Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện một số nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Luật An toàn, vệ sinh lao động, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ, các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường giải pháp đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ, đồng thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
2. Căn cứ vào số lượng lao động và ngành nghề sản xuất kinh doanh để tổ chức bộ phận ATVSLĐ; bộ phận y tế; thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Luật ATVSLĐ, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ.
3. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ năm 2022 theo quy định tại Luật ATVSLĐ, rà soát, xây dựng, bổ sung nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, chú trọng các ngành, nghề, công việc có nguy cơ cao về ATVSLĐ, biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc
4. Tổ chức tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định một số nội dung tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm định các thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.
5. Thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ
- Phân loại và tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng theo quy định tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Căn cứ điều kiện, nguyên tắc, mức hỗ trợ, thành phần hồ sơ, trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ tại mục 5, chương III, Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, các doanh nghiệp, đơn vị lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ năm 2022 báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được giải quyết.
7. Thực hiện đầy đủ các chế độ về bảo hộ lao động
- Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Thực hiện đúng quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng.
- Phân loại lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện các chế độ liên quan theo quy định và thực hiện việc bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo Thông tư số 25/2013/TT-LĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động; quản lý bệnh nghề nghiệp theo quy định.
- Lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp, chữa bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động cho người lao động theo quy định tại mục 1, mục 2, mục 3, chương III, Nghị định số 88/2020/NĐ-CP nêu trên của Chính phủ khi có nhu cầu.
8. Xây dựng và áp dụng hiệu quả Hệ thống quản lý ATVSLĐ phù hợp. Thực hiện đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động, lập hồ sơ đề xuất được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2024 khi có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
9. Căn cứ vào khoản 2, điều 4 của Thông tư số 02/2017/TT-BLĐTBXH ngày 202/02/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ để xây dựng kế hoạch hoạt động và dự trù kinh phí triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất kinh doanh của đơn vị. Thời gian tổ chức Tháng hành động ATVSLĐ từ ngày 01 đến ngày 31/5/2022.
10. Thực hiện nghiêm túc việc khai báo, điều tra, tai nạn lao động theo quy định; tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động theo Thông tư số 13/2020/TT-BLĐTBXH ngày 27/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
11. Chế độ báo cáo:
- Về công tác ATVSLĐ, báo cáo trước ngày 10/01/2023 theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Về tình hình tai nạn lao động, báo cáo 6 tháng trước ngày 05/7/2022 và báo cáo năm trước ngày 10/01/2023 theo quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế (địa chỉ: số 18 Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Huế, điện thoại: 0234. 3897 028, email: ptnhan.sldtbxh@thuathienhue.gov.vn) để được hướng dẫn và phối hợp giải quyết./.