Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Hội nghị nhằm sơ kết 1 năm thực hiện chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/10/2013. Chỉ thị nhằm góp phần cùng cả nước thực hiện chính sách đối với người có công nhân Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước CHXHCN Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị
Đây là cuộc Tổng rà soát đầu tiên kể từ năm 1954, có quy mô lớn nhất, có sự tham gia mạnh mẽ của Bộ LĐ-TBXH, các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Sau một năm triển khai, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Chương trình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ LĐ-TBXH, các ngành, các đoàn thể, các địa phương đã vào cuộc đã đạt được kết quả hết sức ý nghĩa đối với việc thực hiện chính sách với người có công trong cả nước.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp trình bày Báo cáo sơ bộ kết quả Chương trình Tổng rà soát
Báo cáo về Kết quả rà soát thực hiện chính sách đối với người có công, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, theo số liệu từ báo cáo của các Bộ và địa phương, tổng số đối tượng được rà soát là 2.070.151 người, trong đó số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.108 người, chiếm tỷ lệ 95.75%); số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người, chiếm tỷ lệ 4.16%); và số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người, chiếm tỷ lệ 0.09%. Số đối tượng hưởng sai chính sách ở nhiều dạng khác nhau như: thương binh từ trần không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ Sở vẫn giải quyết tuất liệt sĩ cho thân nhân; con liệt sĩ trên 18 tuổi không bị khuyết tật từ nhỏ, không tiếp tục đi học nhưng không cắt trợ cấp; Liệt sĩ có thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng vẫn giải quyết chế độ thờ cúng; cháu bị tàn tật nhưng là con đẻ hưởng gián tiếp chất độc hóa học…Địa phương có tỷ lệ hưởng đúng (hưởng đủ chế độ chính sách) và không có người hưởng thiếu (chưa đầy đủ), hưởng sai là: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bình Dương. Địa phương có tỷ lệ hưởng chưa đầy đủ chính sách cao nhất là: Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Long An, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh. Địa phương có số người hưởng sai chính sách cao nhất là: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau. Địa phương có Kế hoạch xử lý các vấn đề phát sinh sau tổng rà soát sớm nhất là: Quảng Nam và Kiên Giang.
Điểm cầu tỉnh Quảng Nam báo cáo Kết quả rà soát việc thực hiện chính sách NCC tại tỉnh Quảng Nam
Tuy nhiên qua tổng hợp sơ bộ, đến nay vẫn còn 63.551 trường hợp kê khai chưa được xác nhận người có công để hưởng chế độ (trong đó: 2.014 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ; 7.850 trường hợp đề nghị xác nhận thương binh; 16.252 trường hợp kê khai chưa được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 15.664 trường hợp kê khai lập hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với cựu thanh niên xung phong theo Quyết định số 40/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ;… và số còn lại là những trường hợp kê khai đề nghị hưởng các chế độ khác). Còn một số địa phương khi gửi báo cáo không phân tích rõ đối tượng đề nghị xác nhận người có công là: thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Bình Thuận, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông,…
Hội nghị đã được nghe báo cáo về việc tổ chức triển khai việc Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng của các Bộ, ngành, đoàn thể, MTTQ Trung ương và địa phương. Từ đó, thảo luận và trao đổi về xử lý các vướng mắc còn tồn đọng sau rà soát, tiến tới hoàn thiện báo cáo chính thức với Chính phủ, Quốc hội và nhân dân về việc thực hiện Tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng vào T8/2015.
Tại Hội nghị trực tuyến, các địa phương đã nêu ra một số vấn đề khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác rà soát rất phức tạp, phải đảm bảo đúng quy trình, tính chính xác về thông tin, về thời gian. Thậm chí, có đối tượng hưởng nhiều loại chế độ chính sách trong khi cán bộ ban rà soát chưa nắm chắc các chính sách đối với người có công. Do đó, việc triển khai tại một số địa bàn còn chậm và các thành viên còn lúng túng khi xử lý một số trường hợp cụ thể. Việc giải đáp cho người dân về chính sách người có công chưa thỏa đáng. Trình độ cán bộ phụ trách công tác thương binh, xã hội cấp xã ở một số nơi còn hạn chế, nên công tác tổng hợp kết quả còn chậm.
Bên cạnh đó, một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa vào cuộc tích cực. Mới dừng ở việc ban hành văn bản, khâu kiểm tra, đôn đốc chưa được chú trọng; chưa đảm bảo thời gian niêm yết công khai danh sách đối tượng đang hưởng chính sách người có công để đông đảo nhân dân biết và giám sát; hoặc chưa thực hiện việc niêm yết danh sách đã lập biên bản tổng hợp để báo cáo lên Ban Chỉ đạo cấp trên.
Mặt khác, việc phối hợp và tổ chức thực hiện giữa MTTQ và ngành LĐ-TBXH cũng như các tổ chức thành viên tham gia thực hiện Chương trình ở một số nơi chưa được chặt chẽ. Chế độ thông tin, báo cáo không được thực hiện thường xuyên; một số nơi còn thiếu cơ chế thích hợp và thuận tiện để nhân dân cung cấp thông tin về đối tượng hưởng sai. Do vậy, tại một số ít xã, phường, nhân dân phản ánh việc thực hiện Chương trình Tổng rà soát còn hình thức, chiếu lệ; chưa giúp việc phát hiện những đối tượng hưởng sai chính sách.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “kiên quyết khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có công và tiếp tục hoàn thiện chính sách người có công theo các đối tượng khác nhau”, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai cụ thể từng phần việc.
Công tác tuyên truyền sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng, đặc biệt là ở các xã, phường, thị trấn, khu dân cư với mục tiêu đạt được “4 biết” với người dân: biết về chương trình tổng rà soát; biết thời gian kết thúc chương trình; biết địa chỉ phản ánh, thông tin; biết địa điểm niêm yết danh sách và thời gian niêm yết.
Công việc trọng tâm trong năm 2015 là rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của địa phương, tổng hợp các đối tượng rà soát theo 4 danh sách: những người có công đã được hưởng đúng và đầy đủ chính sách, những người có công chưa được hưởng đầy đủ chính sách, những đối tượng hưởng sai chính sách; những đối tượng kê khai là người có công nhưng chưa được xác nhận, chưa được hưởng chính sách. Xử lý các tồn đọng trong thực hiện chính sách cũng sẽ được thực hiện theo các hướng cụ thể...