Tìm kiếm

Liên kết website
Chính phủ
Bộ, ngành, Trung ương
Sở ban ngành
Báo chí
Giải trí

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/11/2021 của BCHĐB tỉnh khóa XVI
Ngày cập nhật 26/03/2022

Ngày 23/3/2022, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Theo đó, Chương trình hành động nhằm mục tiêu: Hoàn chỉnh mô hình chính quyền số đến năm 2025, hình thành xã hội số và phát triển kinh tế số làm động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Để đạt được mục tiêu, chương trình đưa ra một số định hướng và giải pháp sau:

1. Hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số

- Bám sát các văn bản của Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể hóa tại địa phương đảm bảo nguyên tắc kịp thời, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn và phát huy các thế mạnh của tỉnh đã sẵn có.

- Ban hành các quy trình, quy chuẩn, tiêu chí làm cơ sở để xác định rõ trách nhiệm, phương thức triển khai, cơ sở đánh giá chất lượng hiệu quả công tác chuyển đổi số đến tận ngành, địa phương.

- Ban hành các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển doanh nghiệp số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp và nguồn nhân lực số.

2. Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

- Nâng cao nhận thức, xác định vai trò người đứng đầu đơn vị quyết định thành công cho công cuộc chuyển đổi số, trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn diện nhiệm vụ chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Tập trung các giải pháp nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số của các ngành, địa phương trên Cổng thông tin điện tử và trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị.

- Triển khai cách giải pháp nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia cung cấp dịch vụ số cho người dân, xã hội, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số, kinh tế số.

- Ưu tiên nâng cao nhận thức cho người dân, kỹ năng thúc đẩy thói quen sử dụng và khai thác thông tin, dịch vụ số trong xã hội. Nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường số.

- Nâng cao nhận thức cơ quan báo chí, truyền thông của địa phương trong công tác chuyển đổi số về công tác báo chí, truyền thông.

3. Phát triển hạ tầng đủ năng lực triển khai chuyển đổi số

a) Hạ tầng Chính quyền số

- Hoàn chính hạ tầng dùng chung, cơ sở dữ liệu tập trung của tỉnh theo mô hình điện toán đám mây đủ năng lực phục vụ cho công tác chuyển đổi số. Tuyệt đối không hình thành các hệ thống dùng riêng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trừ các trường hợp đặc biệt có phê duyệt của UBND tỉnh.

- Chuẩn hóa hệ thống hạ tầng dự phòng nóng đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp cho hạ tầng dùng chung. Phối kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp công nghệ triển khai hệ thống hạ tầng dự phòng thảm họa. Xây dựng kịch bản diễn tập thường xuyên hàng năm.

- Đẩy mạnh giải pháp thuê dịch vụ đối với các loại dữ liệu lưu trữ có thời gian và những dữ liệu ít yêu cầu phải bảo mật cao, các dữ liệu không yêu cầu lưu trữ sau thời gian vận hành, tác nghiệp.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đường truyền CPNet đảm bảo dung lượng truy cập theo yêu cầu của chuyển đổi số.

- Sớm hình thành các chương trình, đề án chuyển đổi hạ tầng WAN dùng chung của tỉnh thông qua CPNet sang hạ tầng WAN kết nối cáp quang.

- Xây dựng mô hình công sở số, trong đó ưu tiên hạ tầng phòng họp số kết hợp với thiết chế phòng điều hành số tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế.

- Hiện đại hóa hạ tầng đầu cuối cho cán bộ, công chức, viên chức theo hướng trang thiết bị có tính di động phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số.

b) Hạ tầng xã hội số, kinh tế số

- Phát triển hạ tầng số cho xã hội, chú trọng đến mạng lưới quy hoạch trạm BTS phát triển mạng tốc độ cao 4G, hướng đến phủ sóng 5G trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích phát triển hệ thống Wifi công cộng theo phương án kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp và các thành phần khác.

- Huy động các nguồn lực, tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, các doanh nghiệp sớm hoàn thành mục tiêu phổ cập điện thoại di động thông minh cho toàn bộ người dân có đảm bảo điều kiện sử dụng.

4. Hoàn thiện chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số

- Triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện mức độ 4. Triển khai 100% quy trình xử lý và kết quả dịch vụ hành chính công được thực hiện trên môi trường số và số hóa. Đảm bảo tính liên kết và kế thừa dữ liệu đã số hóa có liên quan phục vụ xử lý các hồ sơ. Nâng cao chất lượng cơ chế thúc đẩy dịch vụ công như dịch vụ bưu chính công ích, thanh toán không dùng tiền mặt.

- Tái cấu trúc các hệ thống thông tin điều hành phục vụ phát triển chính quyền số như hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc, các phần mềm dùng chung. Ưu tiên trước hết là tái cấu trúc các hệ thống thông tin quản lý phục vụ dùng chung toàn tỉnh có mục tiêu cụ thể như hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức; hệ thống quản lý đất đai, hệ thống thông tin quản lý của các ngành.

- Đổi mới phương thức làm việc, đánh giá kết quả thực thi công vụ trong đó quy trình số là bắt buộc, báo cáo số là hình thức phổ biến, dữ liệu số là tài liệu kiểm chứng phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá kết quả công việc. Áp dụng phổ biến phương thức chữ ký số trong quá trình chuyển đổi số.  

5. Triển khai chiến lược hình thành dữ liệu số, chuẩn hóa quy trình số và sẵn sàng cung cấp dữ liệu số

- Chuẩn hóa hệ thống các dữ liệu dùng chung theo hướng phân công rõ trách nhiệm của ngành chủ trì và dữ liệu được lưu trữ tập trung ngay từ đầu tại hạ tầng dùng chung của tỉnh và chia sẻ cho các hệ thống thông tin khác và dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ của tỉnh (LGSP).

- Dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban, ngành được số hóa, chuyển đổi có cấu trúc theo danh mục dữ liệu cấp tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kết hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành theo quan điểm số hóa dữ liệu đi trước, có trước làm cơ sở để quyết định có các nội dung tiếp theo trong quy trình chuyển đổi số.

- Thay đổi phương thức điều tra, khảo sát xã hội theo hướng dữ liệu số đi trước. Tất cả các hoạt động điều tra, khảo sát số liệu đều thực hiện bằng hình thức eForm (biểu mẫu điện tử) và dữ liệu số thông qua hệ thống dùng chung của tỉnh.

- Tận dụng tối đa nguồn lực của doanh nghiệp và người dân trong quá trình ứng dụng công nghệ số, ưu tiên tích hợp các tiện ích trong Hue-S để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia cung cấp dữ liệu số, làm giàu, làm mới dữ liệu số.

- Triển khai nền tảng LGSP trong việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu thống nhất trên toàn tỉnh. Kết nối, liên thông dữ liệu với các hệ thống Bộ, ngành Trung ương. Triển khai Cổng dữ liệu mở chia sẻ phục vụ cho nhà nước, danh nghiệp phát triển công nghệ, dịch vụ số phục vụ chuyển đổi số.

- Đổi mới phương thức, hoạt động kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra kết quả thực hiện công việc được thực hiện trên dữ liệu số thông qua các nền tảng số.

6. Thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số

- Nâng cấp nền tảng Hue-S theo hướng cung cấp toàn diện các dịch vụ số của cơ quan nhà nước cho doanh nghiệp và người dân; Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích hợp dịch vụ số cho người dân, xã hội nhằm thúc đẩy hình thành xã hội số; Các tiện tích mua sắm thanh toán hàng hóa, dịch vụ thanh toán trực tuyến để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện các giải pháp kết nối hỗ trợ trong công tác phòng chống thiên tai, bão lụt và dịch bệnh.

- Tập trung nguồn lực xây dựng phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số, nhân lực số. Xây dựng, ban hành các chính sách thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp số tạo động lực phát triển các sản phẩm, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Triển khai có hiệu quả các chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhằm tối ưu hoạt động doanh nghiệp, đa dạng hóa về dịch vụ số được cung cấp từ các doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh phát triển, tích hợp triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt triển khai các giải pháp Mobile Money cho các đối tượng khó tiếp cận công nghệ, vùng xa, vùng sâu. Sớm hình thành phương thức và văn hóa tiêu dùng mới trong xã hội.

- Triển khai sàn thương mại điện tử theo hướng khai thác sử dụng nền tảng công nghệ quốc gia được công bố trong đó chú trọng đến hai sàn thương mại điện tử là “Voso.vn” và “Postmart.vn”. Tạo điều kiện phát triển mạnh dịch vụ Bưu chính số trong logistics và thương mại điện tử.

- Ưu tiên tập trung phát triển xã hội số trong các lĩnh vực trọng điểm như: Thông tin và truyền thông; Văn hóa, Y tế, Giáo dục, Du lịch, Nông nghiệp nông thôn, Giao thông, Khoa học và công nghệ. Khuyến khích các ngành chủ động tranh thủ nguồn lực từ các Bộ ngành, Trung ương và xã hội hóa trong công tác chuyển đổi số hình thành xã hội số trong các ngành, lĩnh vực quản lý.

7. Phát triển nguồn nhân lực số

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng và đảm bảo mục tiêu 100% cơ quan, đơn vị, địa phương có bố trí nhân lực chuyên trách chuyển đổi số, an toàn thông tin. Thường xuyên quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ nhân sự này.

- Đại học Huế, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo phối kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đổi mới, đa dạng và linh động triển khai các chương trình phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển các doanh nghiệp số, chuyển đổi số của doanh nghiệp, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Xây dựng các chính sách, chương trình đãi ngộ để thu hút các chuyên gia, nhân sự cao cấp tham gia vào hoạt động chuyển đổi số của tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch đưa chương trình chuyển đổi số vào đào tạo về kiến thức, kỹ năng số cho học sinh các cấp học.

8. Phát triển dịch vụ đô thị thông minh

- Xây dựng và phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) dùng chung phục vụ cho bài toán phân tích dữ liệu số.

- Triển khai hệ thống thu thập dữ liệu IoT tập trung, toàn diện từ đó triển khai các bài toán phân tích chia sẻ cho các ngành, các cấp nhằm tối ưu hệ thống và sử dụng dùng chung thống nhất.

- Đầu tư giải pháp dữ liệu lớn tại Trung tâm hạ tầng dùng chung của tỉnh phục vụ cho việc phân tích dữ liệu các sở, ban, ngành, hình thành các báo cáo số và hỗ trợ phát triển các giải pháp dịch vụ đô thị thông minh.

- Hình thành nền tảng điều hành thông tin minh theo hướng tích hợp kết quả chuyển đổi số các ngành, phát triển tích hợp các dịch vụ có sử dụng các công nghệ thông minh như AI, IoT, BigData,... phục vụ cho hoạt động chính quyền số, kết nối với doanh nghiệp và người dân.

- Phát triển mạng lưới đường dây nóng 19001075 trên nền tảng viễn thông đến tận cấp xã, phường, thị trấn. Áp dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ và ngày càng mở rộng trong các lĩnh vực hướng đến thay thế dần cho nhân sự trực tiếp vận hành.

- Nghiên cứu và áp dụng giải pháp chuỗi khối (Blockchain) cho các nền tảng số, bài toán quản lý phù hợp với nhu cầu, cấp thiết và đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

- Xây dựng, triển khai Đề án xây dựng chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

9. Đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số

- Hình thành Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) trực thuộc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đảm bảo theo tiêu chí chuyển đổi số. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức an toàn thông tin của Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho chuyển đổi số.

- Tập trung hoàn thiện xác thực định danh công dân khi tham gia vào các nền tảng số đảm bảo theo quy định của Chính phủ. Quy định bắt buộc áp dụng chữ ký số trong việc luân chuyển, trao đổi dữ liệu số của cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng trong các giao dịch số.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin: hệ thống phòng chống virus tập trung, phòng chống mã độc, mô hình bảo đảm an toàn thông tin mạng 4 lớp. Định kỳ tổ chức đánh giá mức độ an toàn thông tin cho các nền tảng số của tỉnh.

- Tổ chức triển khai toàn diện các các giải pháp, ứng dụng quốc gia về an toàn thông tin cho cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Nội dung chi tiết có file đính kèm

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.017.938
Đang truy cập: 2.273