Tìm kiếm
Kết quả thực hiện Kế hoạch phân công giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% ở tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017
Ngày cập nhật 22/01/2018

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội – Cơ quan thường trực về công tác giảm nghèo bền vững của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững. 

Các cơ chế, chính sách và giải pháp về giảm nghèo bền vững của tỉnh Thừa Thiên Huế được đưa ra trong giai đoạn này đã phát huy được nội lực của người dân, được các địa phương tích cực triển khai đồng bộ, thực sự đi vào cuộc sống. Một trong những văn bản quan trọng là Nghị quyết số 04-NQ/TU về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ban hành ngày 27/10/2016 tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ năm (gọi tắt là Nghị quyết số 04) và cụ thể hóa của Nghị quyết này là Kế hoạch số 16/KH-UBND ban hành ngày 25/01/2017 của UBND tỉnh về phân công 57 sở, ban, ngành đoàn thể, trường học giúp đỡ 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% ở hai  huyện A Lưới và Nam Đông giai đoạn 2016-2020 ra đời (gọi tắt là Kế hoạch 16).

Theo báo cáo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 của tỉnh Thừa Thiên Huế, tỷ lệ hộ nghèo của hai huyện này rất cao, lần lượt là 12,17% ở Nam Đông và 29,71% ở A Lưới. Đặc biệt, có đến 19 xã ở hai huyện này có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25%. Đây là thách thức không nhỏ đối với các cấp, các ngành trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh nhà. Chính vì vậy, 2 văn bản này càng có ý nghĩa quan trọng hơn.

Tuy chỉ mới đi vào cuộc sống một năm nhưng tinh thần của Kế hoạch 16 và Nghị quyết số 04 đã lan tỏa khắp các sở, ban, ngành đoàn thể, trường học và đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở hai huyện Nam Đông và A Lưới. Kết quả của Kế hoạch 16 bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực sau:

1. Về công tác chỉ đạo, triển khai, phối hợp:  Đến nay, đã có 19/19 nhóm trợ giúp; 02 địa phương và 11 đơn vị ban hành các Kế hoạch khảo sát, kế hoạch trợ giúp các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% ở hai  huyện A Lưới và Nam Đông. Điều này có nghĩa là 57 sở, ban, ngành đoàn thể, trường học đã thực sự vào cuộc với công tác giảm nghèo bền vững theo như tinh thần của Kế hoạch 16.

2. Về kết quả đạt được, nó được thể hiện ở 3 mặt sau:

+ Về nhận thức, trách nhiệm và mối quan hệ:

 - Cơ bản đã làm chuyển biến nhận thức tự vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, giúp hộ nghèo lập kế hoạch phát triển kinh tế, tạo thu nhập và nâng cao khả năng tiếp thu, tiếp cận thông tin và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước, vốn hỗ trợ của xã hội trong công tác giảm nghèo;

- Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị Quyết số 04-NQ/TU ngày 08/11/2016 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Ban Chấp chành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế;

-  Bước đầu xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng bộ, chính quyền các cấp với người dân, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

+ Về Kết quả triển khai các hoạt động:

Sau một năm triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp, có 19/19 xã đã nhận hỗ trợ,số kinh phí vận động giúp đỡ ước khoảng 5.629.567.000 đồng.

Nguồn hỗ trợ tập trung vào các hoạt động chủ yếu sau:

- Hỗ trợ phát triển sản xuất: 1.629.865.000 đồng;

- Hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh: 430.500.000 đồng;

- Hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở: 929.177.000 đồng;

- Hỗ trợ xây dựng công trình điện thắp sáng, công trình nước, đường, cống: 464.265.000 đồng;

- Hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực, khám chữa bệnh cho người nghèo: 93.600.000 đồng;

- Quà tặng cho học sinh nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn: 1.429.600.000 đồng;

- Các hoạt động hỗ trợ khác: 517.324.000 đồng;

Từ kết quả trợ giúp cho thấy:

- Có 28,95%  nguồn lực huy động giúp hộ nghèo thực hiện các mô hình sinh kế nhỏ để cải thiện thu nhập gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập; 7,64% nguồn lực huy động giúp hộ nghèo khắc phục chiều thiếu hụt về nước sạch và vệ sinh; 16,50% nguồn lực huy động giúp hộ nghèo khắc phục chiều thiếu hụt về nhà ở; 1,66% nguồn lực huy động giúp hộ nghèo khắc phục chiều thiếu hụt về y tế;  25,39% nguồn lực huy động hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo khắc phục khó khăn trước mắt về chiều giao dục; 9,18% nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực, nhận thức để người nghèo có suy nghĩ tích cực chủ động vươn lên thoát nghèo; 8,24% nguồn lực huy động thực hiện các hình thức trợ giúp khác.

+ Về kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo:

Theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2015 theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn tỉnh có 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%.

- Đến cuối năm 2016, giảm còn 16 xã (giảm xã Hồng Thượng, A Ngo, Hương Lâm, huyện A Lưới) và đến cuối năm 2017 giảm còn 15 xã (giảm xã Hồng Hạ, huyện A Lưới).

- Tỷ lệ giảm nghèo bình quân trên 19 xã thực hiện Kế hoạch số 16/KH-UBND là 6,44% năm 2016 và 5,31% năm 2017.

Và điều quan trọng nữa là sự sáng suốt của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khi tham mưu và được Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam đồng ý về việc “để các đơn vị chưa đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” năm 2017 được giữ lại để thực hiện hỗ trợ các xã có tỷ lệ hộ nghèo theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh”, điều này sẽ giúp công tác giảm nghèo được đồng bộ qua đó nguồn lực giúp đỡ sẽ được tăng lên đáng kể.

Bên cạnh những tín hiệu vui và những mặt tích cực trên, trong quá trình thực hiện Kế hoạch 16, những mặt khó khăn, hạn chế đã bộc lộ, cụ thể:

- Một số nhóm trợ giúp còn tư tưởng “trợ giúp cho không”, chưa có những hoạt động trợ giúp mới và mang lại hiệu quả.

- Nhiều hộ nghèo được trợ  vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, thiếu động lực phấn đấu làm ăn.

- Sự phối giữa các cấp, các ngành trong công tác giúp đỡ các xã nghèo vẫn còn thiếu đồng bồ, chồng chéo.

- Một số nhóm trợ giúp chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo được quy định trong Kế hoạch 16.

Tuy mỗi cơ quan, đơn vị có những hoạt động trợ giúp khác nhau tùy vào thế mạnh của cơ quan, đơn vị đó, nhưng tựu chung lại là làm sao giúp đỡ người nghèo, xã nghèo nơi đây sớm thoát nghèo, vươn lên ổn định và từng bước làm giàu cho bản thân mình. Vì vậy, Kế hoạch số 16 của UBND tỉnh về phân công giúp đỡ các xã nghèo trên là một chủ trương lớn, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tấm lòng, nghĩa cử nghĩa tình, thể hiện lương tâm trách nhiệm đối với mỗi gia đình khó khăn. Đó cũng là hành động thiết thực nhằm thực hiện cụ thể hóa mục tiêu thoát nghèo, xây dựng Thừa Thiên Huế từng bước phát triển theo tinh thần Kết luận 48 của Bộ Chính trị dành cho tỉnh Thừa Thiên Huế./.

Nguyễn Văn Anh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.001.090
Đang truy cập: 371