Tìm kiếm
 
 
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng chính sách Người có công và an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay
Ngày cập nhật 26/09/2016

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách người có công và an sinh xã hội được Hồ Chí Minh đề ra ngay từ những ngày đầu mới thành lập Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng này của Hồ Chí Minh vào xây dựng, thực hiện chính sách người có công và an sinh xã hội ở Việt Nam. Theo đó, Đảng chủ trương ưu đãi người có công với cách mạng và hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia, đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, bền vững, công bằng…

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách người có công và an sinh xã hội

Sinh thời Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến tất cả mọi người, đặc biệt là các cụ già, phụ nữ, thanh thiếu niên, nhi đồng, các chiến sỹ, thương binh và bệnh binh. Khi bàn về chính sách xã hội, ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh, Người luôn đề cập đến những nhu cầu, lợi ích chính đáng của con người.

Trước hết, Người luôn dành tình cảm chân thành đối với thương binh, liệt sĩ và những người có công cho cách mạng. Người đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương đang họp ở Đại Từ, Thái Nguyên, lấy ngày 27 tháng 7 năm 1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với những người bị thương tật vì đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Từ đó, hàng năm, ngày 27 tháng 7 trở thành Ngày Thương binh toàn quốc. Từ năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi tên thành Ngày Thương binh, liệt sĩ. Ngày 12 tháng 5 năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thêm mấy điểm vào bản di chúc lịch sử: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong,...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”[i].

Đối với các tầng lớp dân cư, đặc biệt là những đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, Người luôn dành tình cảm quan tâm sâu sắc nhất. Hồ Chí Minh đã từng nói về mong muốn, tâm huyết lớn nhất của đời mình: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[ii]. Đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt đến ngày nay, phản ánh những nhu cầu tối thiểu mà mỗi người dân Việt Nam cần được đáp ứng, cũng là nền tảng để phát triển các chính sách an sinh xã hội (ASXH) cho mọi người dân.

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, chính sách ASXH là chăm lo cho các tầng lớp nhân dân từ nông dân, công nhân, thương nhân, công chức, binh lính đến thanh niên, trẻ em, phụ nữ và những người yếu thế trong xã hội như người khuyết tật, ốm đau, người già, trẻ nhỏ. Sau lễ Tuyên ngôn độc lập, ngày 03 tháng 9 năm 1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đề xuất “Sáu việc lớn cần làm ngay” như một chương trình hành động của Chính phủ lâm thời. Đó là: chống giặc đói; chống giặc dốt; soạn thảo Hiến pháp dân chủ, chuẩn bị Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội; giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta; bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò; và tuyệt đối cấm hút thuốc phiện, tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, theo Người: "Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và được sống đời hạnh phúc"[iii]; "Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân"[iv]. Như vậy, với Người, xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là làm cho nhân dân ta có một đời sống thật sung sướng, tốt đẹp.

2. Đảng và Nhà nước vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng chính sách người có công và an sinh xã hội

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước đã vận dụng sáng tạo tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng, thực hiện chính sách người có công và an sinh xã hội ở Việt Nam. Điều đó được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

2.1 Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Gần 70 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị chọn “Ngày Thương binh, liệt sĩ”, toàn Đảng, toàn dân đã ra sức thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, gắng sức đền ơn, đáp nghĩa người có công với nước. Các chính sách, chỉ thị, pháp lệnh của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy cao độ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và lòng yêu nước của đồng bào cả nước. Chính sách ưu đãi người có công không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và luật pháp hoá. Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước...”. Thể chế hoá quy định của Hiến pháp, năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 01 tháng 6 năm 2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết số 15-NQ/TW về Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, trong đó thể hiện rõ quan điểm và chính sách ưu đãi người có công của Đảng và Nhà nước ta.

2.2. Chính sách an sinh xã hội

Hiến pháp Việt Nam năm 1946 đã ghi nhận những điều khoản quan trọng về ASXH tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành hệ thống quy định và chính sách về ASXH. Điều thứ 13 ghi nhận: “Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm”; Điều thứ 14: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật, không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Hiến pháp năm 2013 đã hiến định những quy định về ASXH: “Công dân có quyền được bảo đảm ASXH” (Điều 34); “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi ở; Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi…” (Điều 35).

Trên cơ sở những quy định mang tính hiến định, nguyên tắc của Hiến pháp Việt Nam năm 2013, các đạo luật, luật và các văn bản dưới luật về các lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ giúp xã hội (TGXH), bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE), … đã thể hiện được tinh thần của Hiến pháp và hình thành hệ thống pháp luật về ASXH. Các chính sách ASXH ngày càng phát huy vai trò trong việc thúc đẩy phát triển xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, thể hiện bản chất dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đó cũng chính là những hành động thiết thực nhất chúng ta thể hiện trung thành với những luận điểm có tính nguyên tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ASXH.

Ngày 01 tháng 6 năm 2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết số 15-NQ/TW về Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Lần đầu tiên vấn đề an sinh xã hội ở nước ta được thể hiện trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1 tháng 6 năm 2012 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Các chính sách ASXH được hệ thống hóa một cách đầy đủ và toàn diện dựa trên các quan điểm sau[i]:

- Phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an toàn cuộc sống cho toàn dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định an ninh chính trị, xã hội, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

- Phát triển an sinh xã hội có trọng tâm, trọng điểm, chú ý đến nhóm người yếu thế trong xã hội, nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

- Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, đảm bảo cho người dân có việc làm, đạt được mức chăm sóc y tế, giáo dục tối thiểu, bảo đảm thu nhập của người hết tuổi lao động, hỗ trợ toàn diện đối với người có hoàn cảnh đặc biệt không có khả năng tạo thu nhập, hỗ trợ một phần cho người gặp các rủi ro thiên tai, mất mùa, sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, sáp nhập…

- Nhà nước tạo cơ chế chính sách cho người dân tự an sinh thông qua hệ thống bảo hiểm xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện, thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí bổ sung, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp và các hình thức bảo hiểm khác để hỗ trợ người dân giảm thiểu và khắc phục những rủi ro về sức khỏe, tuổi già, thất nghiệp, mất mùa; mở rộng sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp vào cung cấp dịch vụ an sinh xã hội và hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho đối tượng trợ giúp xã hội.

- Hướng tới phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp với chuẩn mực và hội nhập quốc tế.

Mô hình chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam

3. Kết quả thực hiện một số chính sách người có công và an sinh xã hội trong thời gian qua

Phát huy quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về người có công và an sinh xã hội. Những kết quả nổi bật bao gồm:

3.1 Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Cùng với sự phát triển của đất nước, các chế độ ưu đãi đối với người có công đã từng bước được hoàn thiện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực trong đời sống người có công, trợ cấp một lần hoặc hàng tháng, trợ cấp người phục vụ (nếu có) được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, cấp phương tiện trợ giúp chỉnh hình, được điều dưỡng phục hồi sức khỏe, được ưu đãi giáo dục và đào tạo, được ưu tiên vay vốn ưu đãi sản xuất, miễn giảm thuế, được hỗ trợ cải thiện nhà ở, quà tặng của Chủ tịch nước vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh, liệt sĩ,... Mức trợ cấp hàng tháng được điều chỉnh đồng bộ với tiền lương từng bước cải thiện và ổn định đời sống người có công với cách mạng. Đến nay, cả nước đã xác nhận gần 8,8 triệu người có công, trong đó có khoảng 1,4 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được tiếp tục triển khai. Các phong trào“Đền ơn đáp nghĩa” được tổng kết và nhân rộng trong phạm vi cả nước: tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc các công trình Tổ quốc ghi công; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, đỡ đầu con thương binh, con liệt sĩ. Tính đến tháng 12 năm 2015, có hơn 7.800 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời; 98% xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Ước tính năm 2015, tỷ lệ gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên so với mức sống dân cư tại địa bàn nơi cư trú đạt 96%.

3.2 Chính sách an sinh xã hội

3.2.1 Chính sách việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu

a. Chính sách việc làm

Hàng năm, giải quyết việc làm cho từ 1,5 đến 1,7 triệu lượt người. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực: tỷ trọng lao động nông – lâm nghiệp – thủy sản giảm còn 42,54%; công nghiệp - xây dựng tăng nhanh, chiếm 24,46%; dịch vụ chiếm 33,0%. Cuối năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tiếp tục duy trì ở mức thấp là 2,31% (trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,29%); tỷ lệ thiếu việc làm chung là 1,82% (trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,32%).

Hàng năm, Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 100.000 người, trong đó có nhiều đối tượng yếu thế (người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người ở vùng bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp) đã được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Phát triển thị trường lao động, mỗi năm tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 2 triệu lượt người, tổ chức các sàn giao dịch việc làm (bình quân một phiên giao dịch thu hút từ 45 đến 55 doanh nghiệp; từ 700 đến 750 lao động tham gia; sơ tuyển, phỏng vấn được khoảng từ 450 đến 500 lao động). Hệ thống thông tin thị trường lao động tiếp tục được củng cố, hoàn thiện.

Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân trên 100 nghìn lao động/năm.

b. Chính sách giảm nghèo

Mỗi năm đã có trên 02 triệu lượt học sinh nghèo được hỗ trợ; khoảng trên 2,6 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; khoảng trên 4,3 nghìn tỷ đồng để thực hiện công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; đến nay đã có trên 240 ngàn lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề, giáo dục định hướng và đi làm việc ở nước ngoài (khoảng từ 60 đến 70% là lao động thuộc các huyện nghèo) với tổng kinh phí thực hiện trên 360 tỷ đồng. Trên 2 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ xóa nhà tạm cho khoảng 531 nghìn hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và 700 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà phòng tránh lũ theo Quyết định số 716/QĐ-TTg. Tổng nguồn vốn đã bố trí để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ giảm nghèo là trên 59,2 nghìn tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp là gần 10,8 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương và các chủ đầu tư trong và ngoài nước ủy thác cho vay là gần 2,6 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn giao Ngân hàng Chính sách xã hội huy động là trên 45,8 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện bằng trên 5,9 nghìn tỷ đồng cho các hộ gia đình nghèo, hộ chính sách xã hội. Tổ chức các lớp tập huấn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý, các đợt sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, các đợt sinh hoạt tổ hòa giải; biên soạn, cấp phát miễn phí tờ rơi, băng đĩa pháp luật;… với kinh phí thực hiện gần 93 tỷ đồng.

3.2.2 Bảo hiểm xã hội

- Bảo hiểm xã hội: tính đến tháng 12 năm 2015 ước có khoảng trên 12,1 triệu lao động (chiếm 24,1% lực lượng lao động) tham gia BHXH, trong đó, BHXH bắt buộc là trên 11,9 triệu người (chiếm 23,6% lực lượng lao động); BHXH tự nguyện là 254 nghìn người (chiếm 0,5% lực lượng lao động).

- Bảo hiểm thất nghiệp: tính đến tháng 12 năm 2015 có trên 10,1 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 20,2% lực lượng lao động.

- Bảo hiểm y tế: tính đến tháng 12 năm 2015 có xấp xỉ 70 triệu người tham gia BHYT, chiếm khoảng 76% dân số. Trong đó, số người thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số là gần 11,8 triệu người; số thuộc hộ cận nghèo là gần 3 triệu người. Ước cả năm 2015, có khoảng 130 triệu lượt người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, với tổng số tiền là trên 49,5 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2015, ngân sách nhà nước đã bố trí gần 14 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho các đối tượng theo quy định của pháp luật.

 3.2.3 Trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Trợ giúp đột xuất: riêng trong năm 2015, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 31 nghìn tấn gạo cứu đói cho gần 2,1 triệu lượt người ở 21 tỉnh, tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Bình.

Trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng: đến tháng 12 năm 2015, đã trợ cấp tiền mặt hàng tháng và cấp thẻ BHYT cho trên 2,6 triệu đối tượng, gồm:  trên 37,3 nghìn trẻ mồ côi, gần 88,6 nghìn người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, gần 1,5 triệu người trên 80 tuổi, gần 900 nghìn người khuyết tật, trên 69 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng BTXH tại cộng đồng, trên 8,1 nghìn người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo.

Trợ cấp thường xuyên tại cơ sở trợ giúp xã hội: cả nước hiện có trên 400 cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc trên 41,4 nghìn đối tượng, trong đó số đối tượng bị khuyết tật, tâm thần chiếm tới 56,5%.

3.2.4 Tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản

a. Bảo đảm giáo dục tối thiểu

Về giáo dục, tính đến tháng 12 năm 2015, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi học mầm non đạt 97,93%; tỷ lệ trẻ em dưới 4 tuổi học mầm non đạt 86,61%; tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học đúng tuổi đạt 98,69%, tỷ lệ trẻ em đi học trung học cơ sở đúng tuổi đạt 90,89%; tỷ lệ đạt trình độ phổ thông trung học là 62%; tỷ lệ trẻ khuyết tật đi học đạt 60%.

Về giáo dục nghề nghiệp, năm 2015, cả nước ước thực hiện tuyển sinh gần 2 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề là trên 210 nghìn người; trình độ sơ cấp nghề, đào tạo nghề dưới 3 tháng khoảng gần 1,8 triệu người. Riêng lao động nông thôn ước tính có khoảng 550 nghìn người được hỗ trợ học nghề, trong đó 11,5 nghìn người là đối tượng người có công với cách mạng. Cả nước có khoảng 220 nghìn người được đào tạo nghề nông nghiệp, trong đó 6 nghìn người có công với cách mạng, 55 nghìn người dân tộc thiểu số, 50 nghìn người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và 1.200 người khuyết tật.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 51%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 38,5% (năm 2014 là 36%).

b. Bảo đảm y tế tối thiểu

Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu với chất lượng ngày càng cao.

Đến 2015, có 98,4% số xã có trạm y tế xã; 96,0% số thôn bản có nhân viên y tế thôn bản, có 80% số xã có bác sỹ làm việc, 50,0% số xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020, hơn 95% số xã có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được củng cố và phát triển, bao phủ 100% huyện, 93% xã, 96% thôn, bản. BHYT đã chi trả chi phí để phụ nữ khi có thai được khám thai, sinh đẻ tại các cơ sở y tế.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân đã giảm từ 17,5% vào năm 2010 xuống còn khoảng 14,1% năm 2015, thể thấp còi cũng giảm từ 29,3% vào năm 2010 xuống còn 24,2% năm 2015. Việt Nam đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về giảm tử vong bà mẹ xuống 58,3 trên 100.000 trẻ đẻ sống, giảm tử vong trẻ em dưới 1 tuổi xuống 14,7‰. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần đạt trên 90%, tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 98%, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 81%.

c. Bảo đảm nhà ở tối thiểu

- Chương trình  hỗ trợ người nghèo về nhà ở (Chương trình 167) được triển khai sau hơn 3 năm (2008 - 2011) đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho trên 507 nghìn hộ, trong đó có khoảng 224 nghìn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình 167 giai đoạn 2 bắt đầu được triển khai, đến nay vốn huy động đạt trên 12,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách Trung ương chiếm 33%, ngân sách địa phương 6%, từ ngân hàng chính sách xã hội 28% và các nguồn khác hơn 4 nghìn tỷ đồng.

- Chương trình hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm đã tiếp tục triển khai với mục tiêu hỗ trợ gần 26 nghìn hộ nghèo tại 13 tỉnh, thành phố trong khu vực. Tính đến tháng 12 năm 2015 đã hỗ trợ khoảng 7.600 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt.

- Tính đến tháng 12 năm 2015, chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 84 dự án với quy mô xây dựng khoảng 28.550 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.730 tỷ đồng; chương trình nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành 51 dự án với quy mô xây dựng khoảng 25.850 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 9.560 tỷ đồng; chương trình nhà ở cho học sinh, sinh viên được đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ đã có 85 dự án nhà ở cho sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng 200.000 sinh viên, 10 dự án đang trong giai đoạn xây dựng xong phần thô, đã bố trí chỗ vào ở đạt tỷ lệ bình quân 80%.

d. Bảo đảm nước sạch

Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp cải thiện đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt là các đối tượng được hưởng chính sách. Đến hết năm 2015, đã xây dựng được hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 86%, được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 45%.

e. Bảo đảm thông tin

- Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015 bước đầu đã mang lại sự chuyển biến đáng kể đối với hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở góp phần đảm bảo thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; từng bước rút ngắn khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa các vùng, miền và các đối tượng dân cư khác nhau trên cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

- Chính sách cấp miễn phí 24 loại ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn: mỗi năm khoảng 40 triệu ấn phẩm được cấp miễn phí cho các cơ quan, tổ chức, trường học và những người có uy tín.

Có thể khẳng định, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, Việt Nam có nhiều thành tựu ấn tượng về giảm nghèo, an sinh xã hội và chăm sóc người có công với cách mạng được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Đây chính là những thành quả của quá trình Đổi mới, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh gắn tăng trưởng kinh tế với tri ân người có công, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ths. Đào Hồng Lan

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

 


[i] Trích Nghị quyết số 15-NQ/TW về Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020



[i] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 15, tr. 616

[ii] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.161-162

[iii] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 10, tr. 17

[iv] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 10, tr. 556

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.375.646
Đang truy cập: 1.142