Tìm kiếm
THỪA THIÊN HUẾ VỚI CÔNG TÁC ỨNG PHÓ, HỖ TRỢ NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG BỐI CẢNH PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19
Ngày cập nhật 23/04/2020

Tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 31.000 NKT, trong đó có 24.171 NKT nặng, đặc biệt nặng; gần 1.000 NKT được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; hơn 4.000 gia đình, cá nhân đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng NKT đặc biệt nặng. Đa phần, NKT gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ, chăm sóc bản thân, tiếp cận thông tin.

Đại dịch Covid-19 đến nay tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có người khuyết tật (NKT).

Với NKT, việc quan trọng nhất là làm sao để họ tiếp cận thông tin, biết cách tự chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân, ổn định đời sống theo khuyến cáo của ngành y tế và các ngành chức năng trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay. Vì vậy, việc cung cấp thông tin kịp thời, sâu rộng, hướng dẫn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và đời sống là những giải pháp cần thiết giúp bảo vệ NKT, những người vốn yếu thế trong xã hội.

 

Trên tinh thần đó, để không ai bị bỏ lại phía sau trong “cuộc chiến” chống lại dịch bệnh Covid-19,  ngoài những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ cho hàng triệu người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra trong cả nước thì Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những cách làm riêng mang tính chủ động, ứng phó và hỗ trợ NKT, cụ thể:

1. Về công tác, chỉ đạo điều hành: Sở đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Bộ phận thường trực phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm có 18 đồng chí là cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của Sở và Bộ bộ phận thường trực gồm 7 đồng chí là những cán bộ trẻ, năng động của Sở. Với việc thành lập Ban Chỉ đạo và Bộ phận thường trực, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế sẽ chủ động hơn trong việc chỉ đạo, điều hành ứng phó phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi các Sở, ngành liên quan cử thành viên tham gia Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc giải quyết hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập.

2. Về công tác truyền thông, thông tin: Sở đã in 6.000 poster tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 để cấp phát cho UBND cấp xã, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ sở trợ giúp xã hội và các đơn vị liên quan khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, luôn cập nhật tình hình, diễn biến phòng, chống dịch Covid-19 của ngành trên trang thông tin điện tử của Sở tại https://sldtbxh.thuathienhue.gov.vn/.

Thường xuyên giữ mối liên hệ với Hội người khuyết tật, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi để nắm bắt tình hình và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời khi những đối tượng yếu thế này cần.

3. Để chủ động và quyết liệt hơn trong công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở trợ giúp xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản đề nghị các cơ sở trợ giúp xã hội có chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai, thực hiện một số nội dung như:

- Trang bị những vật dụng như xà phòng, chất khử trùng, thiết bị y tế cần thiết… để sử dụng trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19;

-  Duy trì thường xuyên vệ sinh môi trường, phòng ở, phòng ăn, phòng sinh hoạt sạch sẽ, thường xuyên lau nền nhà và khử trùng các bề mặt đồ vật tại cơ sở bằng chất tẩy rửa như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác; nhắc nhở người được chăm sóc, nuôi dưỡng rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng; hướng dẫn đối tượng đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có biểu hiện sốt, ho;

-  Chăm lo bảo vệ sức khỏe, đảm bảo điều kiện sinh hoạt và các bữa ăn trong ngày đủ chất dinh dưỡng cho người được chăm sóc, nuôi dưỡng; tăng cường các hoạt động nâng cao sức khỏe, thể lực..., không để lây nhiễm cho người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng và đội ngũ cán bộ, nhân viên tại cơ sở. Không tổ chức các hoạt động đông người dưới bất cứ hình thức nào tại cơ sở trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hạn chế tối đa người đang được chăm sóc di chuyển ra vào cơ sở (trừ những trường hợp khẩn cấp). Cẩn trọng trong việc tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tại cơ sở nếu không nắm rõ về tình hình sức khỏe của đối tượng;

- Quản lý, theo dõi mọi hoạt động, sức khỏe của cán bộ, nhân viên và đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở. Có phương án sắp xếp, bố trí phòng ở, trang thiết bị cần thiết tại cơ sở để thực hiện cách ly tạm thời đối với những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc có tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm (F1, F2, F3,…). Đồng thời báo cơ sở y tế gần nhất để thực hiện các biện pháp cách ly và điều trị theo quy định của ngành y tế;

- Tạm ngừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đưa đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở kể từ ngày 19/3/2020;

-  Khuyến cáo cán bộ, nhân viên tại cơ sở không đi nước ngoài, nhất là đến các vùng đang có dịch (đối với cơ sở có các hợp phần tài trợ từ dự án phi chính phủ nước ngoài); thực hiện đồng bộ các hoạt động để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh;

- Không đón tiếp các tổ chức, cá nhân, người ngoài, gia đình đối tượng đến thăm, tặng quà tại cơ sở trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, phòng chống dịch Covid-19;

- Tải ứng dụng khai báo y tế để khai báo thông tin sức khỏe hiện tại của cán bộ, nhân viên và người được chăm sóc tại cơ sở với mục đích cung cấp thông tin hai chiều giữa người dân với cơ quan y tế nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ nguồn hỗ trợ của Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (trước đây là Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng – đơn vị đang phối hợp với Ban quản lý dự án hỗ trợ người khuyết tật tỉnh thực hiện Dự án Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật giai đoạn 2018-2021 tại tỉnh Thừa Thiên Huế), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Người khuyết tật tỉnh đã cấp phát 800 chai dung dịch nước rửa tay sát khuẩn (100ml/chai) cho các cơ sở trợ giúp xã hội có chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, Hội Người khuyết tật cấp huyện để đối tượng, hội viên người khuyết tật rửa tay hàng ngày trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hiện nay, Ban quản lý dự án đã có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh về việc tiếp nhận nguồn hỗ trợ gạo của Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng nhằm hỗ trợ cho 300 hộ gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn (như hộ nghèo, thiếu lương thực, có nhiều người khuyết tật…), bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi UBND tỉnh có chỉ đạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương rà soát, tổng hợp danh sách, số lượng hộ gia đình hỗ trợ theo yêu cầu và tổ chức triển khai hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Với những biện pháp, cách làm kịp thời, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế hy vọng cùng NKT trên địa bàn tỉnh vượt qua đại dịch Covid-19 này./.

Nguyễn Văn Anh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.001.090
Đang truy cập: 1.264