Tìm kiếm
 
 
Thừa Thiên Huế tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc
Ngày cập nhật 04/03/2019

Thực hiện Hướng dẫn số 48-HD/BTGTU ngày 07/01/2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tuyên truyền, kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/02/1979 – 17/02/2019); Công văn số 678/UBND-XH ngày 01/02/2019 của UBND tỉnh về việc tổ chức gặp mặt thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu đã tham gia Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sáng ngày 27/7/2019, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức gặp mặt thương binh, bệnh binh và đại diện gia đình liệt sĩ đã tham gia Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Bùi Thanh Hà, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các Sở, ban, ngành liên quan cùng 46 thương binh, bệnh binh và đại diện gia đình liệt sĩ tiêu biểu đã tham gia Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã gửi đến các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ lời chúc sức khỏe và xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng đã cống hiến to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là người đã từng tham gia Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tại tỉnh Lạng Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đã nhắc lại thời khắc oai hùng của toàn quân và dân ta trong cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc. Cách đây 40 năm, vào 5 giờ sáng ngày 17/02/1979, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam. Thực hiện Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, hàng triệu cán bộ, chiến sỹ, quân và dân Việt Nam đã cầm súng, chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc – đây là một sự kiện lịch sử thiêng liêng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, phản ánh ý chí, quyết tâm giành độc lập, tự do của dân tộc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của quân và dân ta trong những ngày tháng đầy gian khổ, ác liệt trên các mặt trận Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang) và Quảng Ninh. Trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có rất nhiều người con của tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên đường để chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thương liêng của Tổ quốc. Đảng và Nhà nước không bao giờ quên công lao to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong Cuộc chiến đấu chính nghĩa này.

Tại buổi gặp mặt, các thương bệnh binh, đại diện gia đình liệt sĩ, các đại biểu đã cùng ôn lại những tháng ngày ác liệt, gian khổ nhưng đầy hào hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Sự hy sinh, mất mát là vô cùng to lớn. Nhưng chính bản thân các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình NCC với cách mạng vẫn rất tự hào về những đóng góp xương máu của mình, của người thân đã bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, trong đó có ông Hoàng Việt Quốc là người lính thuộc đơn vị C2-D1-E12 Công an vũ trang Bộ tư lệnh từng tham gia cuộc chiến.

Người chiến sỹ binh nhất Hoàng Việt Quốc bồi hồi kể lại “Khoảng 05h sáng, ngày 17/02/1979 trọng pháo quân xâm lược nỗ rền trên toàn bộ doanh trại đại đội 2 tiểu đoàn 1 trung đoàn 12 Công an vũ trang Bộ tư lệnh (nay bội đội Biên phòng) đóng tại đồi Đồng Đăng (pháo đài Đồng Đăng) – Lạng Sơn; tiếp đến là xe tăng và lính bộ binh địch nỗ súng tấn công đơn vị từ bốn phía, tuy nhiên với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quyết tâm bảo vệ biên cương của Tổ quốc, đồng chí đại đội trưởng Thuần, chính trị viênThịnh, Phạm Bá Hải, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Thanh Tuấn và nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh; trên chiến hào chỉ còn hơn 10 đồng chí tiếp tục chiến đấu sau đó tôi bị thương được đồng chí Nghị băng bó đặt nằm trong chiến hào để tiếp tục chiến đấu; cuộc chiếu đấu bảo vệ biên cương tại cửa khẩu Tam Thanh, đồi Đồng Đăng–Lạng Sơn,quá ác liệt, địch quá đông, sự chiến đấu anh dũng, kiên cường, các đồng chí đã hy sinh ở tuổi mười tám, đôi mươimãi mãi nằm lại trên biên cương của Tổ quốc, trong số đó có đồng đội Phạm Bá Hải, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Thanh Tuấn cùng quê xã Phong Thu, lên đường bảo vệ tổ quốc năm 1977”

Theo Báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với các mạng, hiện nay, toàn tỉnh  Thừa Thiên Huế có trên 110.000 hồ sơ người có công, trong đó có gần 19.000 liệt sĩ, 13.000 thương bệnh binh, 2.346 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (nay có 82 Mẹ đang sống); gần 5.000 cán bộ, chiến sỹ bị địch bắt tù đày; hơn 30 nghìn người hoạt động kháng chiến, gần 3.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 30 nghìn người có công giúp đỡ cách mạng…

Được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Lao động  - TB&XH, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các cấp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đạt được nhiều kết quả, đảm bảo việc thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công đầy đủ, kịp thời. Đời sống của các gia đình người có công với cách mạng được toàn xã hội quan tâm và từng bước nâng cao. Đến nay, có trên 99% gia đình có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng. Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – TB&XH được triển khai quyết liệt, khẩn trương, trách nhiệm. Qua 02 năm thực hiện, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình Bộ Lao động – TB&XH xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xác nhận cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 17 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ, đến nay, đã có 9 trường hợp đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định thông tin bia mộ liệt sĩ, giám định AND để xác định danh tính liệt sĩ được quan tâm thường xuyên. Các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công cơ bản được xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang, chăm sóc chu đáo, trang nghiêm. Nhiều công trình đã trở thành thiết chế văn hóa ở địa phương như Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế, Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền, Đền liệt sĩ huyện Quảng Điền; có 03 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, thị xã đã được tiến hành lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ toàn bộ nghĩa trang để làm cơ sở xác định danh tính liệt sĩ: NTLS huyện A Lưới, Phong Điền, thị xă Hương Thủy và thực hiện lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ để giám định xác định danh tính liệt sĩ theo đề nghị của gia đình liệt sĩ.  Năm 2018 vừa qua, với sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đã được vận hành để giúp người dân và thân nhân liệt sĩ tra cứu, tìm kiếm và thăm viếng mộ liệt sĩ…

Cùng với việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, mọi cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong những năm qua đã phát triển thành 5 chương trình tình nghĩa: Nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc vật chất tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng nhà tình nghĩa; xây dựng tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình.

Tại Buổi gặp mặt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã trao 46 suất quà cho 46 đại biểu là Thương binh, bệnh binh và đại diện thân nhân liệt sĩ với mỗi suất quà trị giá 1.000.000 đồng bằng tiền mặt.

Đây là dịp đặc biệt thể hiện sự quan tâm, tôn vinh và tri ân sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước ta nói chung, trong đó có những người con của quê hương Thừa Thiên Huế anh hùng trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm. 

Nguyễn Văn Anh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.375.646
Đang truy cập: 2.430