Tìm kiếm
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2015
Ngày cập nhật 23/01/2015

Ngày 22/01/2015, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2015 tại 63 điểm cầu trên toàn quốc. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tham dự còn có Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền; Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai; các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Thanh Hoà, Phạm Minh Huân, Nguyễn Trọng Đàm, Doãn Mậu Diệp, Đào Hồng Lan; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng đại diện các Bộ, ngành, đoàn thể. Về dự trực tuyến tại các điểm cầu địa phương có lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo đại diện các Sở LĐ-TBXH, các sở ban ngành liên quan.

Theo báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai nhiệm năm 2015 do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa trình bày, năm qua trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, cũng như sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và người lao động trong cả nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.
Bộ đã xây dựng, hoàn thiện và trình thông qua nhiều Luật cùng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, Bộ đã tham mưu, hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua như là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề và Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật, trong đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề đã được thông qua với tên gọi là Luật Giáo dục nghề nghiệp. Cũng tại kỳ họp này, dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động cũng đã được đưa ra lấy ý kiến của các Đại biểu để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới. Năm 2014 cũng là năm Bộ xây dựng, trình ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó phải kể đến một số nội dung mới, lần đầu tiên được quy định tại Bộ luật như: về lao động là người giúp việc gia đình; vấn đề cho thuê lại lao động; về quản lý lao động là người Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam v.v...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự Hội nghị
Bên cạnh đó, năm 2014, Bộ đã tổ chức nhiều hoạt động trong tâm khác như: Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong 02 năm 2014-2015; Tổ chức Lễ Phát động Tuần lễ Quốc gia An toàn, vệ sinh lao động – Phòng, chống cháy nổ lần thứ 16 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Phát động và chỉ đạo thực hiện Tháng hành động vì trẻ em; Tổ chức Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2014 tại Quảng Bình; Tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X với kết quả đạt giải Nhất toàn Đoàn với 15 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 7 Huy chương Đồng và 11 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc v.v...
Cũng trong năm 2014, lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, xuất khẩu lao động đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác theo dõi, cập nhật tình hình thực hiện lao động – việc làm được tiến hành thường xuyên, làm cơ sở hoạch đính chính sách lao động, việc làm. Các trung tâm dịch vụ việc làm ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ và thường xuyên, góp phần kết nối người lao động và người sử dụng lao động. Tiếp tục duy trì ổn định các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, mở rộng và phát triển thị trường mới, góp phần mang lại kết quả cao trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Nhờ đó, góp phần giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người, đạt 100% kế hoạch, tăng 3,6% so với thực hiện năm 2013. Trong đó: giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 1.495 ngàn người, xuất khẩu lao động khoảng 160 ngàn người, đạt 120,68% kế hoạch, tặng 19,1% so với thực hiện năm 2013. "Lần đầu tiên số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài đạt trên 100 ngàn, góp phần quan trọng đạt mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người lao động"- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa thông tin.
Tiếp tục thông tin về lĩnh vực này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Bộ cũng đã chỉ đạo triển khai kịp thời các giải pháp đảm bảo an toàn, đưa lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước khi có bất ổn chính trị; thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn nhằm ký kết Bản hợp tác lao động bình thường với Hàn Quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa trình bày báo cáo tại Hội nghị
Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình tại các địa phương có dự án sử dụng nhiều lao động nước ngoài như Hà Tĩnh, Trà Vinh, Bình Dương... để có văn bản chỉ đạo kịp thời, tăng cường công tác quản lý, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Liên quan tới các vụ việc các doanh nghiệp tại một số địa phương phải ngừng hoạt động do biến cố đầu tháng 5/2014, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo và đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất; cung ứng, bổ sung lao động thiếu huạt cho doanh nghiệp và giúp đỡ, hỗ trợ người lao động ổn định việc làm.
Về lĩnh vực dạy nghề, theo báo cáo, năm 2014, cả nước đã tuyển mới dạy nghề khoảng 1.899 ngàn người, đạt 106,6% kế hoạch, tăng 14,3 % so với năm 2013, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 49%. Mạng lưới cơ sở dạy nghề tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng xã hội hoá, gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp, tính đến nay cả nước hiện có 1.468 cơ sở dạy nghề, gồm: 170 trường cao đẳng nghề, 307 trường trung cấp nghề và 991 trung tâm dạy nghề. Dạy nghề cho lao động nông thôn ngày được khẳng định, bước đầu góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2015
Công tác giải quyết chính sách đối với người có công tiếp tục được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng; Triển khai thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 1.542 ngàn đối tượng và trợ cấp giáo dục cho trên 185 ngàn đối tượng...
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 5,8-6% (giảm 1,8-2% so với cuối năm 2013); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5% (từ 38,3% năm 2013 xuống còn 33,2% cuối năm 2014). Thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho gần 2,7 triệu đối tượng tại cộng đồng với tổng kinh phí khoảng 9.000 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội tiếp tục được tăng cường, hiện đang quản ký, nuôi dưỡng, chăm sóc trên 41 ngàn đối tượng. Các Đề án phát triển nghề công tác xã hội, Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 …. tiếp tục được triển khai có hiệu quả.
Các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản hoàn thành. Ước đến cuối năm 2014 có 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp dưới nhiều hình thức. Năm 2014 cũng là năm đầu tiên Bộ công bố Báo cáo quốc gia về Lao động trẻ em với sự hỗ trợ kỹ thuật từ ILO và Tổng cục Thống kê; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc Phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động, triển khai nhiều chương trình, dự án với tổng số tiền vận động trên 95 tỷ đồng, giúp đỡ co gần 78 ngàn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên toàn quốc.
Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được thực hiện đồng bộ trên cơ sở triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2015. Cũng trong năm, Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN (AWEN đã chính thức ra mắt với sự tham gia của đại diện các thành viên trong khối và Ủy ban Phụ nữ ASEAN. Đây là hoạt động nằm tỏng Kế hoạch công tác của Ủy ban Phụ nữ ASEAN và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa- xã hội ASEAN giai đoạn năm 2015.
Công tác cai nghiện, quản lý sau cai, phòng chống mại dâm được đổi mới. Bộ đã phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung nghiên cứu, báo cáo Quốc hội, Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp truyền thông với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đến năm 2020.

Điểm cầu tỉnh Yên Bái
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đại diện các Sở như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái, Kiên Giang, Đà Nẵng... đã đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác giảm nghèo; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tăng cường công tác thanh tra về lao động, việc làm...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã đạt được trong năm qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội là Ngành có lĩnh vực rộng và tổng hợp, do vậy, để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, Ngành cần làm rõ trách nhiệm, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành và bộ phận liên quan. Trong năm 2015, về lĩnh vực lao động, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế và các văn bản luật, Bộ, ngành cần chú trọng vào đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động, các trung tâm lao động việc làm, sàn giao dịch việc làm...trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, hướng tới chất lượng thực sự  cho lực lượng lao động nước nhà. Về lĩnh vực xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ ngành cần chú trọng giải quyết các vấn đề liên quan đến ma túy và mại dâm. Theo Phó Thủ tướng, hiện nay kinh phí ngân sách chi cho các đối tượng cai nghiện khá tốn kém trong khi tỷ lệ người sau cai tái nghiện vẫn còn khá cao. Do vậy trong thời gian tới, Bộ cần đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các trung tâm cai nghiện, đổi mới phương thức điều trị, hướng tới điều trị tự nguyện nhằm giảm chi phí và căng thẳng cho xã hội. Đối với lĩnh vực đền ơn đáp nghĩa người có công, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ thực hiện tôn vinh các đối tượng có công với cách mạng kết hợp với công tác hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh, những đối tượng khó khăn trong xã hội nhằm nâng mức sống tối thiểu cho người dân, đồng thời tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các tầng lớp dân cư, hướng tới xã hội công bằng và văn minh hơn.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng như các ý kiến đóng góp của các địa phương. Bộ trưởng cho rằng năm 2014, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, Bộ ngành LĐ-TBXH đã thực hiện cơ bản các công việc được giao và nhiệm vụ đề ra. Năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015), vì thế nhiệm vụ đặt ra cho Ngành là hết sức nặng nề, trong đó trọng tâm là tiếp tục phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội.. Bộ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đặt quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra góp phần vào công tác phát triển kinh tế xã hội của đất nước.


Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành LĐ-TBXH 2015 
          (1). Tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó: Tạo việc làm trong nước 1.510 nghìn người; xuất khẩu lao động 100 nghìn người.
          (2). Giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước từ 1,7 - 2% so với cuối năm 2014, trong đó các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP giảm 4%.
          (3). Tỷ lệ lao động qua đào tạo 50%.
          (4). Tuyển mới dạy nghề 2,15 triệu người, trong đó: trung cấp nghề, cao đẳng nghề 250 ngàn người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 1,9 triệu người (trong đó hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 550 ngàn lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg).
          (5). 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công; huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa 480 tỷ đồng; trao tặng nhà tình nghĩa cho 31.050 hộ gia đình người có công với cách mạng (trong đó xây mới 17.250 nhà; sửa chữa 13.800 nhà).
          (6). Thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp thường xuyên cho trên 2,7 triệu đối tượng xã hội tại cộng đồng và trên 41 ngàn đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội; cải thiện, nâng cao mức sống cho đối tượng xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn vươn lên hoà nhập cộng đồng. Đảm bảo ổn định đời sống, kịp thời hỗ trợ cho 100% đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, mất mùa, thiếu đói. 
          (7). Thực hiện các quyền của trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em: 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xuống dưới 5,4%; 70% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em theo quy chuẩn mới; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh không phải trả tiền tại cơ sở y tế nhà nước.
          (8). Đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình. Tỷ lệ nữ trong tổng số lao động được tạo việc làm đạt 49%; trong tuyển mới dạy nghề đạt 49%.
         (9). Tổ chức cai nghiện cho khoảng 40 ngàn người; trong đó cai tại Trung tâm khoảng 20 ngàn người và cai tại cộng đồng là khoảng 20 ngàn người; dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 15 ngàn người sau cai. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để phòng ngừa, đẩy lùi tệ nạn mại dâm; tư vấn giảm hại về phòng, chống HIV/AIDS, tư vấn hướng nghiệp, học nghề, chuyển đổi công việc, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm… cho đối tượng này. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.138.039
Đang truy cập: 11.615