Tìm kiếm

Liên kết website
Chính phủ
Bộ, ngành, Trung ương
Sở ban ngành
Báo chí
Giải trí

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ VỚI 10 NĂM THỰC HIỆN CÔNG TÁC “ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA”
Ngày cập nhật 31/10/2017

Tỉnh Thừa Thiên Huế là một địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng và an ninh. Nơi đây từng là chiến trường ác liệt của nhiều trận đánh, nhiều địa danh đã đi vào sử sách như A Lưới, A So, Dương Hoà, Hoà Mỹ...Trong cuộc kháng chiến trường kỳ đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã anh dũng, kiên cường, tiến công, nổi dậy giành nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng các thế lực xâm lược. Là thế hệ đang sống hôm nay, chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và các gia đình có công với nước, những người đã cống hiến máu xương và cuộc sống của mình cho “đất nước nở hoa độc lập, dân tộc kết quả tự do”.

Để thể hiện lòng biết ơn đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách người có công với cách mạng, trong 10 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Thừa Thiên Huế đã chung sức, đồng lòng triển khai nhiều việc làm thiết thực để thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách người có công và công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đó là thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với bản thân và thân nhân của hơn 100.000 người có công với nước trên địa bàn tỉnh. Hàng tháng, đã thực hiện chi trả trợ cấp đầy đủ, kịp thời cho gần 22.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã rà soát, xác minh, đối chiếu, giải quyết cho hơn 24.000 trường hợp hưởng chế độ, chính sách có công các loại, gồm: 364 người là lão thành cách mạng; 182 người là cán bộ tiền khởi nghĩa; công nhận 132 liệt sĩ, 74 thương binh, 44 bệnh binh, 847 người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hoá học, 1.618 người có công giúp đỡ cách mạng, 3.086 người bị địch bắt tù đày, 1.261 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 236 thanh niên xung phong, hơn 15.000 hồ sơ thờ cúng liệt sĩ...Từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cùng với việc vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã xây dựng, sữa chữa 7.375 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 167,8 tỷ đồng; tặng 8.005 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách; vận động các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời tất cả các Bà mẹ VNAH còn sống; tổ chức điều dưỡng cho 70.108 lượt người có công ở trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, đã tổ chức Đoàn Người có công tiêu biểu đi thăm Lăng Bác, tham quan các danh lam thắng cảnh tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; gặp gỡ, tiếp xúc, đề đạt nguyện vọng của mình với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành Trung ương.

Công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang, tu bổ các công trình ghi công và các nghĩa trang liệt sĩ đã được quan tâm đúng mức. 10 năm qua, chính quyền các cấp đã huy động hơn 200 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, hàng chục nhà bia ghi danh, đền tưởng niệm và các công trình ghi công liệt sĩ khác. Nhiều công trình trở thành thiết chế văn hóa ở địa phương như Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phong Điền, Đền liệt sĩ huyện Quảng Điền... Hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cũng được đầu tư, nâng cấp.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được Đảng và Nhà nước hết sức chú trọng. Tỉnh đã thành lập đội công tác đặc biệt chuyên trách thực hiện nội dung này. Từ năm 2013 đến nay, các cấp, các ngành và nhân dân đã tìm kiếm, phát hiện, qui tập gần 200 hài cốt liệt sĩ ở trong nước và quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào đưa về an táng tại địa phương (trong đó có 95 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào). Đã phối hợp với các cơ quan Trung ương khẩn trương làm tốt việc xác định danh tính các liệt sĩ, góp phần giúp các thân nhân liệt sĩ sớm có tin tức về người thân của mình; thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang và giúp đỡ gia đình, người thân của liệt sĩ đến thăm viếng.

 

Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, cấp thẻ bảo hiểm y tế, dạy nghề, tạo việc làm cho con em các gia đình chính sách; tổ chức các đoàn về thăm chiến khu xưa... Con liệt sĩ, thương binh được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện học hành, công tác hoặc sản xuất, kinh doanh, nhiều người đã vượt khó vươn lên thành đạt.

Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với nước đã trở thành một hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân đã tự nguyện vận động và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, thành lập “Tổ thương binh tình nghĩa”, “Đi tìm đồng đội”, “Xã, phường làm tốt công tác chăm sóc người có công”… đã mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực.

Tuy đạt được nhiều kết quả như vậy. Song, chúng ta chưa thực yên tâm khi vẫn còn một số người có công chưa được công nhận, xác nhận; vẫn còn một số chế độ, chính sách chưa giải quyết kịp thời; có nơi gia đình chính sách cuộc sống còn khó khăn; việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương chiến tranh, việc chăm lo học hành và việc giải quyết việc làm có nơi chưa được chu đáo. Đến nay, vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa được xác định danh tính, đang để lại nỗi thương đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta. 

Chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Do đó, trong thời gian tới, trách nhiệm chúng ta là phải làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người, những gia đình có công với nước./.

Một số hình ảnh:

Lê Thị Niềm - Phòng Người có công
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.001.090
Đang truy cập: 836