Tìm kiếm

Liên kết website
Chính phủ
Bộ, ngành, Trung ương
Sở ban ngành
Báo chí
Giải trí

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Những điều cần trao đổi về việc xây dựng kế hoạch hành động về Người cao tuổi ở các địa phương
Ngày cập nhật 29/05/2013

Ngày 22/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1781/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu tổng quát là: “Phát huy vai trò NCT; nâng cao chất lượng chăm sóc NCT; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT phù hợp với điều kiện và tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước” và cùng với đó là những mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2015 và 2020.

Ngày 22/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1781/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu tổng quát là: “Phát huy vai trò NCT; nâng cao chất lượng chăm sóc NCT; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT phù hợp với điều kiện và tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước” và cùng với đó là những mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2015 và 2020.

Để tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về NCT, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động về chăm sóc và phát huy vai trò NCT phù hợp với Chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…

Qua nghiên cứu thực tế quá trình xây dựng Kế hoạch về NCT của một số địa phương, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần trao đổi, góp phần vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ này.

Thứ nhất, một số khái niệm cần thống nhất cách hiểu.

Về tên gọi, tên gọi nên là “Chương trình hay Kế hoạch hành động của tỉnh về NCT”?. Sự thiếu thống nhất trong các văn bản của Trung ương làm cho các địa phương băn khoăn về tên gọi của văn bản ở cấp tỉnh/thành phố. Tại khoản 1 chương VII về tổ chức thực hiện của Chương trình hành động quốc gia quy định: “UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương “xây dựng kế hoạch thực hiện” và tại khoản 11 cũng chương VII viết: “UBND tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động về chăm sóc và phát huy vai trò NCT”. Trong khi đó, tại Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam (UBQG) tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2012 và kế hoạch hoat động năm 2013 của UBQG tại văn bản số 93/TB-VPCP ngày 07 tháng 3 năm 2013, tại điểm k mục 2 lại ghi: “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành Chương trình hành động NCT giai đoạn 2013-2020 của tỉnh…”. Thiết nghĩ, chương trình và kế hoạch là hai phạm trù rất khác nhau. Đối với cấp tỉnh, kế hoạch để thực hiện chương trình có lẽ phù hợp hơn là Chương trình.

Về Chỉ tiêu. Chỉ tiêu b) trong Chương trình quốc gia: đến năm 2015 có trên 25% và đến năm 2020 có 80% tổng số xã, phường, thị trấn hỗ trợ cho việc thành lập và hoạt động của Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT trên địa bàn. Hiện còn nhiều địa phương hiểu đây là chỉ tiêu về thành lập Quỹ và thực tế hiện nay nhiều địa phương đã có tỷ lệ xã/phường có Quỹ cao hơn chỉ tiêu đặt ra. Nếu hiểu chính xác, đây là chỉ tiêu mà các địa bàn khó khăn chưa có Quỹ được chính quyền hoặc cơ quan, đoàn thể hỗ trợ để thành lập được Quỹ.

Chỉ tiêu i) đặt ra đến năm 2015 có ít nhất 15% xã, phường và đến năm 2020 có ít nhất 50% xã, phường có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoặc các mô hình khác nhằm chăm sóc phát huy vai trò NCT. Ở đây chủ yếu tập trung vào mô hình “Câu lạc bộ liên thế hệ” vì nếu tính cả các mô hình khác thì tỷ lệ các cơ sở có các hình thức chăm sóc, phát huy vai trò NCT đã đạt được cao hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra.

Chỉ tiêu e): đến năm 2015 có 1,5 triệu NCT và đến năm 2010 có 2,0 triệu NCT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở chăm sóc NCT. Điều đó sẽ khó để các địa phương xác định chỉ tiêu của mình. Theo đó nên đưa ra chỉ tiêu theo tỷ lệ phần trăm vì chính sách có thể thay đổi và nếu hạ độ tuổi NCT được hưởng chế độ, con số tuyệt đối sẽ tăng lên rất nhiều.

Thứ hai, căn cứ để lựa chọn các ưu tiên đối với địa phương trong xây dựng chương trình/kế hoạch của tỉnh/thành phố. Để xác định mục tiêu tổng thể cũng như các mục tiêu cụ thể cho việc thực hiện chương trình/kế hoạch hành động của địa phương, cần căn cứ vào các nhu cầu, các vấn đề đặt ra của địa phương mình trong lĩnh vực NCT. Trên 70% tỉnh/thành phố đã có chương trình/kế hoạch hành động nhằm thực hiện chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2006-2010 và chắc chắn, các địa phương này đã có những số liệu, thông tin cơ bản về NCT, nhất là từ năm 2010, khi thực hiện các chế độ bảo trợ xã hội với NCT từ 80 tuổi trở lên nhiều địa phương đã tổ chức khảo sát về NCT làm cơ sở cho việc thực hiện các chính sách liên quan. Cần căn cứ vào thực tế của địa phương mình để đặt ra những mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể cho chương trình/kế hoạch của địa phương. Các mục tiêu này không nhất thiết phải giống như các mục tiêu của Trung ương đề ra vì Trung ương chỉ đưa ra những mục tiêu định hướng.

Thứ ba, việc xác định các chỉ tiêu cần đạt được ở địa phương so với các chỉ tiêu Trung ương đặt ra. Các địa phương có tâm lý cần đưa ra các chỉ tiêu giống hệt các chỉ tiêu của Trung ương để làm cơ sở đánh giá cũng như thuận lợi cho công tác thông tin, báo cáo. Cách hiểu này là máy móc. Chúng ta biết rằng, những chỉ tiêu Trung ương đưa ra là chỉ tiêu mang tính vĩ mô. Chỉ tiêu của mỗi địa phương cần căn cứ vào thực trạng của mình và các điều kiện khả thi. Ví dụ, chỉ tiêu d trong Chương trình Quốc gia là: đến năm 2015 có 25% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa…có quy mô từ 50 giường bệnh kế hoạch trở lên tổ chức buồng khám bệnh riêng cho NCT tại khoa khám bệnh…Trong xác định chỉ tiêu của địa phương, các thành phố thuận lợi hơn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…đã có nên có chỉ tiêu là số lượng nhất định bệnh viện có phòng khám này rồi thì chỉ tiêu đặt ra có thể là 50% hoặc 70%, còn các địa phương khó khăn hơn, chưa có các phòng khám như Hà Giang, Sóc Trăng…có thể chỉ có 20%. Như vậy, không nhất thiết địa phương nào cũng phải đặt ra các chỉ tiêu bằng với Trung ương. Điều quan trọng là những chỉ tiêu đưa ra là có cơ sở và có khả năng thực hiện được.

Thứ tư, phương pháp xây dựng kế hoạch. Chương trình/kế hoạch về NCT là kế hoạch tổng hợp, không thể một ngành nào có thể tự đưa ra và tự thực hiện được. Chính vì vậy, trong xây dựng Chương trình/kế hoạch của tỉnh cần có đơn vị làm đầu mối chủ trì, tập hợp. Kinh nghiệm cho thấy, xác định được các chỉ tiêu và phân công cơ quan chủ trì thực hiện các chỉ tiêu đó làm cơ sở cho việc xác định các hoạt động trong xây dựng chương trình/kế hoạch của địa phương. Thường thường, các chỉ tiêu về bảo trợ xã hội, thực hiện chính sách cho NCT thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội; các chỉ tiêu về y tế, chăm sóc sức khỏe thuộc ngành y tế…như còn các chỉ tiêu như chỉ tiêu a)15% NCT có khả năng tham gia hoạt động kinh tế…khó xác định cơ quan chủ trì thực hiện. Hay như chỉ tiêu h) 100% NCT không phải sống trong nhà tạm dột nát…do ngành xây dựng hay Mặt trận Tổ quốc chủ trì?

Thứ năm, về thời gian hoàn thành xây dựng kế hoạch.Theo quy định, tháng 7/2013, các địa phương phải hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động của tỉnh/thành phố để đưa vào kế hoạch ngân sách năm 2014. Tuy nhiên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn các địa phương như điểm 11, mục VII về tổ chức thực hiện của Chương trình hành động quốc gia nên các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch theo kịp tiến độ để có ngân sách hoạt động cho năm 2014. 

TS. Nguyễn Thị Lan, Chuyên gia về NCT (www.molisa.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.139.542
Đang truy cập: 3.024