Tìm kiếm

Liên kết website
Chính phủ
Bộ, ngành, Trung ương
Sở ban ngành
Báo chí
Giải trí

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2014
Ngày cập nhật 07/01/2014

Sáng 06/01/2014, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2014. Tham dự và chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Đức Đam, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, các đồng chí lãnh đạo Bộ cùng đại diện các Bộ, ngành, đoàn thể và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Năm 2013, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã bám sát Chương trình công tác của Chính phủ, có kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch về lao động, người có công và xã hội đạt kết quả tích cực. Do vậy, Hội nghị là dịp để toàn ngành đánh giá, tổng kết những kết quả đã đạt được, đồng thời tập trung thảo luận những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trong năm 2014.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2013, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội  Nguyễn Thanh Hòa khẳng định: Năm 2013 mặc dù chịu tác động, sức ép rất lớn trong bối cảnh kinh tế - xã hội chung của cả nước nhưng các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch của ngành đã đạt được những kết quả tích cực.


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa trình bày báo cáo tại Hội nghị

Bộ đã xây dựng, trình 55 đề án; trong đó đã thông qua, ban hành 41 đề án: Quốc hội thông qua Luật Việc làm; Ban Bí thư ban hành 01 Chỉ thị; Chính phủ ban hành 22 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 Quyết định và 02 Chỉ thị. Trình Chính phủ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi, bổ sung), Luật Dạy nghề (sửa đổi, bổ sung) để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 năm 2014. Ngoài ra, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi, bổ sung), Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Tiền lương tối thiểu đang triển khai đảm bảo tiến độ. Hệ thống văn bản pháp luật, các chính sách, chương trình, đề án mới ban hành đã dần đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, để điều chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của ngành; tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt ở các vùng khó khăn, cải thiện thu nhập, đời sống cho hàng chục triệu người, tạo ổn định xã hội, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.

 Giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động, trong đó giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 1,455 nghìn lao động, xuất khẩu lao động 88.155 người. Thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục được củng cố và phát triển, đặc biệt Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ để mở lại thị trường Hàn Quốc; mở thêm nhiều hình thức hợp tác lao động mới như chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức... Các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tiền lương, cải thiện quan hệ lao động, quản lý lao động người nước ngoài làm việc ở Việt Nam có nhiều đổi mới và đạt kết quả tích cực; an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thiết thực đối với người lao động

Quy mô chất lượng dạy nghề được nâng cao, mạng lưới cơ sở dạy nghề tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa, tính đến nay cả nước có 1.339 cơ sở dạy nghề, 40% số Trung tâm dạy nghề cấp huyện được đầu tư đồng bộ, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề. Dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và từng bước hội nhập quốc tế.

Trong năm 2013, công tác giải quyết chính sách với người có công được thực hiện kịp thời, các hồ sơ đủ điều kiện về thủ tục giấy tờ theo quy định đều được xem xét, giải quyết hoặc hướng dẫn, trả lời theo quy định.


Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, chương trình giảm nghèo bền vững tiếp tục được thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp theo Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8% so với năm 2012 xuống còn 7,8% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015, riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm bình quân 5%, từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89%.

Cùng với đó, các nhiệm vụ về bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính đều được triển khai đồng bộ, đạt được kết quả tích cực, có nhiều tiến bộ so với năm 2012…. Kết quả công tác lao động, người có công và xã hội góp phần quan trọng vào đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an toàn, trật tự xã hội, được dư luận đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác của ngành như: kết nối cung – cầu lao động vẫn còn diễn ra tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ từng vùng; tình trạng các doanh nghiệp đưa người lao động ngoài nước vào làm việc ở Việt Nam chấp hành không đúng các quy định của pháp luật còn tương đối phổ biến; lao động thiếu việc làm, việc làm thu nhập thấp làm cho người lao động gặp nhiều khó khăn; tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, tranh chấp lao động, đình công vẫn phức tạp; tai nạn lao động, cháy nổ, chết người vẫn xảy ra ở một số địa phương...

Bước sang năm 2014, Bộ LĐ-TBXH phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản: tạo việc làm cho 1.600 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; 97% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân cư nơi cư trú; Thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp thường xuyên cho đối tượng xã hội tại cộng đồng và tại các cơ sở bảo trợ xã hội; Thực hiện đầy đủ quyền của trẻ em, 82% xã phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em...

Để đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Bộ LĐ-TBXH đã đề ra định hướng các giải pháp chủ yếu là: Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản pháp luật, giải quyết một bước cơ bản tình trạng Luật, chính sách ban hành đã có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện; Phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm cho người lao động; Thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, cải thiện điều kiện lao động; Mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề; Thực hiện chính sách đối với người có công; Đẩy mạnh công tác giảm nghèo; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Giảm phát sinh mới tệ nạn xã hội, nâng cao chất lượng cai nghiện, phục hồi, quản lý sau cai nghiện; Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và Tích cực chủ động mở rộng hợp tác quốc tế…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại diện các địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đắc Lắk, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Nghệ An … đã đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tập trung nguồn lực vào hiện các sách sách giảm nghèo đối với những địa bàn nghèo; nâng mức hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống tệ nạn; đầu tư nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội; tăng cường công tác thông tin về lao động, việc làm. Đề nghị Bộ sớm ban hành văn bản hướng dẫn, biểu mẫu cụ thể, tổ chức tập huấn triển khai việc tổng rà soát đối tượng người có công để các địa phương có căn cứ thực hiện cũng như đẩy nhanh việc hỗ trợ nhà ở cho người có công.
 


                    Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi trả lời kiến nghị của các đại biểu

Trả lời kiến nghị của các đại biểu về lĩnh vực dạy nghề cho lao động nông thôn, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi cho biết, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 hiện đang trong quá trình sửa đổi, vì vậy các tỉnh, thành nên chủ động trong việc điều chỉnh trợ cấp cho các đối tượng học viên như: tiền đi lại, tiền ăn, nghỉ… sao cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Dạy nghề phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương nhanh chóng xây dựng chính sách đối với giáo viên ở các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các nghệ nhân. Cũng như hoàn chỉnh biên chế cho các phòng dạy nghề ở các địa phương để công tác đào tạo nghề triển khai có hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2013 là năm đất nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, song chúng ta không cắt giảm bất kỳ các khoản chi nào dành cho an sinh xã hội mà còn tăng thêm các khoản chi cho an sinh xã hội. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội đã đóng góp quan trọng vào sự ổn định xã hội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đồng tình với các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà ngành LĐ-TBXH đã đề ra cho năm 2014.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Về những nhiệm vụ cụ thể trong năm 2014, Phó Thủ tướng đề nghị ngành cần tập trung vào vấn đề lao động, giải quyết việc làm. Trong đó, ngành cần đổi mới căn bản, toàn diện công tác dạy nghề, phải gắn cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, làm rõ đào tạo nghề ra để đi làm gì, làm ở đâu? Đồng thời, cần tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hiện nay cũng còn dư luận bức xúc xung quanh việc thu phí người lao động đi xuất khẩu cao hơn mức quy định. Vì vậy, trong năm 2014 cần chấn chỉnh việc này, đơn vị nào vi phạm cần xử lý nghiêm.

Liên quan đến lĩnh vực xã hội, Phó Thủ tướng lưu ý, hiện nay có hơn 4 triệu người được hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn thì vấn đề đặt ra là làm sao sử dụng kinh phí đạt hiệu quả cao nhất. Phó Thủ tướng cho rằng không nên xây dựng, thiết kế chính sách hỗ trợ theo kiểu bình quân.

Về chính sách người có công, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiến hành rà soát các đối tượng, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công. Liên quan đến vấn đề trẻ em, bình đẳng giới, Phó Thủ tướng lưu ý ngành cần phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội, các hội...
 


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền kết luận tại Hội nghị

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá năm 2013 là năm nền kinh tế đất nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước, Quốc hội vẫn rất quan tâm đến lĩnh vực an sinh xã hội, nhiều chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách lao động không những giảm mà còn tăng. Bên cạnh đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ban, ngành trong việc triển khai, hướng dẫn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đặc biệt, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước đến các đối tượng mà ngành quản lý; phát hiện và nhân rộng các mô hình tiên tiến, đồng thời chỉ ra những khuyết điểm, sai phạm giúp ngành nghiêm túc nhìn lại mình trên cơ sở đó điều chỉnh lại công tác chỉ đạo điều hành. Ngoài ra, phải kể đến vai trò của các Hội, đoàn thể trong việc giúp Bộ tham mưu hoạch định các chính sách, cũng như huy động nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người có công...

Trong 10 chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của ngành trong năm 2014 và 14 giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh một số điểm sau: Các đơn vị liên quan, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải tích cực tham gia ngay từ quá trình soạn thảo các văn bản qui phạm pháp luật để những văn bản đó bảo đảm tính khả thi, không xa rời thực tiễn. Các địa phương cần tăng cường các biện pháp quyết liệt hơn nữa để hạn chế đến mức tối đa lao động làm việc ở Hàn Quốc bỏ trốn, nhằm tiếp tục duy trì việc XKLĐ lao động vào thị trường này. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội, trong đó có qui định về tăng cường công tác thanh tra, nâng mức xử phạt những doanh nghiệp trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách và tăng cường quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, hoàn thiện dự thảo Luật ATVSLĐ trình Chính phủ và Quốc hội.

Nguyễn Văn Thiện
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.138.338
Đang truy cập: 2.420