 97 mô hình sản xuất cho 45 xã; và 83 tỷ đồng đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trường học..) tăng 36% so với năm 2013. Chương trình giảm nghèo phân bổ 31 tỷ đồng cho các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển xây dựng hệ thống giao thông và các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Chương trình 135 đã đầu tư 21,4 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở và 5,15 tỷ đồng đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất cho 14 xã và 19 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Một số huyện đã triển khai thực hiện đối tượng hộ nghèo, cận nghèo hỗ trợ lãi suất ngân hàng để vay vốn chăn nuôi. Một số địa phương hỗ trợ thêm làm chuồng trại, 50% giống cỏ; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật miễn phí. Đối với các hộ khác tạo điều kiện cho họ vay tín chấp các ngân hàng thương mại, các địa phương hỗ trợ chênh lệch lãi suất giữa lãi suất ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi cho hộ nghèo.

- Thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc, nuôi tôm trên cát…thu hút lao động giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đến nay, khoảng cách tỷ lệ hộ nghèo giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn giảm từ 13,44% năm 2010 xuống còn 4,71% năm 2013. Khoảng cách tỷ lệ hộ nghèo giữa khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số giảm từ 13,14% năm 2010 còn lại 2,89% năm 2013.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Văn Trí, Tứ Hạ, Hương Trà: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo (có giấy xác nhận hộ nghèo của địa phương) nhưng khi con tôi trúng tuyển vào đại học, nhập trường nộp giấy xác nhận hộ nghèo, thì nhà trường trả lời rằng kể từ năm học 2014- 2015 này trở đi sinh viên hộ nghèo vùng đồng bằng không được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo hộ nghèo? Xin hỏi như vậy có đúng không? Đối tượng được miễn học phí là những học sinh, sinh viên thuộc diện nào?

Tương tự câu hỏi trên, bạn đọc Nguyễn Duy Thông, xã Phong Chương, huyện Phong Điền hỏi: Gia đình em cha mẹ thường trú tại xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (xã Phong Chương, huyện Phong Điền) nhưng gia đình không thuộc hộ nghèo thì có được miễn học phí không?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Nhà trường trả lời bạn là kể từ năm học 2014 - 2015, sinh viên thuộc hộ nghèo vùng đồng bằng không được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo hộ nghèo là hoàn toàn đúng. Bởi vì theo Nghị định số: 74/2013/NĐ-CP chỉ có học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có công với cách mạng mới được miễn học phí.

Nghị định 74/2013/NĐ-CP cũng quy định chỉ miễn, giảm học phí cho các đối tượng cụ thể thuộc các nhóm; không thực hiện miễn giảm học phí cho vùng, miền. Vì thế, gia đình em có cha mẹ thường trú tại xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (xã Phong Chương, huyện Phong Điền) không thuộc diện được miễn học phí.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Đức Thuận, TP Huế: Tôi có thẻ là Cựu chiến binh, theo Luật Bảo hiểm y tế mới thì tôi được hưởng chế độ khi khám chưa bệnh BHYT như thế nào?

Trả lời của Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Xuân Tiếu:

Theo hướng dẫn tại Điểm a Khoản 1 Điều 22, Luật 46/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế có đổi bổ sung Điều 22 Luật BHYT như sau:

Cựu chiến binh theo quy định pháp luật về cựu chiến binh, Người tham gia kháng chiến theo quy định pháp luật về người có công với cách mạng được quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trước ngày 01/01/2015, thẻ có mã thẻ CB7, KC7 hưởng quyền lợi 80%) từ ngày 01/01/2015 (ngày Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực) sẽ được hưởng quyền lợi 100% và được chuyển thành mã CB2, KC2.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Trần Hoàng Nam (TP Huế): Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Khánh:

Tỉnh đã ban hành Quyết định 31/2013/QĐ-UBND ngày 05/8/2013 về ban hành một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó quy định rõ các chính sách nhà đầu tư được hưởng:

1. Về đất đai:

- Cơ sở thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng: Cơ sở bảo trợ xã hội được miễn 100% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi đầu tư xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh.

- Các cơ sở xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế còn lại:

+ Được miễn 100% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án đầu tư vào địa bàn xã thuộc các huyện, thị xã và khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

+ Được giảm 70% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án khi đầu tư vào địa bàn thị trấn thuộc các huyện, các phường thuộc thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà.

+ Được giảm 30% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi đầu tư vào địa bàn thành phố Huế và khu đô thị An Vân Dương.

Riêng đối với các dự án thuộc loại hình phòng khám Đa khoa không được hưởng các ưu đãi nêu trên khi đầu tư vào địa bàn thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế.

2. Chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư:

Hàng năm, UBND tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các dự án xã hội hóa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dành cho lĩnh vực xã hội hóa.

Trường hợp cơ sở thực hiện xã hội hóa đã ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xã hội hóa theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì số kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã đầu tư đối với diện tích đất phục vụ hoạt động xã hội hóa sẽ được UBND tỉnh xem xét hoàn trả theo tiến độ thực hiện dự án cụ thể như sau:

- Hoàn trả 50% tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi giá trị đầu tư công trình hoàn thành tương ứng với 60% của tổng giá trị công trình được duyệt.

- Hoàn trả 100% tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Về Thuế:

- Thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo Điều 8 Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ và mục VI Thông tư số 135/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính và theo quy định hiện hành của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Cơ sở thực hiện xã hội hóa được ưu đãi về lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định hiện hành của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất, Luật thuế nhập khẩu và các quy định hiện hành khác.

Cơ sở thực hiện xã hội hóa thuộc phạm vi, đối tượng, điều kiện quy định tại Quy định này được vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Trần Văn Minh, Phong Bình, Phong Điền: Chế độ điều dưỡng đối với người có công và thân nhân áp dụng cho những đối tượng nào và mức hưởng cụ thể?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Theo Thông tư 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của Liên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính, đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe gồm:

- Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe mỗi năm một lần gồm có 7 đối tượng:

+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên;

+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

+ Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và thương binh loại B (sau đây gọi chung là thương binh), bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên;

+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ảnh hưởng của chất độc hóa học từ 81% trở lên;

+ Người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”.

- Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần gồm có 6 đối tượng:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng của liệt sĩ; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng;

+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

+ Thương binh, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật dưới 81%;

+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ảnh hưởng của chất độc hóa học dưới 81%;

+ Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

+ Người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Về mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe

- Điều dưỡng tại nhà: Mức chi: 1.110.000 đồng/người/lần; chi trực tiếp cho đối tượng được hưởng.

- Điều dưỡng tập trung: Mức chi: 2.220.000 đồng/người/lần.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Bảo Tiên, Phú Bình, Huế: Em làm việc ở một doanh nghiệp. Cho em hỏi mức bảo hiểm của doanh nghiệp đối với nhân viên là bao nhiêu? cụ thể là doanh nghiệp sẽ đóng bao nhiều %, nhân viên bao nhiêu %. Nếu doanh nghiệp không đóng cho nhân viên có bị xử lý theo pháp luật hay không?

Trả lời của Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Xuân Tiếu:

Theo quy định Luật BHXH  từ ngày 01/01/2014 mức đóng BHXH, BHYT, BHTN như sau:

- Mức đóng BHXH: bằng 26% mức tiền lương, tiền công tháng. Trong đó: người lao động đóng 8%, đơn vị đóng 18%.

- Mức đóng BHYT: bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công tháng. Trong đó: người lao động đóng 1,5%, đơn vị đóng 3,0%.

- Mức đóng BHTN: bằng 3% mức tiền lương, tiền công tháng. Trong đó: người lao động đóng 1%, đơn vị đóng 1%, ngân sách nhà nước hỗ trợ 1%.

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ với mức phạt tiền cao nhất là 75.000.000 đồng. Đồng thời đơn vị sử dụng lao động sẽ bị cơ quan BHXH khởi kiện ra tòa án nhân dân và đề nghị ngân hàng nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đơn vị để nộp tiền BHXH, BHYT chậm đóng và lãi phát sinh.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Phan Tuấn Nam, phường Thuận Lộc, Tp Huế: Tôi thấy, thực hiện các chính sách giảm nghèo chủ yếu từ nguồn lực đầu tư nhà nước nhưng chưa huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo. Vậy xin hỏi thời gian tới tỉnh có giải pháp gì để thực hiện tốt vấn đề này.

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Khánh:

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động, lồng ghép các nguồn lực khác nhau để thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Ví dụ:

+ Nguồn vốn của Trung ương về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

+ Mặt trận tổ quốc tỉnh phối hợp với các ban ngành vận động ngày vì người nghèo: Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận - Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp đã chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo với số tiền trên 20,157 tỷ đồng; năm 2014, đã quyên góp ủng hộ với số tiền 1.240 triệu đồng.

+ Huy động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội với tổng nguồn tài trợ cam kết khoảng 180.229 USD.

* Thời gian đến tỉnh sẽ tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo như:

- Từ nguồn vốn của Trung ương về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chương trình, dự án khác;

- Từ các tổ chức phi chính phủ;

- Phối hợp với MTTQVN tỉnh vận động quyên góp “ngày vì người nghèo”;

- Từ nhân dân thông qua chính sách kêu gọi xã hội hóa tại Quyết định số 31/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 05/8/2013 về việc chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa thể thao và môi trường...

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Hoàng Minh Tuấn, 101 Nguyễn Công Trứ: Chúng ta không thiếu cơ sở hạ tầng nhưng không phát triển được, nguyên nhân vì sao? một người lãnh đạo ông có suy nghĩ gì?

Đây cũng là vấn đề mà bạn đọc Đại Dũng, 10 Trần Hưng Đạo, thành phố Huế quan tâm: Dư luận cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế không thua tỉnh nào về hạ tầng, cụ thể Thừa Thiên Huế có Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, có Cảng nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An, có cửa khẩu đường bộ A Đớt, Hồng Vân... vậy nhưng Thừa Thiên Huế không phát triển được, là do người lãnh đạo chưa đưa được những chính sách cụ thể để khai thác (mà cái chính là không có người giỏi) ông nghĩ thế nào về nhận định trên?

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung:

Nếu nói hạ tầng ở tỉnh Thừa Thiên Huế không thua tỉnh nào thì thật phiến diện, không đúng. Vì tuy hệ thống cơ sở hạ tầng tại tỉnh được quan tâm đầu tư khá đồng bộ nhưng về quy mô, chất lượng thì chưa bằng các tỉnh thành khác trong nước.

Những năm vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều cơ chế, chính sách xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh. Ví dụ: Ban hành Quyết định số 1337/2009/QĐ-UBND ngày 07/7/2009 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay được thay thế bởi Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05/01/2013; Công văn số 5809/UBND-XT ngày 31/12/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về quy trình hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đến nay thay thế bởi Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 12/10/2012. Hàng năm tỉnh đều tổ chức, tham gia xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh tiến hành cải cách hành chính đồng bộ từ tỉnh đến xã... Năm 2013, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh được xếp thứ 2/63 tỉnh thành, chỉ sau thành phố Đà Nẵng; tính đến nay toàn tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho khoảng 503 dự án, trong đó có 80 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, trong những năm qua do tình hình kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng kinh tế, tài chính...; bên cạnh đó điều kiện thời tiết khí hậu ở tỉnh ta khắc nghiệt, thiên tai bảo, lụt thường xuyên xảy ra; mặt khác công tác cải cách hành chính chưa thực hiện triệt để, một số cán bộ công chức, cơ quan nhà nước còn chưa đáp ứng về năng lực chuyên môn, còn chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư,... nên Thừa Thiên Huế vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào địa bàn, kinh tế - xã hội chưa phát triển mạnh.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Thị Diễm, TP Huế: Xin quý lãnh đạo cho biết về tình hình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Thừa Thiên Huế trong thời gian qua?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Khánh:

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) là một phạm trù rất rộng, khó diễn giải trong thời gian ngắn được. Có thể nói khái quát rằng tình hình CNH, HĐH ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng vẫn còn thua kém nhiều so với các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau. Tuy nhiên so với giai đoạn trước đây, những năm qua tỉnh ta vẫn đạt được những thành tích về CNH, HĐH đáng kể như:

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 34,8% (năm 2005) lên 35,37% (năm 2011), và năm 2013 là 32,82%; Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hình thành (tính đến 31/12/2013 toàn tỉnh có 11.102 cơ sở, trong đó công nghiệp khai thác 276 cơ sở, chế biến 10.670 cơ sở, sản xuất phân phối điện, khí đốt và nước 156 cơ sở. Sản lượng một số sản phẩm chủ lực của tỉnh năm 2014 đạt được như: Đá vôi nguyên liệu đạt 1.315,4 ngàn m3, tôm đông lạnh 2.823,7 tấn; bia lon Huda 89,5 triệu lít; sợi các loại 53.368,3 tấn; quần áo lót 247 triệu cái; xi măng 1.194,9 ngàn tấn; men frit 51.941 tấn; bê tông tươi 107,5 ngàn m3; ô tô đóng mới 37 chiếc; điện thương phẩm 957 triệu kwh; nước máy 43,2 triệu m3...

- Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ. Hệ thống điện lưới sinh hoạt đã phủ khắp cả tỉnh, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,96%; hệ thống bưu chính viễn thông, internet phát triển mạnh, ...

- Cơ bản áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp (nhất là khâu thu hoạch, chế biến). Từng bước dồn điền, đổi thửa; chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẽ sang sản xuất tập trung, hàng hóa. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 60 trang trại, 06 khu công nghiệp, 10 cụm công nghiệp, 02 Khu kinh tế, ...   

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email thanhdovan72@gmail.com: Vừa qua tôi được biết Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Bố tôi là người đã được nhà nước xét truy tặng Huy Chương kháng chiến hạng nhất và Kỷ niệm chương thanh niên xung phong, như vậy bố tôi có được hưởng chế độ hỗ trợ theo Quyết định 22 này không? Tôi rất mong được các cơ quan chức năng quan tâm xem xét trả lời. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Căn cứ quy định tại điều 2, Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 về đối tượng hỗ trợ và điều kiện được hỗ trợ, là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, bao gồm:

- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

- Thân nhân liệt sỹ;

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

- Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

- Bệnh binh;

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

- Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

- Người có công giúp đỡ cách mạng.

Theo quy định trên, chỉ hỗ trợ đối với người trực tiếp, riêng thân nhân, chỉ có thân nhân liệt sỹ là thuộc đối tượng được hỗ trợ. Theo đó, bố bạn đã từ trần vì vậy không thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn Hoàng Minh Quân, thành phố Huế: Vì sao khi đóng bảo hiểm xã hội thì căn cứ mức tiền lương tối thiểu vùng, khi giải quyết chế độ thì theo mức tiền lương tối thiểu chung. Quyền lợi của người lao động có bị vi phạm không. Hướng xử lý những bất cập này? 

Trả lời của Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Xuân Tiếu:

Tại khoản 1 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 có quy định về nguyên tắc BHXH: Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Đối với các trường hợp khi đóng BHXH theo mức lương do người sử dụng lao động quyết định thì cơ quan Bảo hiểm xã hội căn cứ vào mức lương đóng để tính hưởng các chế độ BHXH, riêng đối với các trường hợp khi giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu, BHXH 1 lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất 1 lần thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ điều chỉnh theo công thức được điều chỉnh theo quy định hàng năm. Mục đích của việc điều chỉnh tiền lương, tiền công hàng năm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH. Riêng đối với trường hợp lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ theo quy định, ngoài ra được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con. Người lao động sau thời gian hưởng ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe còn yếu thì sẽ được nghỉ chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày với mức hưởng một ngày bằng 25% hoặc 40% mức lương tối thiểu chung theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Cách tính này áp dụng chung cho tất cả đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương do người sử dụng lao động quyết định.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Bảo An, Thành phố Huế: Xin cho hỏi chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội Thừa Thiên Huế hiện nay được triển khai như thế nào? Lý do tôi hỏi như vậy vì là một người dân của Huế, hơn ai hết tôi cảm nhận rõ nhất những thay đổi của quê hương. Nếu cho rằng việc tái định cư được cho dân vùng thủy diện (vùng lâu nay được xem là nghèo), giảm tỷ lệ số hộ nghèo, hộ cận nghèo qua con số thống kê báo cáo hằng năm... thì mong lãnh đạo tỉnh xem xét lại. Hiện nay, cứ thử ngồi ở một quán cafe hay quán nhậu vỉa hè thì sẽ có một lực lượng không hề nhỏ các cụ già, trẻ em và cả người trong độ tuổi thanh niên đi bán vé số, đậu phộng, kẹo kéo... và bản thân tôi cảm nhận số này ngày càng đông (không biết có phải do các nghề này kiếm tiền dễ). Đây chính là những người nghèo và theo tìm hiểu thì phần lớn số này ở các vùng tái định cư thủy diện, ở những khu ổ chuột bờ hồ... nhưng không có công ăn việc làm, không được đào tạo nghề... dẫn đến hành nghề tự do, từ đó làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Xin hỏi tỉnh ta sẽ có những biện pháp như thế nào cho các đối tượng trên, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, có những chính sách để người nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Các chính sách có ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội nói chung và chính sách giảm nghèo nói riêng đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện thông qua các Sở, ban, ngành đoàn thể, UBND các cấp, cùng với các tầng lớp nhân dân đã triển khai thực hiện có hiệu quả, biểu hiện cụ thể là:

- Tỷ lệ hộ nghèo chung trên phạm vi toàn tỉnh giảm liên tục qua các năm; khoảng cách chênh lệch về nghèo đói giữa các vùng miền, các nhóm dân cư được rút ngắn.

- Các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan đến an sinh xã hội của các ngành như y tế, giáo dục, văn hóa, nông nghiệp - phát triển nông thôn, thương mại, dịch vụ, lao động - thương binh và xã hội... đã được thực hiện ở những vùng, những nhóm dân cư còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có bộ phận người dân tái định cư vùng thủy diện.

- Nhờ các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án nói trên, bình quân hàng năm trên địa bàn tỉnh có trên 10.000 lao động được đào tạo nghề; 16.000 lao động được giải quyết việc làm và tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định góp phần nâng cao đời sống.

- Việc giúp người dân, đặc biệt là người nghèo ở các vùng tái định cư được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua sự ủy thác của các hội đoàn thể với hình thức tín chấp để vay vốn đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm lượt người nghèo, hộ nghèo vay vốn làm ăn. Nhiều người trong số đó đã vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại một bộ phận người dân vùng tái định cư còn gặp nhiều khó khăn, chưa có việc làm ổn định, phải đi bán vé số dạo, đậu phộng, kẹo kéo... kiếm sống qua ngày. Vấn đề này, UBND tỉnh và chính quyền các địa phương liên quan biết và đã có định hướng giải quyết, hy vọng với những giải pháp tích cực như tiếp tục đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường, tạo cơ hội liên kết giữa doanh nghiệp và người lao động ở các vùng tái định cư, tiếp tục cho vay vốn ưu đãi và một số chính sách đặc thù khác của địa phương sẽ góp phần ổn định cuộc sống người dân vùng tái định cư trong thời gian đến.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Văn Châu, Thị xã Hương Trà: Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở thì Cậu tôi là con liệt sỹ, là gia đình có công cách mạng, được nhận Huân chương kháng chiến, phù hợp với Điều 2 của Quyết định trên. Theo đó sẽ được hỗ trợ khi nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá dỡ để xây mới nhà ở. Khi xây dựng nhà Cậu tôi đã có đơn xin xây lại nhà được cấp giấy phép, có sự đồng ý của UBND thị xã Hương Trà (có bằng chứng xây nhà mới). Tuy nhiên do biết được Quyết định 22 nói trên muộn, Cậu tôi đã hoàn thành việc xây lại nhà vào tháng 11 năm 2014. Khi hỏi các cơ quan chức năng thì nói là không được hỗ trợ. Xin hỏi điều đó có đúng không? Và để được hỗ trợ thì Cậu tôi phải làm gì?.

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Theo quy định tại Quyết định  22/2013/QĐ-TTg, các đối tượng sau đây được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, cụ thể:

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

c) Thân nhân liệt sỹ;

d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

g) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

h) Bệnh binh;

i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

k) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

m) Người có công giúp đỡ cách mạng.

Như vậy về đối tượng thì Cậu của bạn đủ điều kiện, tuy nhiên Quyết định 22, chỉ giải quyết đối với những trường hợp đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với những trường hợp nằm trong danh sách đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng đã tiến hành xây dựng, sửa chữa trước khi có phân bổ kinh phí, hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng lấy ý kiến tham gia của các ngành liên quan để báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xem xét.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Minh Toàn, 11 Nguyễn Công Trứ, thành phố Huế: Là người lãnh đạo, ông có suy nghĩ gì khi doanh nghiệp mỗi ngày mỗi giải thể hoặc đi đến các tỉnh bạn để làm thủ tục xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp không có lấy đâu ra để tạo công ăn việc làm?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Khánh:

Chào bạn, cảm ơn bạn đặt lên câu hỏi này - điều mà chúng tôi luôn phải suy nghĩ lo lắng. Có lẽ bạn đã biết, năm 2014 được dự báo tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia chưa khởi sắc được và sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng ảnh hưởng theo. Đến thời điểm này, tôi xin đưa ra vài con số để chúng ta không mấy bi quan về tình hình phát triển doanh nghiệp của tỉnh trong năm nay (số liệu ước tính đến 31/12/2014) như sau:

- Đăng ký thành lập mới doanh nghiệp ước đạt gần 500 doanh nghiệp, tăng 64 doanh nghiệp, tăng 15% so năm 2013;

- Doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động khoảng 82 doanh nghiệp, giảm 3 doanh nghiệp, giảm 4% so năm 2013;

- Tạo công ăn việc làm mới ước trên 16.700 lao động, tăng 800 lao động, tăng 5% so năm 2013;

- Hoạt động xuất khẩu: Giá trị xuất khẩu ước đạt 622 triệu USD, tăng 77 triệu USD, tăng 14% năm 2013. Giá trị nhập khẩu ước đạt 392 triệu USD, xấp xỉ năm trước.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước được đẩy mạnh, chỉ số sẵn sàng cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) xếp thứ 6 toàn quốc. Nhiều thủ tục hành chính áp dụng công nghệ thông tin được rút ngắn thời gian giải quyết, cụ thể:

- Cấp đăng ký kinh doanh: đảm bảo đúng theo quy định 05 ngày làm việc, riêng có 04 thủ tục nhận hồ sơ và trả kết quả ngay: Giải thể, tạm ngừng, hiệu đính thông tin, thay đổi địa chỉ trụ sở chính - đây là cải cách đột phá rất lớn so với các tỉnh khác;

- Cấp chứng nhận đầu tư: giảm còn 5 ngày đối với các dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện (theo quy định tại Nghị định 108/NĐ-CP là 10 ngày); giảm còn 13 ngày đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện (theo quy định là 25 ngày);

- Thủ tục nộp thuế: đã thực hiện rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp thuế từ 537 giờ/năm xuống còn 235,5 giờ, hướng tới kê khai thuế qua mạng 100% vào cuối năm 2015;

- Thủ tục hải quan: đã triển khai phối hợp giữa các cơ quan Thuế - Hải quan - Kho bạc và các ngân hàng thương mại để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp khi đến làm thủ tục, thực hiện bảo lãnh thuế điện tử, phương thức nộp thuế điện tử... thông qua hệ thống TCS.

Hy vọng trên nền tảng cải cách hành chính của tỉnh đạt được, tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm tới sẽ nhiều khả quan hơn nữa, thu hút không chỉ người dân trong tỉnh mà còn ngoại tỉnh đến tham gia hoạt động hợp tác kinh doanh, đầu tư, tạo nhiều việc làm mới cho nhân dân địa phương.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Đỗ Văn Dũng, TP Huế: Sinh viên nào thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội? Muốn được hưởng trợ cấp xã hội thì sinh viên phải có các loại giấy tờ, hồ sơ, thủ tục gì? Rất mong được chương trình giải đáp?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Hiện nay các văn bản quy định về đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, không quy định riêng biệt cho sinh viên, chỉ quy định chung những nhóm đối tượng sau đây sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Theo quy định tại Điều 5, Nghị định 136/2013/NĐ-CP, đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

a) Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

b) Mồ côi cả cha và mẹ;

c) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật;

d) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

đ) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật;

g) Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

h) Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

i) Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

k) Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

l) Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.

3. Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác.

4. Người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).

5. Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng;

b) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

c) Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.

6. Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

Nếu bạn thuộc một trong các nhóm trên, bạn sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Hồ sơ, thủ tục để được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Theo quy định tại Điều 7, Nghị định 136/2013/NĐ-CP, hHồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

1. Tờ khai của đối tượng theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2. Bản sao sổ hộ khẩu của đối tượng hoặc văn bản xác nhận của công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là công an cấp xã).

3. Bản sao giấy khai sinh đối với trường hợp trẻ em.

4. Giấy tờ xác nhận bị nhiễm HIV của cơ quan y tế có thẩm quyền đối với trường hợp bị nhiễm HIV.

5. Bản sao giấy khai sinh của con của người đơn thân đối với trường hợp người đơn thân nghèo đang nuôi con.

6. Sơ yếu lý lịch của người nhận chăm sóc người cao tuổi có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và đơn của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định đối với đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 5 Nghị định 136.

7. Một số giấy tờ khác có liên quan (tùy thuộc đặc điểm của từng nhóm đối tương cụ thể).

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Hồ Văn Toản, A Lưới: Xin hỏi tỉnh có trung tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số không? Nếu có thì địa chỉ ở đâu?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Tất các Cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đều có chính sách ưu tiên cho người dân tộc thiểu số vào học nghề (miễn giảm học phí, hỗ trợ một phần tiền ăn, ở…) và Giới thiệu việc làm. Riêng đối với huyện A Lưới thì có Trung tâm dạy nghề huyện A Lưới. Địa chỉ: xã Sơn Thuỷ, huyện A Lưới.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Hồ Thị Nhàn, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới: Gia đình tôi có hộ khẩu thường trú ở thị trấn A Lưới, con tôi đang học Trường THPT A Lưới, vậy cho hỏi con tôi có được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn hàng tháng đi học hay không?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Khiết:

Theo quy định tại Điều 1, 2 Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện sau:

1. Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số:

a) Đang học cấp trung học phổ thông tại trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông) thuộc loại hình công lập;

b) Bản thân, bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

c) Do nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, nên không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, phải ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập.

2. Đối với học sinh là người dân tộc Kinh: Ngoài các điều kiện quy định tại Khoản 1 của Điều này còn phải thuộc hộ nghèo.

 Do đó, con của bạn đang ở tại thị trấn A Lưới, không thuộc địa  bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn hàng tháng.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Như Khánh (Phú Hồ, Phú Vang): Bố tôi hiện nay đã 86 tuổi, mấy năm trước ông đã được nhà nước hỗ trợ hàng tháng 180.000 đồng, nay chúng tôi có nghe Chính phủ đã có văn bản mới quy định lại chính sách đối với người cao tuổi; vậy xin cho biết bố tôi có còn tiếp tục được hỗ trợ nữa không ?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Khiết:

Theo trình bày của anh thì bố anh thuộc đối tượng “Người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội”, được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP thay thế các quy định trước đây của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

 Theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội và Bộ Tài chính tại Thông tư số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, thì kể từ ngày 01/01/2015, mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng như sau:

  • Nếu thuộc diện hộ nghèo thì được hưởng mức 270.000đ/tháng;
  • Nếu không thuộc diện hộ nghèo thì vẫn hưởng theo mức cũ là 180.000đ/tháng.

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc Trần Thiện, xã Phú Lương, huyện Phú Vang: Theo tôi nhận thấy tỷ lệ giảm nghèo hiện nay trên địa bàn tỉnh bị áp đặt bởi ý chí của Chính quyền chứ chưa thật sự xuất phát từ thực tế đời sống kinh tế của người dân, bằng chứng là việc bình xét giảm nghèo thường bắt buộc thực hiện theo chỉ tiêu từ tỉnh ấn định đến huyện, huyện ấn định đến xã, xã ấn định đến tận thôn. Dẫn đến việc nhiều hộ nghèo chưa thoát nghèo mà cũng bị buộc thoát nghèo để hoàn thành chỉ tiêu của từng thôn. Tôi nghĩ cần quan tâm chính sách phát triển kinh tế chứ không nên giao chỉ tiêu giảm hộ nghèo về tận cơ sở. Mong được nghe UBND tỉnh giải thích.

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

-Việc điều tra rà soát hộ nghèo hàng năm thực hiện theo quy trình của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội xuất phát từ cơ sở và hoàn toàn công khai, minh bạch theo tinh thần dân chủ. Quy trình thực hiện đảm bảo không để sót hộ nghèo, người nghèo thiệt thòi.

-Chúng tôi xin khẳng định không có việc áp đặt chỉ tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các cấp. Việc phê duyệt kế hoạch giảm nghèo, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể chỉ mang tính định hướng để phấn đấu. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều có sự bình xét và đồng thuận cao của nhân dân, được thẩm định của các cơ quan liên quan từ tỉnh đến cơ sở.

 

************************************************************************

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email luongquyenle@gmail.com: Tôi sinh sống ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tôi dự định thành lập trang trại chăn nuôi, tôi muốn hỏi chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh có lớp dạy chăn nuôi thú y và kỹ năng thành lập trang trại không? Chủ trang trại có được hưởng chính sách học nghề miễn phí không?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Nghề Chăn nuôi, thú y là một trong những nghề thuộc danh mục được đào tạo theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Bạn đang sinh sống tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền là thuộc đối tượng đào tạo miễn phí theo quyết định trên.

Do vậy bạn muốn học thì liên hệ với địa phương hoặc trung tâm dạy nghề nơi bạn đang sinh sống để đăng ký học.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Như Ngọc, phường Thuận Lộc, Thành phố Huế: Thực tế hiện nay, bên cạnh rất nhiều người đang nỗ lực lao động, vươn lên thoát nghèo thì vẫn còn có một bộ phận người nghèo có tư tưởng chây lười lao động, ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Xử lý vấn đề này như thế nào?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Việc hộ nghèo, người nghèo hiện nay đang được hưởng thụ nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp như: cấp thẻ Bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục, chính sách hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về tiền điện... là chủ trương mang đậm tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước phù hợp với đạo lý và truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên các chính sách hỗ trợ trực tiếp này ít nhiều có ảnh hưởng đến chủ trương xóa đói giảm nghèo của Nhà nươc, biểu hiện cụ thể là có một số ít hộ nghèo, người nghèo trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, ít chịu khó, chủ động vươn lên để thoát nghèo.

Để khắc phục tình trạng này, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã thiết kế với nhiều thay đổi căn bản. Hộ nghèo sẽ được phân loại theo các nhóm đối tượng và có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó sẽ điều chỉnh dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo bền vững và hạn chế tư tưởng, ỷ lại trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Trần Văn, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế: Xin cho hỏi về chế độ phụ cấp dạy lớp ghép và chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo:

1. Chế độ dạy lớp ghép:

Căn cứ Điều 3, Quyết định số 15/2010/QĐ-TTg ngày 03/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phụ cấp dạy lớp ghép đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập, mức phụ cấp được hưởng như sau:

- Giáo viên dạy lớp ghép hai trình độ, mỗi tháng được hưởng thêm 50% tiền lương của tháng giảng dạy;

- Giáo viên dạy lớp ghép ba trình độ trở lên, mỗi tháng được hưởng thêm 75% tiền lương của tháng giảng dạy.

- Tiền lương tháng của giáo viên (T) = [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) + hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có)] x mức lương tối thiểu chung.

2. Về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn: thực hiện theo Nghị định số 61/2008/NĐ-CP và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP; giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% (mức lương hiện hượng, phụ cấp chức vụ, lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung).

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Lê Thị Thanh Hà, phường Thủy Xuân, Tp Huế: Hiện tại trẻ mồ côi, người khuyết tật là những người yếu thế trong xã hội, họ rất cần sự sẽ chia giúp đỡ của nhà nước và xã hội, đặc biệt là trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho họ. Định hướng của tỉnh cho công tác này như thế nào?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 theo đó người khuyết tật được hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí. Ngoài ra nếu người khuyết tật có nhu cầu học nghề thì được hỗ trợ với mức học phí không quá 6 triệu với những ngành nghề phù hợp với người khuyết tật.

Định hướng cho công tác này là:

- Tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các cơ sở dạy nghề người khuyết tật nhằm nâng cao chất lượng các khóa học nghề, giúp cho người khuyết tật có cơ hội tìm được việc làm thích hợp.

- Huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn xã hội hóa và nguồn lực nước ngoài nhằm hỗ trợ nhu cầu học nghề, việc làm cho người khuyết tật.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Ngọc Nhã Phương, Nguyễn Trãi, thành phố Huế: Tôi là một giáo viên được quyết định về nhận công tác tại xã Vinh Hiền thuộc huyện Phú Lộc từ ngày 01/10/2014. Vậy cho tôi hỏi ngoài tiền lương, tôi có nhận được thêm các khoản trợ cấp gì của nhà nước. Để nhận được các khoản trợ cấp (nếu có) thì tôi phải làm những thủ tục nào không và ai sẽ chi trả các khoản đó?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Khiết:

1. Bạn là giáo viên công tác xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc - là xã bãi ngang theo QĐ số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; do vậy, ngoài tiền lương, từ 01/10/2014 bạn được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến giáo viên, Cán bộ công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 19/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2011/NĐ-CP. Cụ thể, ngoài tiền lương, bạn được hưởng:

- Phụ cấp ưu đãi 70% mức lương hiện hưởng và các phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

- Phụ cấp thu hút (thời gian không quá 5 năm) 70% mức lương hiện hưởng và các phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

- Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung và trợ cấp chuyển vùng nếu có gia đình chuyển đến bằng 12 tháng tối thiểu chung;

- Phụ cấp lưu động nếu bạn làm chuyên trách về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn, bản;

- Phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số nếu bạn đang dạy bằng tiếng và chữ viết của các dân tộc thiểu số;

- Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;

- Thanh toán tiền tàu xe đi và về thăm gia đình (nếu có);

Ngoài ra, bạn được chế độ khen thưởng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; phụ cấp công tác lâu năm khi bạn công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 5 năm trở lên…

2. Để được nhận các khoản trợ cấp trên, bạn chỉ cần gửi phòng kế toán của trường bạn quyết định tiếp nhận và phân công công tác của bạn. 

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Phan Văn Hiệp, Hàm Nghi - TP Huế: Trên địa bàn tỉnh hiện nay đất nông nghiệp đang dần ít đi do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, vì vậy lao động ở nông thôn đang ngày càng thiếu việc làm. Xin được hỏi hướng giải quyết vấn đề này của tỉnh trong thời gian tới?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Vấn đề lao động bị mất đất nông nghiệp thiếu việc làm là một vấn đề rất được Tỉnh quan tâm giải quyết. Để tạo điều kiện cho các trường hợp này Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cụ thể như sau:

Lao động nông thôn bị mất đất được hỗ trợ theo Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp cụ thể như sau:

1.Hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp

2.Hỗ trợ tạo việc làm thông qua:

- Hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí tại Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Ưu tiên vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm

3.Hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, hỗ trợ tiền ăn trong thời gian đi học, chi phí đi lại (một lượt đi và về), đối với các trường hợp cách xa địa điểm học trên 15 Km, hỗ trợ các chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, visa, thị thực,… Ngoài ra, Người lao động còn được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chi trả các chi phí cần thiết để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

4. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn để thu hút vào các doanh nghiệp, các khu công nghiệp.

5. Xây dựng các dự án thu hút lao động vào các khu công nghiệp.

6. Xây dựng các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn nhằm thu hút lao động và tạo việc làm.

7. Bên cạnh đó đào tạo và ứng dụng các tiến bộ khoa học, mở rộng ngành nghề, dịch vụ trong nông thôn theo Quyết định số 167 ngày 24/10/2014 của UBND tỉnh về việc quy định hỗ trợ sản xuất và dịch vụ nông thôn để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

 

************************************************************************

 

Từ đường dây nóng của chương trình, bạn đọc Trần Vân, huyện Phú Lộc gửi đến câu hỏi: Cho hỏi chính sách của tỉnh trong hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong các doanh nghiệp có đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Quy định của nhà nước về hỗ trợ học nghề và dạy nghề cho doanh nghiệp: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05/01/2013 về ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp được đầu tư trên địa bàn tỉnh (tại các Khu Công nghiệp, Cụm công nghiệp, các huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc), theo đó nếu các doanh nghiệp mới thành lập, có tuyển dụng lao động địa phương và đào tạo nghề để làm việc tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp được hỗ trợ trực tiếp cho 1 lao động/1 triệu đồng/1 khoá học. Tuy nhiên lao động đó phải có hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên và có tham gia đóng Bảo hiểm xã hội.

 

************************************************************************

 

Từ đường dây nóng của chương trình, bạn đọc Hồ Thị Lài, xã Hồng Kim, huyện A Lưới: Giáo viên đang công tác tại xã Hồng Kim, huyện A Lưới thì trong thời gian nghỉ thai sản có được tiếp tục hưởng các chế độ ưu đãi tại vùng đặc biệt khó khăn hay không?

Trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo:

Theo quy định tại Quyết định số 582/QĐ-UBDT ngày 18/12/2013 của Ủy ban dân tộc, thì xã Hồng Kim có 2 thôn đặc biệt khó khăn (Thôn 2 và Thôn 5). Do đó, nếu giáo viên đang công tác tại trường đóng trên địa bàn 2 thôn này thì được hưởng chế độ ưu đãi vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP.

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 8 Thông tư 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày 31/8/2011 của Liên Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không tính hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp theo quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP.

Do đó, nếu bạn nghỉ thai sản thì không được hưởng các chế độ ưu đãi theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP.

Riêng về phụ cấp ưu đãi nhà giáo theo quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, Nghị định số 19/2013/NĐ-CP, nếu thời gian nghỉ ốm đau, thai sản của bạn không vượt quá thời hạn theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành thì bạn vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Thị Như Loan, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế: Theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT, ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc thì xã Hồng Hạ, huyện A Lưới được công nhận là xã khu vực III thuộc vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2012 - 2015 và 2 thôn trong xã nằm trong danh sách thôn đặc biệt khó khăn. Vậy, giáo viên công tác tại xã Hồng Hạ nhưng không thuộc thôn đặc biệt khó khăn thì có được hưởng chế độ ưu tiên hay trợ cấp gì không?

Trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo:

   Xã Hồng Hạ là xã đặc biệt khó khăn được quy định tại Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015. Do đó, giáo viên công tác tại xã Hồng Hạ được hưởng các chế độ chính sách theo quy định tại các Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, số 61/2006/NĐ-CP, số 19/2013/NĐ-CP. Nếu các đối tượng đồng thời được hưởng các chính sách cùng loại ở nhiều văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cao nhất.

 

************************************************************************

 

Câu hỏi của bạn đọc Phan Văn Hòa, đường Nguyễn Sinh Cung, Tp Huế gọi điện đến đường dây nóng của chương trình:

1. Hộ có thu nhập ở mức bao nhiêu là hộ nghèo ở từng vùng?

2. Ở độ tuổi nào thì được hưởng chế độ hưu trí theo từng ngành, lĩnh vực?

Vấn đề thứ nhất, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm trả lời như sau:

Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo được quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015. Cụ thể:

- Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.

- Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống.

- Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.

- Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

Vấn đề thứ hai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nguyễn Xuân Tiếu trả lời như sau:

- Nếu làm việc trong điều kiện bình thường và đóng đủ 20 năm BHXH thì nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi được nghỉ hưu theo Luật BHXH hiện hành.

- Nếu có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc độc hại hoặc nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại hoặc làm việc ở vùng có phụ cấp khu vực 0,7 trở lên và đóng đủ 20 năm BHXH thì nam từ đủ 55 đến dưới 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi được nghỉ hưu theo Luật BHXH hiện hành.

- Nếu có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò và đóng đủ 20 năm BHXH thì người lao động từ đủ 50 đến dưới 55 tuổi được nghỉ hưu theo Luật BHXH hiện hành.

- Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệpđược nghỉ hưu theo Luật BHXH hiện hành

- Nếu làm việc trong điều kiện bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì nam đủ 50 tuổi đến dưới 60 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến dưới 55 tuổi được nghỉ hưu theo Luật BHXH hiện hành, nhưng mức lương hưu thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi. Cứ mỗi năm nghỉ trước tuổi bị trừ 1% tỷ lệ lương hưu.

 

************************************************************************

 

Từ đường dây nóng của chương trình, bạn đọc Trần Huân, 91 Thạch Hãn, TP Huế gửi đến chương trình: Mẹ tôi là người có công cách mạng vừa là mẹ liệt sĩ, hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng cho người có công cách mạng (Huân chương kháng chiến hạng Hai) và mẹ Liệt sĩ, năm nay mẹ tôi bước sang tuổi 80. Vậy cho tôi hỏi mẹ tôi có được hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người cao tuổi không?

Trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Kiếm:

Theo quy định của Luật Người người cao tuổi:

Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì sẽ không được hưởng trợ cấp hàng tháng cho Người cao tuổi theo chính sách Bảo trợ xã hội.

Đối với người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, như Mẹ của Ông Huân, khi từ đủ 80 tuổi trở lên vẫn được hưởng trợ cấp hàng tháng cho Người cao tuổi theo chính sách Bảo trợ xã hội.

 

************************************************************************

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.138.039
Đang truy cập: 11.680