Tìm kiếm

Liên kết website
Chính phủ
Bộ, ngành, Trung ương
Sở ban ngành
Báo chí
Giải trí

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Triển khai chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 21/10/2021

Ngày 14/10/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, kỳ họp chuyên đề lần thứ 2 đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Triển khai chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết gồm một số nội dung sau:

 

 1. Mục tiêu đầu tư:

- Triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển chính quyền điện tử tỉnh dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới hình thành chính quyền số; từng bước xây dựng phát triển các dịch vụ đô thị thông minh.

- Nâng cao công tác quản lý của các cấp chính quyền, của các ngành thông qua việc ứng dụng nền tảng chuyển đổi số để tổng hợp, phân tích, dự báo, hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm, định hướng phát triển kinh tế xã hội, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

- Đầu tư thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng nhu cầu triển khai hệ thống về hạ tầng, thiết bị mạng, đảm bảo năng lực ảo hóa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây, đáp ứng cung cấp tài nguyên hệ thống cho các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, dịch vụ đô thị thông minh toàn tỉnh và đáp ứng nhu cầu lưu trữ dữ liệu ngày càng cao, hướng đến một cơ sở hạ tầng mạng duy nhất, phù hợp với nhu cầu đặc biệt của tỉnh.

- Ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở nhằm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân thông qua công tác thông tin cơ sở.

- Thực hiện số hóa dữ liệu lưu trữ của các ngành phục vụ công tác quản lý, tra cứu thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác dữ liệu phục vụ cho các hoạt động chuyên ngành của cơ quan, đơn vị.

- Xây dựng các phần mềm dùng chung của các ngành phục vụ công tác quản lý điều hành tác nghiệp của các cấp.

2. Quy mô đầu tư:

2.1. Dự án phát triển Chính quyền số tỉnh Thừa Thiên Huế

2.1.1. Mục tiêu:

Việc phát triển Chính quyền số tỉnh Thừa Thiên Huế đảm bảo mục tiêu cụ thể như sau:

- Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ hoàn thiện phát triển chính quyền số.

- Thực hiện số hóa dữ liệu chuyên ngành thúc đẩy chuyển đổi số tạo nền tảng chính quyền số.

- Nâng cấp hệ thống thông tin dịch vụ công theo yêu cầu thực tiễn mới và mô hình thí điểm phục vụ dịch vụ công mọi lúc mọi nơi.

- Hình thành nền tảng để tích hợp, thu thập dữ liệu: Áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các dịch vụ đô thị thông minh. Tạo lập kiến trúc IoT trong nền tảng chuyển đổi số.

- Xây dựng công cụ kết nối, trao đổi thông tin cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) để trao đổi thông tin, chat bot, cảnh báo, hình thành mạng lưới kết nối CBCCVC toàn tỉnh.

- Đảm bảo đáp ứng các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 theo Kế hoạch do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

2.1.2. Nội dung: Dự án phát triển Chính quyền số tỉnh Thừa Thiên Huế gồm các tiểu hạng mục dự án như sau:

a) Tiểu dự án thành phần: Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ hoàn thiện phát triển chính quyền số.

b) Tiểu dự án thành phần: Số hóa dữ liệu chuyên ngành.

c) Tiểu dự án thành phần: Nâng cấp hệ thống thông tin dịch vụ công theo yêu cầu thực tiễn mới và mô hình thí điểm phục vụ dịch vụ công mọi lúc mọi nơi.

d) Tiểu dự án thành phần: Xây dựng dịch vụ tích hợp, thu thập dữ liệu.

đ) Tiểu dự án thành phần: Xây dựng công cụ kết nối, trao đổi thông tin giữa cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

2.2. Dự án Xây dựng nền tảng chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế

2.2.1. Mục tiêu:

Xây dựng hệ thống nền tảng số tỉnh Thừa Thiên Huế đảm bảo mục tiêu cụ thể như sau:

- Hoàn thiện nền tảng số cung cấp cho các cơ quan, đơn vị nhà nước thực hiện số hóa và quản lý dữ liệu, tạo được nền tảng cốt lõi của chính quyền điện tử, phát triển dịch vụ đô thị thông minh đáp ứng điều kiện triển khai Internet vạn vật (IoT); xử lý dữ liệu lớn (BigData); trí tuệ nhân tạo; chuỗi khối (blockchain).

- Hoàn thiện nền tảng tích hợp dịch vụ đô thị thông minh áp dụng triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử, chữ ký số, QR Code...

- Hoàn thiện công cụ giám sát tích hợp theo thời gian thực và nền tảng cung cấp tổng thể thông tin, dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Đảm bảo đáp ứng các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 theo Kế hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

2.2.2. Nội dung: Dự án Xây dựng hệ thống nền tảng số tỉnh Thừa Thiên Huế gồm các tiểu dự án thành phần như sau:

a)Tiểu dự án thành phần Xây dựng nền tảng số

b) Tiểu dự án thành phần: Xây dựng công cụ giám sát tích hợp.

c) Tiểu dự án thành phần: Nâng cấp, mở rộng nền tảng dịch vụ đô thị thông minh.

2.3. Dự án Xây dựng hệ thống họp không giấy tờ e-Cabinet.

2.3.1. Mục tiêu:

- Xây dựng phần mềm họp không giấy tờ e-Cabinet để hỗ trợ cho các phiên họp của các cơ quan nhà nước không cần dùng đến giấy tờ.

- Hỗ trợ các cuộc họp diễn ra hiệu quả, tài liệu tại các phiên họp được phân phối trên hệ thống để các đại biểu dự họp có thời gian nghiên cứu, phần mềm được triển khai trên thiết bị di động cầm tay, không lệ thuộc vào các loại văn bản, giấy tờ in ấn.

2.3.2. Nội dung: Xây dựng hệ thống phần mềm nhằm:

- Quản lý phiên họp từ thành phần, nội dung chương trình; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh; thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh vắng mặt tại phiên họp có thể tham gia ý kiến và biểu quyết, điện tử thông qua thiết bị di động.

- Quản lý việc lấy ý kiến các nội dung cần các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua thống kê được tỷ lệ; kết xuất báo cáo tổng hợp; quản lý thành phần tham gia dự họp; xây dựng sơ đồ bố trí vị trí ngồi của các thành viên dự họp.

- Phần mềm thể hiện đầy đủ các chức năng như: Cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; liên thông được hệ thống xác thực tập trung SSO của tỉnh; liên thông được dữ liệu văn bản đến và văn đi của hệ thống phần mềm hồ sơ công việc; liên thông được cơ sở dữ liệu phần mềm đăng ký lịch và phát hành giấy mời qua mạng.

- Triển khai cho 30 đơn vị gồm Ủy ban nhân dân tỉnh và 20 đơn vị cấp sở, 9 đơn vị cấp huyện các nội dung: Cài đặt phầm mềm, chuyển đổi dữ liệu, đào tạo, tập huấn và chuyển giao phần mềm.

- Phục vụ các cuộc họp do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, các cuộc họp của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin.

2.4. Dự án Nâng cấp hệ thống lưu trữ hiện hành.

2.4.1. Mục tiêu:

- Nâng cấp hệ thống Lưu trữ cơ quan đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lưu trữ hiện hành tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế, các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; phục vụ nhu cầu chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh và công tác tham mưu của chuyên viên.

- Thống nhất việc xây dựng hệ thống lưu trữ gắn liền với công tác quản lý hồ sơ công việc, quản lý văn bản đến, văn bản đi nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý và khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ hiện hành và phục vụ cho lưu trữ lịch sử.

- Góp phần thống nhất các nội dung thông tin, tiêu chuẩn trao đổi văn bản, giám sát việc thực hiện và hoàn thiện về mặt thể chế trong việc ứng dụng các phần mềm dùng chung đã triển khai.

2.4.2. Nội dung:

- Xây dựng hệ thống phần mềm nhằm tạo lập kho dữ liệu lưu trữ điện tử (gồm các cơ sở dữ liệu cơ quan lưu trữ, phông/công trình/sưu tập lưu trữ, hồ sơ, văn bản,…) đáp ứng theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP về Công tác văn thư và Thông tư 02/2019/TT-BNV về Quy định tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào và yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử.

- Chuẩn hóa hệ thống danh mục, các trường dữ liệu theo quy định.

- Cung cấp các công cụ, dịch vụ đồng bộ hồ sơ, văn bản từ phần mềm Quản lý Văn bản và Điều hành từ bước tạo lập hồ sơ nộp lưu cho đến bước đưa vào kho lưu trữ điện tử; xác thực văn bản cho các hệ thống, phần mềm khác truy cập, chia sẻ dữ liệu; xác thực đăng nhập sử dụng qua xác thực tập trung theo giao thức XML.

- Cung cấp các công cụ tìm kiếm, tra cứu, xác thực văn bản, thống kê phục vụ nhu cầu tra cứu và khai thác sử dụng tài liệu của các đối tượng liên quan theo quy định.

- Tạo lập danh mục các hồ sơ đến hạn lưu trữ lịch sử và đồng bộ sang hệ thống Lưu trữ lịch sử cùng với văn bản kèm theo Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu; quản lý danh mục hồ sơ đã chuyển lưu trữ lịch sử.

- Có các chức năng định nghĩa trường dữ liệu động để dễ dàng đáp ứng mỗi khi có sự thay đổi về quy định chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào. Chức năng quản lý vị trí cất giữ (phòng, dãy, hộc) của hồ sơ giấy tương ứng với hồ sơ điện tử trong kho lưu trữ.

- Triển khai cho 30 đơn vị gồm Ủy ban nhân dân tỉnh và 20 đơn vị cấp sở, 9 đơn vị cấp huyện các nội dung: Cài đặt phần mềm, chuyển đổi dữ liệu, đào tạo, tập huấn và chuyển giao phần mềm.

2.5. Dự án Nâng cấp hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đáp ứng một số nội dung chính về chức năng, tính năng kỹ thuật theo Quyết định số 395/QĐ-BTTTT ngày 23/3/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông và đáp ứng một số nội dung chính theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư lưu trữ.

2.5.1. Mục tiêu:

Nâng cấp hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đáp ứng nội dung chính như sau:

- Chức năng, tính năng kỹ thuật theo Quyết định số 395/QĐ-BTTTT ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Quy định đối với hệ thống quản lý tài liệu điện tử theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về công tác văn thư lưu trữ.

2.5.2. Nội dung:

Nâng cấp Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ở ba cấp (tỉnh, huyện, xã) với các tính năng cụ thể:

- Cho phép kiểm tra chữ ký số, hiệu lực của chứng thư số và thông tin lưu trữ kèm theo quy định. Thể hiện ký hiệu để người dùng nhận biết, phân biệt được văn bản đến là văn bản điện tử và văn bản đến là văn bản được số hóa từ văn bản giấy.

- Tự động báo trùng văn bản đến, trong trường hợp văn bản đến có cùng số, ký hiệu… do một cơ quan ban hành trong một năm. Cho phép thu hồi văn bản đến đã chuyển trong trường hợp chuyển nhầm, thao tác thu hồi hoàn thành khi bên nhận đồng ý cho phép thu hồi. Trường hợp nhận được thông báo thu hồi văn bản điện tử, hệ thống phải có chức năng để Bên nhận hủy bỏ văn bản điện tử bị thu hồi đó trên hệ thống, đồng thời thông báo việc đã xử lý văn bản điện tử bị thu hồi thông qua hệ thống để Bên gửi biết.

- Hỗ trợ lãnh đạo các cấp tùy theo thẩm quyền có thể thống kê tình trạng xử lý văn bản đến từ một mốc thời gian nhất định đến thời điểm hiện tại, theo các tiêu chí: đến hạn, trong hạn, quá hạn.

- Cho phép tìm kiếm văn bản theo các thuộc tính văn bản. Cho phép ghi và in vết xử lý theo luồng xử lý văn bản đã được định nghĩa, khai báo. In tự động phiếu trình ký văn bản đi.

- Cung cấp chức năng thông báo nhắc việc tự động cho người dùng: Thông báo khi có việc mới, khi có việc sắp đến hạn xử lý. Lưu phiên dự thảo theo người cập nhật; kết xuất quá trình soạn thảo dự thảo; đánh dấu văn bản chính và văn bản phụ; nhập mô tả tập tin văn bản đính kèm. Lưu và truy vết nhật ký sử dụng (log) của người dùng.

- Cảnh báo người sử dụng đang vắng mặt có lý do: Liệt kê danh sách người dùng vắng mặt; thông báo lý do vắng mặt.

- Cập nhật danh mục loại văn bản, thư viện biểu mẫu văn bản hành chính. Bổ sung các mẫu báo cáo mới về quản lý văn bản, các thuộc tính mới cho văn bản và hồ sơ, chức năng ký số văn bản điện tử.

- Đáp ứng một số yêu cầu cơ bản trong Nghị định số 30/2020/NĐ-CP.

2.6. Dự án Số hóa dữ liệu từ sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

2.6.1. Mục tiêu:

- Số hóa và chứng thực điện tử toàn bộ dữ liệu từ sổ hộ tịch giấy lưu trữ tại Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã phục vụ cho quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch, phục vụ yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến; cung cấp, trao đổi thông tin hộ tịch cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Dữ liệu được số hóa và chứng thực điện tử sẽ được lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh và đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc của Bộ Tư pháp để phục vụ mục đích chia sẻ, liên thông với các hệ thống thông tin của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác dữ liệu hộ tịch của công dân phục vụ cho các hoạt động chuyên ngành của cơ quan, đơn vị.

2.6.2. Nội dung:

- Khảo sát phân tích số liệu dữ liệu hộ tịch cần số hóa vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc trước thời điểm áp dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch.

- Số hóa và chứng thực điện tử dữ liệu hộ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 1977 đến trước ngày 01 tháng 02 năm 2018 là 1.401.524 trường hợp cần nhập dữ liệu, quy đổi ra số trang A4 thực hiện quét dữ liệu (scan) là 1.205.404 trang.

- Xây dựng hệ thống để đồng bộ dữ liệu lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh nhằm khai thác, tích hợp, liên thông với các hệ thống thông tin của tỉnh và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

- Đào tạo, tập huấn chuyển giao dữ liệu, hướng dẫn khai thác dữ liệu số hóa.

2.7. Dự án Xây dựng phần mềm Quản lý về công tác thanh tra, kiểm tra.

2.7.1. Mục tiêu:

- Phần mềm quản lý về công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng để quản lý thống nhất các cuộc thanh tra, kiểm tra của các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; đảm bảo tính khoa học, thuận tiện cho việc khai thác và sử dụng.

- Xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ kịp thời yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

- Các thông tin, dữ liệu về công tác thanh tra, kiểm tra được thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng phải đảm bảo tính trung thực, khách quan.

- Việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về về công tác thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo đúng mục đích, tuân theo các quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung về công tác thanh tra, kiểm tra và cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho ngành Thanh tra.

- Xây dựng quy định về công tác thanh tra, kiểm tra và cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho ngành Thanh tra.

- Thực hiện tốt Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

2.7.2. Nội dung:

Xây dựng phần mềm dùng chung quản lý công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó tập hợp toàn bộ các thông tin, dữ liệu cơ bản về cuộc thanh tra, kiểm tra được các đơn vị trên địa bàn triển khai hàng năm. Cơ sở dữ liệu về công tác thanh tra, kiểm tra do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng, lưu trữ và quản lý, cung cấp cho tất cả các phòng trực thuộc Thanh tra tỉnh và các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra trên địa bàn sử dụng; Hệ thống được cài đặt, lưu trữ tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh. Phần mềm quản lý công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đảm bảo các nội dung sau:

- Hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm tra do địa phương ban hành theo thẩm quyền.

- Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm được phê duyệt trên địa bàn.

- Các thông tin về các đoàn thanh tra, kiểm tra (quyết định thành lập; thành viên; đơn vị được thanh tra, kiểm tra; nội dung thanh tra, kiểm tra v.v...).

- Số liệu, kết quả thống kê, tổng hợp, báo cáo của các đoàn thanh tra, kiểm tra theo biểu mẫu của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

- Kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu về Thanh tra với cơ sở dữ liệu khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

2.8. Dự án Triển khai mạng lưới phát thanh thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 1:

2.8.1. Mục tiêu:

- Ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở nhằm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân thông qua công tác thông tin cơ sở; thực hiện quyền được thông tin của người dân và tham gia giải quyết những bức xúc của người dân ở cơ sở và từ cơ sở, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin trong nhân dân.

- Nâng cao chất lượng hệ thống thiết bị sản xuất Chương trình phát thanh số của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đồng bộ với các thiết bị sản xuất Chương trình phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh để cung cấp các Chương trình phát thanh cho Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh.

- Tăng cường thiết bị lưu trữ số để phục vụ công tác thống kê, khai thác lại tin, bài, chương trình đã phát; đặc biệt chú trọng đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Nâng cao chất lượng mạng lưới phát thanh truyền hình cơ sở để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, xoá các điểm trắng văn hoá, thông tin.

- Thực hiện dần từng bước 100% số dân trên địa bàn tỉnh nghe và xem, nắm bắt được các thông tin chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân huyện, tỉnh và trung ương.

2.8.2. Nội dung:

a) Đầu tư hệ thống phát thanh thí điểm cho cấp xã, cấp huyện 

b) Xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động thông minh

c) Xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh: 

2.9. Dự án Nâng cấp hạ tầng số đáp ứng chương trình chuyển đổi số đến năm 2025:

2.9.1. Mục tiêu:

Đầu tư thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn theo quy định đủ đáp ứng nhu cầu triển khai hệ thống về hạ tầng, thiết bị mạng, đảm bảo năng lực ảo hóa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây, đáp ứng cung cấp tài nguyên hệ thống cho các ứng dụng CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, chuyển đổi số, dịch vụ đô thị thông minh toàn tỉnh và đáp ứng nhu cầu lưu trữ dữ liệu ngày càng cao, hướng đến một cơ sở hạ tầng mạng duy nhất, phù hợp với nhu cầu đặc biệt của tỉnh.

Đầu tư hệ thống lưu trữ và sao lưu dữ liệu tại Trung tâm tích hợp dữ liệu nhằm nâng cao năng lực lưu trữ, tốc độ, ổn định, đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng theo các tiêu chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp lộ trình hoàn thiện nền tảng hạ tầng số phát triển chính quyền số trong thời gian tới.

Đầu tư hệ thống dự phòng cho Trung tâm tích hợp dữ liệu gồm hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ, sao lưu phục hồi dự liệu, hệ thống mạng nhằm cung cấp giải pháp Trung tâm dữ liệu dự phòng khi xảy ra trường hợp thảm họa như thiên tai, bão lũ, động đất, sét đánh… phá hỏng toàn bộ hệ thống.

2.9.2. Nội dung:

Đầu tư hệ thống thiết bị và lưu trữ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu bao gồm:

+ Hệ thống máy chủ.

+ Hệ thống tủ Rack IT & Phụ kiện.

+ Hệ thống thiết bị mạng và bảo mật.

+ Hệ thống lưu trữ và sao lưu dữ liệu.

+ Phần mềm thương mại: Phần mềm hệ điều hành và quản lý đám mây.

+ Triển khai thi công xây dựng và lắp đặt, cài đặt, tích hợp hệ thống.

+ Đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Nội dung Nghị quyết chi tiết đính kèm

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.040.757
Đang truy cập: 1.158