Theo số liệu thống kê, hiện nay, toàn huyện Quảng Điền có 443 thương bệnh binh, 1.926 liệt sỹ, 92 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 02 Anh hùng lực lượng vũ trang, hơn 400 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hàng nghìn người có công với cách mạng. Lực lượng vũ trang huyện và 7/11 xã, thị trấn được Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó cán bộ và nhân dân xã Quảng Thái được hai lần phong tặng danh hiệu cao quý này. Những năm qua, công tác quy tập mộ liệt sỹ luôn được quan tâm, hiện 11 xã, thị trấn đã có Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, các nghĩa trang liệt sỹ thường xuyên được cải tạo, tu sửa và nâng cấp. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” dần được xã hội hoá và được mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Mỗi năm, toàn huyện đã quyên góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa được hàng trăm triệu đồng để xây dựng, sửa chữa và tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, tu sửa nghĩa trang và nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, toàn huyện đã trao tặng cho người có công được hơn 150 căn nhà tình nghĩa, trị giá trên 5 tỷ đồng, trong đó có 80 căn nhà được xây dựng lồng ghép với các nguồn hỗ trợ khác. Đã trở thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ và Tết Nguyên đán, UBND tỉnh và huyện đều trích ngân sách để tặng quà các đối tượng và gia đình chính sách. Đồng thời tổ chức các đoàn đến thăm cơ sở nuôi dưỡng thương bệnh binh và các cá nhân, gia đình thương binh, liệt sỹ tiêu biểu, thể hiện tình cảm của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân đối với người có công, thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, sự quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa chưa được thường xuyên, nhiều gia đình người có công còn nằm trong diện nghèo…Để tiếp tục thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng, Quảng Điền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về trách nhiệm đối với sự nghiệp chăm sóc thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách về thương bệnh binh, người có công; đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, thực hiện có hiệu quả các hoạt động tình nghĩa, tạo nguồn lực góp phần chăm sóc tốt hơn các đối tượng chính sách; quan tâm dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách gặp khó khăn về đời sống để phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đến năm 2015 không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo. Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để các thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng tham gia các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội, gương mẫu khắc phục khó khăn phấn đấu vươn lên làm giàu cho gia đình và cộng đồng.
Hướng tới kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/71947 -27/7/2014), thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể cấp huyện, UBND các xã, thị trấn và các tổ chức, doanh nghiệp… trên địa bàn huyện đã thường xuyên và tiếp tục chỉ đạo tổ chức và thực hiện ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện về mục đích, ý nghĩa việc vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng những đơn vị, địa phương làm tốt công tác xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, những thương binh, gia đình chính sách khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống; đồng thời kêu gọi những đơn vị, địa phương chưa làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” cần phát huy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” để tạo thành một phong trào lan rộng và đồng bộ trên địa bàn huyện.
Tri ân người có công với cách mạng, làm tốt công tác "Đền ơn, đáp nghĩa" là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhằm phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.