Tìm kiếm

Liên kết website
Chính phủ
Bộ, ngành, Trung ương
Sở ban ngành
Báo chí
Giải trí

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ
Ngày cập nhật 28/03/2022

Những năm qua, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an trên địa bàn tỉnh được quan tâm, song số người, ngành nghề đào tạo vẫn còn khiêm tốn.

 

Số lượng còn ít

Sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, năm 2020, Nguyễn Luân được xuất ngũ trở về địa phương. Trước khi ra quân, Luân được đơn vị và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp định hướng, tư vấn về chính sách đào tạo nghề. Khi ra quân, để có bằng cấp, tay nghề đi xin việc làm ổn định, em đã đăng ký học nghề lái xe nâng. Luân cho biết: “Quá trình học nghề, em được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập, đi lại, ăn ở miễn phí. Tiếc là tốt nghiệp đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát nên vị trí em nộp hồ sơ xin việc vẫn chưa tuyển, tạm thời em đang phụ cùng anh trai làm nghề chạm mộc”.

Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an là chính sách rất ý nghĩa, thiết thực của Chính phủ và địa phương. Do vậy, hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đều phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn triển khai tuyên truyền, vận động, tư vấn chính sách cho quân nhân xuất ngũ, thanh niên tình nguyện trên địa bàn.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục nghề nghiệp- Sở LĐTB&XH, từ năm 2016 đến 2019, hằng năm hỗ trợ đào tạo nghề cho từ 600-750 bộ đội xuất ngũ trên địa bàn. Riêng năm 2020 và năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19, nên số lượng bộ đội xuất ngũ được đào tạo lần lượt mỗi năm là 400 người và 250 người.

Các học viên được đào tạo các ngành nghề chủ yếu, như: lái xe, hàn, điện, kỹ thuật máy móc tại Trường cao đẳng Nghề số 23- Bộ Quốc phòng và một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn như: Trường cao đẳng Giao thông Huế, Trung tâm đào tạo lái xe Tâm An, Trường cao đẳng nghề Âu Lạc Huế.

Đa phần học viên sau đào tạo nghề được giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định. Tuy nhiên, thực tế, trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có từ 1.000- 1.200 quân nhân xuất ngũ, nên con số được đào tạo nghề kể trên vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, các ngành nghề đào tạo vẫn chưa đa dạng, tập trung chủ yếu vào đào tạo lái xe ô tô. Số lượng quân nhân tiếp cận các chính sách về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn thấp. Do đó, việc làm quan trọng sắp tới là phải mở rộng ngành, nghề, hình thức đào tạo để vừa đáp ứng nguyện vọng của học viên cũng như yêu cầu của thị trường lao động.

Tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp

Bộ đội xuất ngũ được xem là nguồn nhân lực chất lượng có ý thức tổ chức kỷ luật, độ tuổi, sức khỏe và trình độ có thể đáp ứng được nhiều ngành nghề chất lượng cao. Đây là lực lượng lao động mà các đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài nước rất cần nếu được đào tạo vững tay nghề. Do đó, hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ là một việc làm cấp thiết và cần được tập trung đầu tư vào nhóm lực lượng thanh niên này, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường lao động năng động trong tình hình mới.

Thanh niên xuất ngũ thường mới tốt nghiệp THPT hay cao đẳng, đại học, nên việc định hướng nghề nghiệp còn khá mông lung và vẫn chưa xác định được công việc mà mình muốn làm. Để tạo cơ hội cho các quân nhân xuất ngũ được gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp tuyển dụng và tuyển sinh học nghề, hằng năm, Sở LĐTB&XH phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức các sàn giao dịch việc làm. Qua đây giúp các quân nhân có thể tìm cho mình một công việc hay một ngành nghề đào tạo phù hợp sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương.

Nhằm thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tạo điều kiện cho thanh niên sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ trở về địa phương được tham gia các lớp đào tạo nghề theo quy định của Nhà nước về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ để có được việc làm, thu nhập ổn định, Sở LĐTB&XH đã lấy ý kiến dự thảo kế hoạch “Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện năm 2022” từ các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Dự kiến, năm 2022 sẽ hỗ trợ đào tạo nghề qua “Thẻ học nghề” (có giá trị 12 tháng từ khi xuất ngũ) cho khoảng 800 thanh niên xuất ngũ, với các nghề có trong danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2022 của tỉnh hoặc những ngành, nghề khác tùy theo nhu cầu của người học, trên cơ sở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đăng ký số lượng tuyển sinh cụ thể gửi Sở LĐTB&XH, đảm bảo trên 90% thanh niên sau khi đào tạo nghề có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định.

Ngoài sự chủ động phối hợp tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở LĐTB&XH chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bám sát các đơn vị quân đội để mở các đợt tư vấn, tuyển sinh học nghề; phối hợp với chính quyền cấp cơ sở thu thập, lập danh sách toàn bộ thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở địa phương để tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng, đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo và tạo đầu ra việc làm, thu nhập ổn định cho trên 90% thanh niên sau đào tạo. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có trách nhiệm khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để kết nối cho từng thanh niên sau khi được đào tạo nghề và tạo nguồn đưa lao động đi làm việc ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...

 

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.001.090
Đang truy cập: 1.913