Tìm kiếm

Liên kết website
Chính phủ
Bộ, ngành, Trung ương
Sở ban ngành
Báo chí
Giải trí

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017
Ngày cập nhật 16/01/2017

Sáng ngày 13/1/2016, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017 tại 63 điểm cầu trên toàn quốc. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, các Thứ trưởng: Nguyễn Trọng Đàm, Đào Hồng Lan cùng các đồng chí Nguyên là Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội. Về dự trực tuyến tại các điểm cầu địa phương có Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố, các Sở, ban ngành liên quan.

Bàn chủ toạ Hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho các năm tiếp theo để hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm. Chính vì vậy, Hội nghị sẽ tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu năm 2016 để thảo luận, đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2017 và cả giai đoạn tiếp theo.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong năm 2016, toàn Ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác tạo việc làm, giảm nghèo; chăm sóc người có công, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội. Việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động được tiến hành với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn. Công tác bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, thách thức như: Chất lượng dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác dạy nghề ở nông thôn chưa thực sự có hiệu quả; Đời sống của người lao động, nhất là hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn; Tệ nạn ma túy, mại dâm ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị: (1) Nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá các kết quả đạt được trong năm 2016, phân tích những tồn tại hạn chế, làm rõ những nguyên nhân và bàn các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để triển khai nhiệm vụ năm 2017 một cách có hiệu quả và đồng bộ; (2) Tập trung tham gia bàn các giải pháp mang tính đột phá để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực người có công với cách mạng; vấn để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện chính sách về lao động; vấn đề giải quyết việc làm trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới công tác quản lý, cai nghiện ma túy...

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2016, Bộ đã xây dựng, trình Quốc hội Khoá XIII thông qua Luật Trẻ em tại Kỳ họp thứ XI; tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật, Pháp lệnh được thông qua tại các Kỳ họp của Quốc hội Khoá XIII; trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 Quyết định. Ban hành và phối hợp ban hành theo thẩm quyền 32 Thông tư và Thông tư liên tịch thuộc các lĩnh vực Bộ được phân công quản lý nhà nước.

Cũng trong năm 2016, Bộ đã thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội và đạt được các kết quả nhất định như sau:

Về lĩnh vực Lao động – Việc làm: Bộ đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  xây dựng Đề án “Xác định thiệt hại, hỗ trợ khắc phục hậu quả và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế”; Tập trung thực hiện các giải pháp ổn định, phát triển thị trường xuất khẩu lao động. Kết quả, cả nước tạo việc làm cho khoảng 1.641 nghìn người, đạt 102,5% kế hoạch; trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1.515 nghìn người, đạt 101% kế hoạch, xuất khẩu lao động trên 126 nghìn người, đạt 126% kế hoạch; Tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị là 3,18%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động. Theo kết quả điều tra tình hình lao động, tiền lương năm 2016 tại 200 doanh nghiệp: thu nhập bình quân/tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đạt 6,03 triệu đồng, tăng 5,4% so với năm 2015 (trong đó doanh nghiệp nhà nước đạt 7,75 triệu đồng, tăng 2,78% so với năm 2015; doanh nghiệp FDI đạt 5,7 triệu đồng, tăng 6,74% so với năm 2015; doanh nghiệp dân doanh đạt 6,04 triệu đồng tăng 7,86% so với năm 2015...) góp phần cải thiện thu nhập, đời sống của người lao động.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan trình bày báo cáo tại Hội nghị 

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, Ngành LĐ-TBXH đã thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện đào tạo dạy nghề gắn với thị trường lao động, phát triển hình thức hợp đồng đào tạo nghề với các doanh nghiệp, tổ chức đào tạo theo địa chỉ, yêu cầu của doanh nghiệp..., tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực... Kết quả, tuyển sinh dạy nghề trên 1,97 triệu người (đạt 91,8% kế hoạch năm). Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 53% (trong đó có bằng cấp/chứng chỉ đạt 21%).

Về lĩnh vực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Ngành LĐ-TBXH đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; thí điểm thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện tại 02 tỉnh Quảng Nam, Đồng Nai; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xác nhận và giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công. Đặc biệt, qua kết quả tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015, Bộ đã xác định mục tiêu ưu tiên tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, nhất là đối với các trường hợp không còn giấy tờ. Bộ đã xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng và tổ chức thực hiện thí điểm tại 5 địa phương (Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An)... Kết quả, cuối năm 2016 có 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.

Về lĩnh vực giảm nghèo, Bộ đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng 1,3 - 1,5% so với cuối năm 2015 (còn khoảng 8,58 - 8,38%); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 4% (còn khoảng 46,4%), đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Các đại biểu tham dự Hội nghị 

Đẩy mạnh công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, Bộ đã trình Quốc hội thông qua Luật Trẻ em; triển khai đồng bộ các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho giai đoạn 2016 - 2020; trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội thực hiện toàn diện quyền trẻ em; tổ chức thực hiện phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Kết quả, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm xuống còn 5,5% trên tổng số trẻ em; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; 86% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp.

Thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội, cụ thể là, trên 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí gần 15.000 tỷ đồng. Theo dõi, nắm sát tình hình thiệt hại do rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Bộ; sự cố môi trường biển tại một số tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ để có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng; Triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2025 (cả nước hiện có 413 cơ sở trợ giúp xã hội, gồm: 195 cơ sở công lập và 218 cơ sở ngoài công lập).

Kết quả thực hiện bình đẳng giới trên hầu hết các lĩnh vực đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận: Theo thông báo kết quả bầu cử tại Đại hội Đảng lần thứ XII, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có 20 đồng chí nữ, chiếm tỷ lệ 10%; báo cáo kết quả đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho thấy số cấp ủy viên là nữ có 58.646 đồng chí, chiếm 19,69%; số nữ Đại biểu Quốc hội là 133 người, chiếm 26,8% tổng số Đại biểu Quốc hội...; trên 46% lao động nữ được học nghề theo chính sách của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trên 40% lao động nữ được giải quyết việc làm...

Về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ đã triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đồng thời, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện; Chú trọng và đa dạng các phương thức, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy; Triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020; Thực hiện các giải pháp quản lý địa bàn, hạn chế tệ nạn mại dâm; Tăng cường hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; Tư vấn trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ giáo dục, dạy nghề; Tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những thành tích của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thời gian qua, góp phần cùng cả nước khắc phục khó khăn, thách thức và đạt được mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Các nhiệm vụ về dạy nghề, phát triển phát triển thị trường lao động, tiền lương, cải thiện quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chăm sóc người có công, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được triển khai đồng bộ và đạt được kết quả tích cực, có nhiều tiến bộ so với năm trước.

Năm 2017, Ngành LĐ-TBXH cần tập trung triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Cụ thể:

Về công tác lao động và việc làm, Ngành cần nắm rõ thực trạng dữ liệu cung – cầu thị trường lao động, nâng cao hiệu quả của các Trung tâm dịch vụ việc làm gắn với doanh nghiệp, làm tốt vai trò đầu mối trong kết nối thị trường lao động; Kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các tỉnh có nguồn lao động lớn; Nghiêm khắc chấn chỉnh các hoạt động vi phạm pháp luật trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; Triển khai quyết liệt hơn công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, Ngành LĐ-TBXH cần tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề và có những giải pháp thiết thực, cụ thể để đổi mới công tác này. 

Về công tác Người có công, năm 2017 là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, toàn Ngành cần tập trung giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công; Thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiến độ Đề án xác nhận danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; hỗ trợ nhà ở cho người có công.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu toàn Ngành cần triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công, đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện; Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tập trung nguồn lực tại những vùng khó khăn nhất, nghèo nhất để giảm nghèo bền vững; Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tập trung thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em, đặc biệt, Ngành LĐ-TBXH cần vào cuộc để góp phần nâng cao tầm vóc, thể chất trẻ em Việt Nam. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục Lao động xã hội (Trung tâm 06) thành các cơ sở cai nghiện. Đặc biệt, cần tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý người nghiện và sau cai nghiện ma túy, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các tổ chức Hội, đoàn thể, doanh nghiệp trong thực hiện hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em và đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang đến gần, Phó Thủ tướng yêu cầu toàn Ngành LĐ-THXH và các địa phương cần tập trung làm tốt công tác chăm lo Tết cho các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ, hộ nghèo trên địa bàn.

Kết luận Hội nghị, thay mặt Ngành LĐ-TBXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Về nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, từng cán bộ, công chức trong Ngành với tinh thần chủ động, sáng tạo và hiệu quả, cần nỗ lực nhiều hơn, phấn đấu cao hơn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Đặc biệt là thực hiện tốt chủ đề Năm Đền ơn đáp nghĩa với 3 khâu đột phá cơ bản: (1) Thực hiện giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng về thương binh, liệt sỹ, hỗ trợ nhà ở cho người có công, tổ chức tốt kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7; (2) Đột phá mạnh mẽ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, giảm nghèo, lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội. (3) Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, hành lang pháp lý và cải cách hành chính, ứng dựng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Phấn đấu là một trong những Bộ đi đầu về cải cách hành chính và ứng dựng công nghệ thông tin.

Nhân dịp này, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho bà Phạm Thị Hải Chuyền – Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH và ông Huỳnh Văn Tí – Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH; Tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 47 địa phương, đơn vị; Tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho 54 địa phương, đơn vị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền....

... Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí; Huân chương Lao động hạng Nhất cho Thứ trưởng Phạm Minh Huân

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao đổi cùng các đồng chí Lãnh đạo và Nguyên Lãnh đạo Bộ về công tác của Ngành LĐ-TBXH bên lề Hội nghị 

Chỉ tiêu chủ yếu của Ngành LĐ-TBXH năm 2017:

1. Chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao

(1) Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

(2) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 22,5%).

(3) Giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 từ 1,0 - 1,5%, trong đó các huyện nghèo giảm 4%.

2. Chỉ tiêu kế hoạch Ngành

(1) Giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người lao động, trong đó: (i) Tạo việc làm trong nước cho 1,495 triệu người; (ii) Số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 105 nghìn người. Tỷ lệ tạo việc làm mỗi giới trong tổng số lao động được tạo việc làm đạt tối thiểu 40%.

(2) Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 25 - 27%.

(3) Giáo dục nghề nghiệp:

- Tuyển sinh khoảng 2,44 triệu người, trong đó: Trình độ trung cấp và cao đẳng là 540 nghìn người; trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 1.900 nghìn người (hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg cho 600 nghìn người; trong đó, hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 20 nghìn người khuyết tật).

- Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo đạt 2.169 nghìn người, trong đó: Cao đẳng, trung cấp khoảng 469 nghìn người; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 1.700 nghìn người.

(4) 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 98,5% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.

(5) 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 82% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ xã hội.

(6) 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; 82% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

(7) Phòng, chống tệ nạn xã hội:

- Tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 78%; tỷ lệ điều trị bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện giảm còn 14%.

- Số người bán dâm được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội khoảng 15.000 lượt người; hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 5.000 người.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.001.090
Đang truy cập: 466