Tìm kiếm

Liên kết website
Chính phủ
Bộ, ngành, Trung ương
Sở ban ngành
Báo chí
Giải trí

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Thừa Thiên Huế: giải quyết việc làm cho người lao động từ các tỉnh phía Nam về quê
Ngày cập nhật 11/11/2021

Trong đợt dịch thứ 4, đã có hàng chục nghìn người từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về Thừa Thiên Huế. Tỉnh đang triển khai các giải pháp để giải quyết vấn đề việc làm, tạo kế sinh nhai lâu dài cho người dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế

PV: Xin ông cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phố phía Nam, số lượng công dân, đặc biệt là đối tượng đang độ tuổi lao động trở về quê là bao nhiêu?

Ông Đặng Hữu Phúc: Dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phía Nam đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công ăn việc làm, đời sống của người lao động. Do đó, số lượng người lao động trở về Thừa Thiên Huế trong thời gian qua là rất lớn. 

Cụ thể, từ ngày 28/4-24/8 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 25.160 lao động trở về địa phương, trong đó có 16.198 lao động có nhu cầu giới thiêu việc làm, học nghề và vay vốn tạo việc làm. Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 72.802 người từ các tỉnh, thành phố có dịch trở về địa phương.

PV: Đơn vị có dự báo trước số lao động trở về địa phương lớn để từ đó triển khai rà soát, phân loại các đối tượng lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm? 

Ông Đặng Hữu Phúc: Chúng tôi đã chủ động tham mưu UBND tỉnh bàn hành các văn bản chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, phân loại các lao động trở về quê để có phương án tham mưu UBND tỉnh chuyển đổi nghề nghiệp, tao việc làm cho người lao động.

Số người trở về địa phương thời gian qua rất đa dạng như: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị ốm đau, bệnh tật; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, tại các khu công nghiệp và người lao động làm công việc tự do không có giao kết hợp đồng lao động. 

Việc di chuyển lao động đặt ra thách thức "giải quyết việc làm" với số lượng lớn trong và sau dịch. Chúng tôi cũng xác định đây cũng là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh những lao động có tay nghề, kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. 

PV: Hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp trong tỉnh đang có nhu cầu đăng ký tuyển dụng lao động thưa ông? 

Ông Đặng Hữu Phúc: Trong những tháng cuối năm, có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc. Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp về lĩnh vực may công nghiệp, chế biến và chế tạo với trình độ lao động có tay nghề phổ thông. Hiện nay có 25 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại địa phương và 5 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số lượng 9.301 lao động.

Tập trung ở các doanh nghiệp tại Khu kinh tế, công nghiệp về lĩnh vực may mặc như: Công ty SCAVI Huế; Công ty CP Dệt May Phú Hòa An; Chi Nhánh Huế - Công Ty Cổ Phần Vinatex Quốc Tế; Công ty Cổ Phần Hello Quốc Tế Việt Nam…

PV: Xin ông cho biết, tính đến thời điểm này có bao nhiêu người lao động đã được hỗ trợ, giải quyết việc làm?

Ông Đặng Hữu Phúc: Từ đầu năm đến nay, tổng số lao động được giải quyết việc làm trên toàn tỉnh là 14.737 lao động đạt 92,1% so với kế hoạch đề ra (trong đó: 492 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giới thiệu việc làm cho hơn 2.500 lao động ngoại tỉnh trở về địa phương vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh). 

Đạt được kết quả này nhờ việc lồng ghép Chương trình giải quyết việc làm và hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tuyên truyền kết nối việc làm và sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế". 

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 110,7 tỷ đồng cho 2.388 dự án vay góp phần giải quyết việc làm cho 2.750 lao động. 

PV: Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đã có phương án như thế nào để tạo sinh kế bền vững cho người lao động?

Ông Đặng Hữu Phúc: Để tạo sinh kế, công ăn việc làm trước mắt và lâu dài cho người dân, vừa qua, sở cũng đã phối hợp các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện thực hiện tổng hợp chi tiết lao động theo trình độ, nghề nghiệp cũng như nhu cầu giới thiệu việc làm, học nghề và vay vốn tạo việc làm. Việc này nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động phù hợp với từng người lao động có nhu cầu. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan tuyên truyền kết nối cung - cầu lao động giải quyết việc làm thông qua việc cung cấp thông tin của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại địa phương và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm tuyên truyền, thông báo, hướng dẫn người lao động đăng ký nhu cầu tìm việc làm trên trang thông tin điện tử http://vieclamhue.vn/.

Theo đó, sở cũng thông báo, hướng dẫn người lao động tham gia phỏng vấn tìm việc làm trực tiếp tại Sàn giao dịch việc làm vào lúc 8h, ngày 5 và 20 hàng tháng tại số 12 Phan Chu Trinh, thành phố Huế hoặc tham gia phỏng vấn trực tuyến trên trang thông tin điện tử http://vieclamhue.vn/. 

Hoạt động đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân trờ về địa phương cũng là vấn đề hết sức cấp bách, đến nay, sở đang tham mưu UBND tỉnh kế hoạch về triển khai đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thừa Thiên Huế trở về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19. 

Phấn đấu 100% người lao động Thừa Thiên Huế trở về từ vùng dịch trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm được đào tạo nghề nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống trên địa bàn tỉnh. 

PV: Đối với những lao động thất nghiệp, sở có đề xuất phương án, sự hỗ trợ nào nhằm đảm bảo các vấn đề an sinh, xã hội?

Ông Đặng Hữu Phúc: Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh các ngành như du lịch, dịch vụ, vận tải vẫn gòn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc nhưng không thể giải quyết được hết nhu cầu việc làm của người lao động trở về địa phương. Cho nên, hiện nay vẫn còn tỷ lệ lớn người lao động thất nghiệp. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đang và sẽ phối hợp các cấp, các ngành tổ chức thực hiện: Kết nối cung cầu lao động, thường xuyên cung cấp thông tin tìm việc làm của người lao động đến các doanh nghiệp, đồng thời thông báo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động: đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, lưu động cho người lao động trở về từ vùng dịch. Tạo việc làm tại chỗ thông qua việc đẩy mạnh các ngành nghề tuyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập. 

Hỗ trợ chính sách vay vốn giải quyết việc làm: tăng cường hướng dẫn quy trình hỗ trợ vay vốn để người lao động dễ tiếp cận chính sách vay vốn ưu đãi, đặc biệt là đối tượng lao động ngoại tỉnh trở về có cơ hội tiếp cận vốn vay nhằm giải quyết việc làm tại chỗ. 

Tăng cường hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng qua việc phối hợp với các doanh nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội, Sở Tài chính hỗ trợ kịp thời các chính sách vay vốn, đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh tiêm vaccine phòng chống dịch cho người lao động nhằm đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội. 

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

 

Theo trian.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.004.880
Đang truy cập: 1.654