Tìm kiếm
Thừa Thiên Huế với các hoạt động phát triển nghề Công tác xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua
Ngày cập nhật 30/03/2018

Nghề công tác xã hội là những hoạt động mang tính chuyên môn, đựơc thực hiện theo các nguyên tắc và phương pháp riêng nhằm hỗ trợ các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội và cộng đồng dân cư trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống; giúp các đối tượng tự vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Nghề công tác xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, can thiệp vào cuộc sống của cá nhân, nhóm đối tượng xã hội, cộng đồng và các thành phần xã hội nhằm hỗ trợ họ thay đổi, giải quyết các vấn đề và góp phần ổn định an sinh xã hội. 

 

Trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nư­ớc là tăng trư­ởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội; song song với tăng trưởng kinh tế phải tập trung cho giảm nghèo, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Do đó hệ thống luật pháp, chính sách về an sinh xã hội đã đ­ược hình thành và từng bư­ớc hoàn thiện, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối t­ượng về nuôi d­ưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hư­ớng nghiệp, dạy nghề và hoà nhập cộng đồng.

Đến nay, đối t­ượng được trợ giúp từng bư­ớc mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đặc biệt hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội (CTXH) trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng đư­ợc tăng cường. Đó là những ngư­ời làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em; trợ giúp ng­ười khuyết tật; trợ giúp các cá nhân, gia đình tan vỡ; phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; chăm sóc bệnh nhân tâm thần; chăm sóc-trợ giúp ngư­ời nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; giảm nghèo và trợ giúp ng­ười cao tuổi. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo các bậc học về CTXH đã và đang đư­ợc triển khai thực hiện ở các trường đại học và cao đẳng... Những kết quả trên cho thấy, việc phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đang đi đúng định hướng và từng bước tiếp cận với thế giới để đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng.

 

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, các hoạt động công tác xã hội mang tính từ thiện, nhân đạo theo nghĩa “lá lành đùm lá rách” đã được thực hiện từ khá lâu với sự tham gia của nhiều đoàn thể, tổ chức, tôn giáo, cá nhân và của tất cả cộng đồng. Riêng trên địa bàn thành phố Huế, ngay từ năm 1990 đã thành lập Đội Công tác xã hội để trợ giúp và cung cấp một số dịch vụ cho các nhóm yếu thế theo hướng chuyên nghiệp nhằm khơi dậy tính tự chủ, tự vươn lên của các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trước các tình huống bất khả kháng.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 phê duyệt “Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020”, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 27/8/2010 về triển khai thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh. Để tạo điều kiện cho các đối tượng xã hội được tiếp cận các dịch vụ xã hội theo một quy trình chuyên nghiệp, ngày 17/10/2011 UBND tỉnh có Quyết định số 2140/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội để phối hợp với các ngành, các địa phương từng bước thực hiện các nhiệm vụ phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nghề CTXH, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả nhất định như: phối hợp với các cơ sở giáo dục mở các lớp đào tạo nghề CTXH cho nhiều đối tượng, ở nhiều cấp học khác nhau từ Trung cấp cho đến Đại học; tập huấn, bồi dưỡng để bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ của nghề công tác xã hội cho 720 Cộng tác viên Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cho hơn 700 lược cán bộ trong ngành Lao động-TB&XH, các hội , đoàn thể có liên quan ở các cấp; thực hiện dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội cho các đối tượng qua cơ quan dịch vụ của Bưu điện cho gần 60.000 đối tượng; nâng cao năng lực về chăm sóc, nuôi dưỡng và các hoạt động dịch vụ cho 200 lượt cán bộ tại 25 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; thực hiện các hoạt động cứu trợ đột xuất cho hàng ngàn đối tượng gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Nhiều sở, ngành, hội, đoàn thể, đặc biệt là các cơ sở Trợ giúp xã hội ngoài công lập đã tranh thủ được các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để cung cấp một số dịch vụ liên quan đến nghề công tác xã hội cho đối tượng có nhu cầu. Điển hình như: Trung tâm Tịnh Trúc Gia; Cơ sở Bảo trợ xã hội Nước ngọt; Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật; Nhà Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi chùa Đức Sơn...

Quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển nghề công tác xã hội luôn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và của nhân dân. Trên cơ sở các văn bản phát triển nghề CTXH của các Bộ, ngành Trung ương như Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH, Thông tư quy định về tiêu chuẩn, nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội, Thông tư quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn...  địa phương có căn cứ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đề án 32. Nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp đối với nghề Công tác xã hội có những biến chuyển tích cực, từng bước thay đổi về mặt xã hội, tạo ra sự phát triển bền vững góp phần giải quyết vấn đề giảm nghèo, lao động, việc làm và an sinh xã hội; giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm để bản thân đối tượng, gia đình, nhóm công đồng tự vươn lên.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ như: Cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, phối hợp với các bộ, ngành trung ương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển nghề CTXH mà đặc biệt là  tham mưu, xây dựng và ban hành Luât về Công tác xã hội; Đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội thời gian qua và định hướng cho thời gian đến; Phát triển mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên CTXH trong hệ thống trường học, bệnh viện, hệ thống tư pháp; Chú trọng phát triển các dịch vụ CTXH đối với trẻ em, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần, người cao tuổi; Nghiên cứu hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo công tác xã hội theo hướng vừa đáp ứng việc hội nhập quốc tế vừa sát thực với thực tiển của Việt Nam; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nghề CTXH; Chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế phát triển nghề CTXH.

Thành công của công tác xã hội không phải chỉ cần có trình độ nghề nghiệp tốt mà quan trọng là phải có một tấm lòng. Kết quả của công tác an sinh xã hội phụ thuộc rất lớn vào công tác xã hội và những người tham gia vào công tác này, vì thế các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ quan tâm thích đáng đối với việc phát triển hệ thống tổ chức thực hiện công tác xã hội ở các cấp và những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong thời gian tới./.

 

Đinh Mẫn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 6.993.080
Đang truy cập: 911