Thừa Thiên Huế với công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, giai đoạn 2017 – 2018
Lượt đọc 20048Ngày cập nhật 21/12/2018

Theo thống kê, hiện cả nước còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia. Ngoài ra, có trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin. Như vậy, tổng số liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hơn 500.000. Hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin có 2 dạng: thiếu hoàn toàn (liệt sĩ chưa biết tên); thiếu một phần, chỉ có quê, chỉ có đơn vị hoặc chỉ còn tên mà không có bất kỳ thông tin nào khác. để sớm trả lại tên cho các anh, ngày 14/1/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150).

Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-BCĐ150 ngày 17/3/2014 của Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về việc triển khai thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đẩy mạnh hoạt động xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên cơ sở khớp nối thông tin hồ sơ liệt sĩ, thông tin tìm kiếm, quy tập; thông tin của đồng đội liệt sĩ, của người dân và chính quyền địa phương nơi liệt sĩ chiến đấu và hy sinh. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt sâu sắc Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị và những nội dung cơ bản của Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo cho cán bộ, đơn vị và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong tổ chức thực hiện.

- Công tác tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được đẩy mạnh bằng phương pháp thực chứng như thông qua thông tin về đồng đội, đơn vị và thân nhân, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ban liên lạc truyền thống các đơn vị, nhất là Hội Cựu Chiến binh các địa phương đã cung cấp các thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ với nghĩa cử cao đẹp, thiện nguyện, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

- Chủ động khai thác, kết nối, xử lý các nguồn tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức các nhóm đi xác minh, đối chiếu danh sách hồ sơ liệt sĩ, phân tích, kết luận số liệu chưa khớp nối, chồng chéo.

+ Tổng hợp, phân tách danh sách liệt sĩ theo quê quán, địa bàn hy sinh, nơi an táng ban đầu, từng bước hoàn thiện danh sách liệt sĩ cung cấp cho các đơn vị, địa phương để đối chiếu, rà soát, phục vụ cho công tác lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Kết quả cụ thể:

Công tác điều tra về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ:

Thực hiện Kế hoạch số 2391/KH-TTLS ngày 30/11/2015 của Cục Người có công về hướng dẫn triển khai phương án điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ

Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng Kế hoạch, tổ chức tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của công tác điều tra về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đến tận các địa phương trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn về nghiệp vụ điều tra cho cán bộ cơ sở và điều tra viên. Từ cơ sở phiếu điều tra, Sở đã tổ chức rà soát gần 19.000 hồ sơ liệt sĩ đang lưu trữ tại Sở để đối chiếu, bổ sung thông tin trên phiếu điều tra

Kết quả như sau: Tổng số phiếu điều tra trên địa bản toàn tỉnh là 35.032 phiếu. Trong đó:

- Phiếu điều tra thông tin nghĩa trang liệt sĩ:                 63 phiếu

- Phiếu điều tra thông tin mộ liệt sĩ:                          18.070 phiếu

- Phiếu điều tra thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ:      16.899 phiếu

Riêng kết quả điều tra số mộ liệt sĩ:       18.070 mộ

+ Số mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin:       23 mộ, chiếm tỷ lệ 0,13%

+ Số mộ liệt sĩ có một phần thông tin:   5.408 mộ, chiếm tỷ lệ 29,93%

+ Số mộ liệt sĩ không có thông tin:       12.633 mộ, chiếm tỷ lệ 69,91%

Xác định việc hoàn thiện hệ thống quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ là nội dung quan trọng của Đề án, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã hướng dẫn Phòng LĐTBXH các huyện, thị xã và thành phố Huế phối hợp với Bưu điện để triển khai thực hiện Đề án cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Đã tiến hành rà soát, kiểm tra thông tin mộ tại các NTLS và chụp ảnh, cập nhật thông tin tại 63 NTLS trên địa bàn với tổng số 18.013 mộ.

Hàng năm, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tiếp đón chu đáo các đối tượng thân nhân liệt sĩ các tỉnh thành trong cả nước đến thăm viếng mộ liệt sĩ, thực hiện các thủ tục giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh về quê. Từ năm 2017 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã đón tiếp khoảng 8.000 lượt người đến thăm viếng mộ liệt sĩ và thực hiện các thủ tục liên quan.

Công tác lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ; tổ chức giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ

- Khi tìm kiếm có mộ liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tổ chức lấy mẫu sinh phẩm để phục vụ công tác giám định ADN xác định danh tính của liệt sĩ theo quy định; tiến hành bàn giao làm lễ an táng trang nghiêm, chu đáo.

- Các mộ liệt sĩ quy tập trước đây, từ năm 2016 đến nay đã tiến hành khai quật mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ như (Nghĩa trang liệt sĩ huyện A Lưới, thị xã Hương Thủy, xã Hương Điền huyện Phong Điền, Lộc Thủy huyện Phú Lộc và Quảng Thọ huyện Quảng Điền) để lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ, kết quả :

*  Tổng số mộ đã được khai quật là: 4.615 mộ

+  Mẫu có khả năng giám định gen là: 1.692 mộ (Đã gửi đi giám định)

+  Mẫu quá xấu là: 2.170 mộ

+  Không có mẫu (phần hài cốt đã bị phân hủy) là: 483 mộ.

- Bên cạnh đó đã giải mã phiên hiệu đơn vị, trận đánh ngày 17/7/1969 của K12 Đặc công Quân khu Trị Thiên, thông báo về các địa phương có liệt sĩ trong toàn quốc có liệt sĩ hy sinh tại trận đánh này, cùng với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lập hồ sơ thủ tục đề nghị giám định 17 mẫu phẩm ADN trả lại danh tính cho các liệt sĩ.

- Tính từ năm 2017 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận và thực hiện:

Đề nghị Cục Người có công cho lấy mẫu sinh phẩm đề nghị giám định AND

35

Thông báo cho thân nhân liệt sĩ lấy mẫu sinh phẩm đề nghị giám định AND

35

Gửi mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ đề nghị Cục Người có công giám định AND

2978

Công tác đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh của các liệt sĩ hy sinh cũng như phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ để xác minh thông tin liệt sĩ. Đặc biệt Sở đã phối hợp với các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của các tỉnh, thành trong cả nước trong việc xác minh hồ sơ liệt sĩ để làm căn cứ đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ. Trong năm 2017 đến nay, Sở đã xác minh và đã điều chỉnh 20 thông tin trên bia mộ liệt sĩ.

Công tác bảo đảm cho nhiệm vụ xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

- Trên cơ sở các phần mộ liệt sĩ đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn và một số mộ mới quy tập, căn cứ vào các quy định và hồ sơ kết nối thông tin giải mã phiên hiệu đơn vị, cơ quan quân sự các cấp đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các cơ quan liên quan lập hồ sơ bàn giao đảm bảo đúng và độ chính xác cao cho việc lấy mẫu sinh phẩm xác định hài cốt còn thiếu thông tin.

Một số hạn chế, khó khăn và nguyên nhân

Công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện với hai hình thức là phân tích ADN và phương pháp thực chứng. Cụ thể, phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối các thông tin từ các hồ sơ lưu trữ về liệt sĩ đang quản lý. Trong khi đó việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ có nơi không đầy đủ; so sánh danh sách liệt sĩ, mộ liệt sĩ do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ CHQS tỉnh quản lý với danh sách do các huyện, thị, thành phố báo cáo còn có sự chưa trùng khớp nên việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin gặp nhiều khó khăn.

 Ở một số địa phương, việc nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xác định thông tin hài cốt liệt sĩ còn hạn chế.

Số lượng hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin còn khá lớn, thời gian hy sinh khá lâu, nhiều hài cốt đã bị phân hủy ở mức độ rất cao nên khó khăn trong quá trình lấy mẫu sinh phẩm để phân tích, giám định ADN. Cùng với đó, đối tượng lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ để đối chứng tuổi cao, sức yếu, không ít trường hợp đã mất; nhiều nhân chứng có thể cung cấp thông tin về danh tính liệt sĩ nay cũng già yếu, trí nhớ giảm sút hoặc đã mất.

 Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ mộ liệt sĩ, thông tin về liệt sĩ còn hạn chế.

 Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương; cấp ủy, chỉ huy đơn vị về chủ trương mới trong nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin chưa đầy đủ, do đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án có lúc, có nơi, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế.

Việc tham mưu, đề xuất của cơ quan chuyên môn, cán bộ chuyên trách có việc, có nội dung chưa sâu sát, chưa quyết liệt.

Sự phối hợp của các ngành, các địa phương có lúc chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Nguyễn Văn Anh
    Email   In