Tìm kiếm
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 28/06/2016

áng ngày 27/6, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện công tác lao động việc làm, đào tạo nghề, chính sách người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2011 - 2015, đã đào tạo việc làm mới cho 82.564 lao động (bình quân 16 nghìn lao động/năm), qua đó đã giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 5% (năm 2010) xuống còn 2,2% (năm 2015), duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn trên 85%. Ước 6 tháng đầu năm 2016 giải quyết việc làm mới cho hơn 9 nghìn lao động. Hệ thống dạy nghề được củng cố và phát triển đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề đa dạng và nhu cầu học nghề của người lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 15 cơ sở đào tạo nghề công lập (trong đó có 03 trường Cao đẳng nghề, 03 trường Trung cấp nghề) và  4 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 nghìn người có công, trong đó  gần 19 nghìn liệt sĩ, 13 nghìn thương bệnh binh, 1.933 mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 125 Mẹ), 30 nghìn người hoạt động kháng chiến; hơn 20 nghìn người có công giúp đõ cách mạng và gần 3,5 nghìn người hoạt động  kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam...Hiện có hơn 22 nghìn người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Nhà nước đối với người có công; các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho những người có công và thân nhân người có công. Trong đó, đã triển khai sửa chữa và xây dựng mới 5.264 nhà tình nghĩa cho các đối tượng người có công với nguồn kinh phí hơn 128 tỷ đồng (nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương (115,272 tỷ đồng và nguồn kinh phí của tỉnh 12,808 tỷ đồng).

Công tác giảm nghèo và bảo đảm xã hội được triển khai đồng bộ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực (hơn 1.000 tỷ đồng) để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội cho các hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,16% năm 2011 xuống còn 4,36% năm 2015, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thức XIV đề ra.

Toàn cảnh buổi làm việc

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ về lao động việc làm, đào tạo nghề, chính sách người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm một số vấn đề như: có văn bản chỉ đạo UBND các địa phương thực hiện việc phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như sớm phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản liên quan; đề nghị Bộ hướng dẫn cụ thể việc thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và việc kiểm định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho ngư dân vùng ven biển, đầm phá để giúp các lao động có thêm nghề để tăng thêm thu nhập sau khi bị ảnh hưởng trực tiếp của sự cố môi trường biển (khoảng 10 tỷ đồng cho 2.500 lao động, trong 02 năm 2016-2017).

 Đề nghị, Bộ cho chủ trương sát nhập trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế với Khoa Du lịch (đại học Huế) để thành lập Học viện Du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành Du lịch trên địa bàn tỉnh và các tỉnh trong khu vực miền Trung; bổ sung kinh phí sửa chữa, xây dựng nhà mới người có công theo Quyết định 22 của Chính phủ và kinh phí nâng cấp các Nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; về giảm nghèo đề nghị tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho các xã bãi ngang ven biển (31 xã) giai đoạn 2016 - 2020; bố trí vốn để triển khai trong năm 2017 đối với 02 công trình Trung tâm Dịch vụ việc làm và Trung tâm nuôi dưỡng và Cung cấp công tác Xã hội đã được phê duyệt.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung  đánh giá cao việc thực hiện công tác lao động việc làm, đào tạo nghề, đặc biệt  sự quan tâm và thực hiện tốt chính sách người có công và bảo trợ xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua.

Chính sách người có công là một lĩnh vực rất lớn, vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, thời gian tới tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục làm tốt và quan tâm hơn đối với công tác này; trong năm 2016, Thừa Thiên Huế phối hợp với Cục người có công để giải quyết dứt điểm 31 trường hợp đề nghị công nhận liệt sĩ và các đối tượng người có công còn tồn đọng sau khi thực hiện cuộc tổng rà soát theo Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng lưu ý, việc thực hiện cần phải thận trọng nhưng không chờ đợi; Thừa Thiên Huế phải là tỉnh đi đầu trong việc giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công.

Về công tác giảm nghèo, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm hơn đời sống nhân dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số và nhất là đời sống nhân dân vùng ven biển bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển; trong đó quan tâm công tác đào tạo nghề gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi nghề cho người lao động vùng ven biển; để giải quyết căn cơ Bộ sẽ có chương trình riêng cho 04 tỉnh bị thiệt hại, trong đó ưu tiên đào tạo nghề và xuất khẩu lao động.

Về hỗ trợ kinh phí sửa chữa Nghĩa trang liệt sỹ, Bộ trưởng giao Cục người có công phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét từng hạng mục cụ thể để bố trí ngân sách sửa chữa, nâng cấp; đối với Trung tâm nuôi dưỡng người có công ở Lăng Cô, tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ lập thủ tục hồ sơ sớm khởi công xây dựng. Nhất trí đề xuất thành lập Học viện Du lịch của tỉnh, tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải xây dựng đề án để các bộ, ngành liên quan xem xét, để trình Chính phủ cho ý kiến.

Trước đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác của Bộ đã đến Nghĩa trang liệt sĩ  thành phố Huế, đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; đến thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Dưa (thường trú tổ 7, phường Trường An), có 04 con là liệt sĩ và mẹ Nguyễn Thị Hiệp (thường trú tổ 14, phường Trường An) có chồng và 01 con là liệt sĩ và ông Trần Đình Hiệp, thường trú tổ 13, phường Trường An là thương binh hạng 2/4 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (ảnh dưới).

 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.138.039
Đang truy cập: 5.145