Tìm kiếm
Hiệu quả từ mô hình phân công giúp đỡ xã nghèo ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới
Ngày cập nhật 18/05/2017
Tỉnh Đoàn phát động hỗ trợ giúp đỡ xã A Roàng

Nam Đông và A Lưới là hai huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cũng như công tác đối ngoại. Địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều cùng điểm xuất phát thấp, yếu tố lịch sử để lại... là những trở ngại của đồng bào các dân tộc sinh sống trên dọc dài của tỉnh. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và chính sự nỗ lực của mỗi người dân, bộ mặt của các xã ở vùng cao hai huyện này đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, để các địa phương này phát triển bền vững cần có những chính sách, cách làm hiệu quả.

Theo báo cáo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 của tỉnh Thừa Thiên Huế, tỷ lệ hộ nghèo của hai huyện này rất cao, lần lượt là 12,17% ở Nam Đông và 29,71% ở A Lưới. Đặc biệt, có đến 19 xã ở hai huyện này có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25%. Đây là thách thức không nhỏ đối với các cấp, các ngành ở hai địa phương này trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh nhà. Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngày 27/10/2016 Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ năm (khoá XV) họp và thông qua Nghị quyết số 04-NQ/TU về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đề ra giải pháp “Phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị giúp đỡ các hộ nghèo, xã nghèo” và từ đó ngày 25/01/2017, Kế hoạch số 16/KH-UBND về phân công 57 sở, ban, ngành đoàn thể, trường học giúp đỡ 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% ở hai  huyện A Lưới và Nam Đông giai đoạn 2016-2020 ra đời (gọi tắt là Kế hoạch 16). Tuy chỉ mới đi vào cuộc sống gần 4 tháng nhưng tinh thần của Kế hoạch 16 đã lan tỏa khắp các sở, ban, ngành đoàn thể, trường học và đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở hai huyện Nam Đông và A Lưới. Kết quả của Kế hoạch 16 bước đầu cho thấy đã có 30/57 cơ quan, đơn vị có những hoạt động giúp đỡ 10/19 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25%  với các công trình, phần việc sáng tạo, thiết thực và hiệu quả.

Điển hình như: Nhóm trợ giúp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội- Trường Cao đẳng nghề số 23-BQP- CN Ngân hàng Chính sách xã hội với các hoạt động trợ giúp dưới hình thức tiểu dự án, trao quyền cho xã Thượng Long như: Giúp hỗ trợ vốn cho 15 hộ nghèo (mỗi cơ quan trong nhóm trợ giúp hỗ trợ vốn cho 5 hộ) để thực hiện mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế để nâng cao thu nhập, hướng đến thoát nghèo bền vững (vốn sẽ được hộ nghèo sử dụng và hoàn trả dần trong thời hạn 2 đến 3 năm, sau đó sẽ luân chuyển cho hộ nghèo khác có nhu cầu). Mức hỗ trợ dự kiến: 10.000.000đồng/hộ nghèo. Điều kiện hộ phải có chuồng trại nếu chăn nuôi, hộ trồng trọt phải có đất sản xuất; Giúp hỗ trợ có điều kiện cho 9 hộ nghèo (mỗi cơ quan trong nhóm trợ giúp hỗ trợ vốn cho 3 hộ) xây dựng 9 nhà vệ sinh (ưu tiên hộ nghèo có tổng điểm B1 trên 120 điểm, có thiếu hụt về chiều tiếp cận vệ sinh); hộ nghèo thuộc gia đình chính sách có công; hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội. Mức hỗ trợ dự kiến: 5.000.000 đồng/hộ nghèo, trong đó nhóm trợ giúp hỗ trợ 70%, hộ nghèo đóng góp 30%; Vận động các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ “vốn khởi nghiệp” cho 5 lao động ở xã Thượng Long, sau khi được đào tạo nghề, cam kết tự tạo việc làm nhưng thiếu vốn, để người lao động có điều kiện tự tổ chức, tự hoạt động tạo ra thu nhập để thoát nghèo bền vững. Mức hỗ trợ dự kiến: 7.000.000đồng/một lao động thuộc nghèo, trong đó nhóm trợ giúp hỗ trợ 70%, hộ nghèo có lao động được hỗ trợ đóng góp 30%;

Nhóm trợ giúp Sở Nội vụ-Ban Dân tộc-Cục thuế tỉnh với các hoạt động: “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của xã, kĩ năng làm việc, kĩ năng sử dụng máy vi tính và các kĩ năng khác; Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và các điều kiện khác để bà con tham gia sản xuất, ổn định cuộc sống” cho xã Hồng Hạ; Nhóm trợ giúp Sở Y tế-Ngân hàng Nhà nước-Trường Cao đẳng Y tế huế với các hoạt động: Hổ trợ xây dựng hố xí hợp vệ sinh cho 25-30 hộ gia đình có khả năng thoát nghèo trong năm 2017 (danh sách hộ gia đình do UBND xã bình chọn); Tập huấn cách sử dụng, bảo quản hố xí hợp vệ sinh từ 2-3 lớp/năm; Xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Đảm bảo công tác CSSKBĐ và thẻ BHYT cho các hộ nghèo cũng như nhân dân của xã Hồng Bắc.

Đặc biệt, tỉnh Đoàn Thừa thiên Huế đã tổ chức Lễ phát động tất cả các đoàn viên thanh niên tham gia giúp đỡ xã A Roàng với các hoạt động: xây dựng hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất và nâng cao năng lực công tác;  chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế... qua đó phấn đấu: xây dựng 04-06 Nhà Nhân ái, Nhà Khăn quàng đỏ; thực hiện 05-07km công trình thanh niên “ ánh sáng nông thôn mới”; Khám và cấp phát thuốc cho 800 bà con nhân dân; thành lập mới từ 01-02 sổ tiết kiệm, vay vốn do thanh niên quản lý....

Ngoài ra còn có các Sở Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài nguyên và Môi trường với các hoạt động trợ giúp khác đầy ý nghĩa và hiệu quả. Tuy mỗi cơ quan, đơn vị có những hoạt động trợ giúp khác nhau tùy vào thế mạnh của cơ quan, đơn vị đó, nhưng tựu chung lại là làm sao giúp đỡ người nghèo, xã nghèo nơi đây sớm thoát ngèo, vươn lên ổn định và từng bước làm giàu cho bản thân mình.

Vì vậy, Kế hoạch số 16 của UBND tỉnh về phân công giúp đỡ các xã nghèo trên là một chủ trương lớn, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tấm lòng, nghĩa cử nghĩa tình, thể hiện lương tâm trách nhiệm đối với mỗi gia đình khó khăn. Đó cũng là hành động thiết thực nhằm thực hiện cụ thể hóa mục tiêu thoát nghèo, xây dựng Thừa Thiên Huế từng bước phát triển theo tinh thần Kết luận 48 của Bộ Chính trị dành cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguyễn Văn Anh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 6.993.080
Đang truy cập: 1.423