Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn về: thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội hàng tháng, kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng; chế độ đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp; hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và thủ tục chuyển mức và hệ số tương ứng.
2. Đối tượng áp dụng: thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Điều 2. Thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
1. Đối tượng thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP bao gồm:
a) Đối tượng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;
b) Đối tượng tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
c) Đối tượng chấp hành án phạt tù ở trại giam hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thôi hưởng trợ cấp xã hội;
d) Đối tượng từ chối nhận chế độ, chính sách;
đ) Sau 03 tháng kể từ khi có quyết định tạm dừng chi trả trợ cấp xã hội quy định tại điểm b khoản 3 Điều này mà đối tượng vẫn không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.
2. Thôi hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trong các trường hợp sau đây:
a) Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người nhận chăm sóc nuôi dưỡng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;
b) Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định;
c) Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP;
d) Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
3. Tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng trong các trường hợp sau đây:
a) Đối tượng không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 03 tháng trở lên;
b) Đối tượng không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.
c) Đối tượng bị tạm giam từ 01 tháng trở lên đối với trường hợp đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
4. Công chức phụ trách công tác Lao động- Thương binh và Xã hội cấp xã lập danh sách đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi văn bản đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng.
Điều 3. Chế độ đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 18 và khoản 2 Điều 19 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP
1. Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng: 60.000 đồng/người/ngày.
2. Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện như sau:
Đối với đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Đối với đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế tương ứng.
3. Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội: Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/1 km tính theo số km thực tế và giá xăng tại thời điểm vận chuyển. Trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận, phù hợp với giá cả trên địa bàn tại thời điểm thuê.
Điều 4. Hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP
1. Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng như sau:
a) Chế độ dinh dưỡng phù hợp;
b) Sắp xếp nơi ở, trợ giúp sinh hoạt cá nhân;
c) Tư vấn, đánh giá tâm, sinh lý;
d) Chính sách, pháp luật liên quan;
đ) Các nghiệp vụ liên quan khác.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 5. Thủ tục chuyển mức và hệ số tương ứng đối với đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP
1. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, lập danh sách đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc nuôi dưỡng hàng tháng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chi trả theo mức tương ứng quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
2. Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền bảo đảm kinh phí và tổ chức thực hiện chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan
1. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn bằng hồ sơ, sổ, phần mềm hoặc cơ sở dữ liệu điện tử;
b) Rà soát và có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này thôi hưởng, tiếp tục hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng, truy lĩnh (nếu có);
c) Tổng hợp, báo cáo định kỳ kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn và gửi kèm theo bảng tổng hợp số liệu kết quả thực hiện chính sách theo các mẫu 10a, 10b, 10c và 10d ban hành kèm theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 15 tháng 6 và 15 tháng 12 hằng năm;
d) Quản lý hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội do cấp xã thành lập và phối hợp hoạt động với các cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật về quản lý của cơ sở trợ giúp xã hội.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn bằng hồ sơ, số, phần mềm hoặc cơ sở dữ liệu điện tử;
b) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra và giám sát cấp xã trong việc xác định và quản lý đối tượng; tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn;
c) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát tổ chức dịch vụ chi trả trong việc triển khai công tác chi trả cho đối tượng;
d) Tổng hợp, báo cáo định kỳ kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn và gửi kèm theo bảng tổng hợp số liệu kết quả thực hiện chính sách theo các mẫu 10a, 10b, 10c và 10d ban hành kèm theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 30 tháng 6 và ngày 31 tháng 12 hằng năm;
đ) Quản lý cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội do cấp huyện thành lập theo quy định của pháp luật về quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
a) Có trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ chính sách; bố trí kinh phí; quyết định phương thức chi trả; kiểm tra, thanh tra và các nhiệm vụ khác có liên quan đến thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP;
b) Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn cao hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; quyết định đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, trong đó có đối tượng người khuyết tật là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
c) Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký điện tử, xét duyệt điện tử và kết nối dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết, chi trả chính sách, quản lý đối tượng; xây dựng cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội; tổng hợp và gửi thông tin của đối tượng về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Cổng thông tin điện tử của Bộ) định kỳ, đột xuất theo quy định.
d) Tổng hợp, báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn và gửi kèm theo bảng tổng hợp số liệu kết quả thực hiện chính sách theo các mẫu 10a, 10b, 10c và 10d ban hành kèm theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 15 tháng 01 và 15 tháng 7 hằng năm;
đ) Quản lý cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội do cấp tỉnh thành lập theo quy định của pháp luật về quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
2. Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 2 và 4 Điều 11 Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết./.