Tìm kiếm
Nên ban hành Luật Tiền lương tối thiểu hay Luật Tiền lương?
Ngày cập nhật 05/10/2013
Ảnh minh họa

Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Tiền lương tối thiểu trong Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh nhiệm kỳ 2011-2016. Luật Tiền lương tối thiểu được ban hành sẽ điều chỉnh nội dung gì, chính sách tiền lương có được cải thiện, có giải quyết cơ bản, làm giảm bớt tình trạng đình công trong các doanh nghiệp nhiều năm qua hay không, hiệu lực, hiệu quả đến đâu, các cơ quan chức năng có thẩm quyền, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà lập pháp, các nhà khoa học và quản lí cần xem xét kĩ lưỡng, thấu đáo trước khi quyết định trình và thông qua dự án luật này.

 

Vị trí của mức lương tối thiểu trong hệ thống chế độ tiền lương.

Trong giáo trình giảng dạy cũng như thực tế thực hiện từ nhiều năm nay ở Việt Nam, kết cấu hình thành chính sách tiền lương (theo trình tự) gồm ba phần cơ bản:

Thứ nhất: Hệ thống chế độ tiền lương.   

Hệ thống chế độ tiền lương là nội dung cơ bản, quan trọng nhất của chính sách tiền lương, thể hiện quan điểm, mục tiêu, yêu cầu phát triển của quốc gia về chính sách này. Trong từng khu vực: quản lí Nhà nước, hành chính, sự nghiệp, kinh doanh, nội dung cụ thể có thể thêm, bớt khác nhau nhưng nói chung hệ thống chế độ tiền lương gồm:

- Mức lương tối thiểu. Tùy từng nước có thể qui định mức lương tối thiểu quốc gia, chung, vùng, ngành, doanh nghiệp,...

- Chế độ lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ (hoặc lương cơ bản, lương chính) gồm: thang lương, bảng lương, mức lương, phụ thuộc vào các yếu tố thường xuyên do yêu cầu của công việc, chức vụ quyết định (mức độ phức tạp; hao phí lao động; điều kiện lao động; trách nhiệm của công việc, chức vụ; chính sách ưu đãi, khuyến khích theo ngành, nghề,v.v).

- Chế độ phụ cấp lương, nhằm bổ sung các yếu tố không thường xuyên mà lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ chưa tính hết được, hoặc vì tính hiệu quả của tổ chức tiền lương mà qui định các loại phụ cấp.

- Chế độ nâng bậc, ngạch lương và đi liền đó là tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân, tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên môn, nghiệp vụ trong doanh nghiệp, hoặc chức danh, tiêu chuẩn công chức, viên chức nhà nước.

- Chế độ tiền lương làm thêm giờ.   

- Chế độ tiền lương làm việc vào ban đêm.

- Chế độ tiền lương ngừng việc.

- Chế độ tiền lương ngày nghỉ hàng năm (nghỉ phép), nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ được hưởng lương ( nghỉ việc riêng: cưới, tang lễ cha, mẹ, vợ, con),...

- Chế độ tiền lương được cử đi học tập, bồi dưỡng tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, điều động, biệt phái.

- Chế độ tiền lương bị tạm giam, tạm giữ.

- Chế độ tiền thưởng từ quỹ tiền lương (có trong một số ngành, nghề, công việc đòi hỏi an toàn rất cao như hàng không, sản xuất điện, hoặc tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ công việc, công trình, người ta thường qui định chế độ tiền thưởng an toàn, tiến độ từ quỹ tiền lương, hình thức trả lương thời gian có thưởng, đơn giá sản phẩm có thưởng, thưởng chuyên cần, v.v).

- Chế độ tạm ứng tiền lương.

Ngoài các chế độ tiền lương, Nhà nước còn khuyến khích doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, người lao động có thể được hưởng một số chế độ khác như: bữa ăn giữa ca, bữa ăn ca đêm, chế độ ăn định lượng, chế độ bồi dưỡng độc hại, tiền hỗ trợ đi - về từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại; hỗ trợ tiền nhà ở, tiền gửi trẻ, tiền thưởng từ lợi nhuận v.v...

Thứ hai: Các hình thức trả lương.

Sau khi người lao động được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc ký kết hợp đồng lao động, xếp lương theo công việc, chức vụ của hệ thống chế độ tiền lương qui định, căn cứ vào cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phân công lao động, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thể lựa chọn, áp dụng các hình thức trả lương để gắn với kết quả công việc, chức vụ của người lao động. Các hình thức trả lương gồm có:

- Hình thức trả lương theo sản phẩm, trong đó có: trả lương sản phẩm trực tiếp cá nhân; trả lương sản phẩm gián tiếp; trả lương sản phẩm tập thể; lương sản phẩm theo đơn giá bình thường, đơn giá có thưởng, đơn giá lũy tiến, lũy thoái; trả lương khoán (thường áp dụng trong khu vực sản xuất, kinh doanh).

- Hình thức trả lương theo thời gian (giờ, ngày, tuần, tháng, năm) có thưởng hoặc không có thưởng (thường áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và bộ phận gián tiếp trong khu vực sản xuất, kinh doanh).

Thứ ba: Cách (hoặc phương thức) trả lương.   

Sau khi số lượng tiền lương của người lao động được xác định theo thời gian hoặc kết quả thực hiện, người lao động được cơ quan, đơn vị hoặc  người sử dụng lao động trả theo các cách (phương thức) sau:

- Trả bằng tiền hoặc bằng hiện vật (nếu được người lao động chấp thuận).   

- Trả trực tiếp bằng tiền mặt hoặc tiền qua tài khoản; hoặc trả gián tiếp qua trung gian (tùy từng trường hợp do điều kiện, địa điểm làm việc, công việc làm cụ thể).

- Trả theo ngày (ca), tuần, kỳ, tháng, năm.

Trong các nội dung cơ bản trên, hệ thống chế độ tiền lương là phần việc đầu tiên và khó nhất cần phải làm của chính sách tiền lương, thể hiện chính sách cơ bản của Nhà nước về tiền lương. Chưa qui định hệ thống chế độ tiền lương đã đề cập việc trả lương là lẫn lộn về kết cấu tiền lương. Và xét về tổng thể, mức lương tối thiểu chỉ là một chế độ trong hệ thống chế độ tiền lương và là một nội dung nhỏ của chính sách tiền lương.

Tiền lương tối thiểu hay mức lương tối thiểu.

Khi sử dụng thuật ngữ “tiền lương” thì nội dung phải được hiểu đã bao hàm: mức lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ (lương cơ bản) + phụ cấp lương + tiền thưởng từ quỹ tiền lương. Không ít các cơ quan, các nhà lập pháp do chưa hiểu biết sâu về tiền lương, sử dụng từ ngữ còn lẫn lộn, tùy tiện nên trong các nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật, kể cả Hiến pháp, thuật ngữ "tiền lương" sử dụng chưa chuẩn xác, coi tiền lương và phụ cấp là khoản khác nhau, gây khó khăn cho quá trình nhận thức và thực hiện.

Với nội dung của tiền lương chính thống nêu trên thì tiền lương tối thiểu bao gồm mức lương tối thiểu và các khoản phụ cấp lương mà mức lương tối thiểu chưa tính đến như: phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp lưu động. Vậy khi soạn thảo, ban hành luật Tiền lương tối thiểu không chỉ điều chỉnh nội dung mức lương tối thiểu mà còn phải điều chỉnh cả các chế độ phụ lương kể trên. Đây là việc làm tương đối khó lại chồng chéo với việc qui định hệ thống tiền lương trong tổng thể chính sách tiền lương. Trường hợp chỉ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung như qui định hiện nay thì tên luật không phải luật Tiền lương tối thiểu mà phải là luật Mức lương tối thiểu.

Một số khái niệm về tiền lương.

Trước khi bàn về tiền lương có một số khái niệm và thuật ngữ cần được trao đổi, thảo luận, thống nhất nhận thức để quá trình nghiên cứu, soạn thảo không bất nhất trước, sau.

Qua thực tế thực hiện, quản lý, nghiên cứu, tham khảo tài liệu trong và ngoài nước, mặc dù cách trình bày, diễn đạt có thể khác nhau, nhưng nội dung một số khái niệm và thuật ngữ về tiền lương được hiểu và sử dụng cơ bản như sau:

 Tiền lương chế độ.

  “Tiền lương chế độ” là tiền lương được xếp tương ứng với công việc hoặc chức vụ đảm nhận theo hệ thống chế độ tiền lương được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền qui định cụ thể hoặc qui định khung, nguyên tắc làm cơ sở cho cấp thực hiện thương lượng, thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động.

Tiền lương thực hiện.

 Căn cứ kết quả thực hiện công việc, chức vụ theo sản phẩm hoặc thời gian lao động qui định, người lao động xác định được số lượng tiền lương được nhận, đó là "tiền lương thực hiện". Nếu gộp với một số chế độ ngoài tiền lương như: bữa ăn giữa ca, bữa ăn ca đêm, chế độ ăn định lượng, chế độ bồi dưỡng độc hại, tiền hỗ trợ đi - về từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại; hỗ trợ tiền nhà ở, tiền gửi trẻ, tiền thưởng từ lợi nhuận,v.v, thì gọi là "thu nhập". Không bao giờ "tiền lương thực hiện" có trước "tiền lương chế độ", cũng có nghĩa các văn bản không nên qui định các hình thức trả lương trước khi qui định hệ thống chế độ tiền lương.

 Tiền lương danh nghĩa:

  Tiền lương danh nghĩa là số lượng tiền mặt theo qui định của hệ thống chế độ tiền lương hoặc số lượng tiền mặt thực nhận (thực hiện) của người làm công hưởng lương.

  Tiền lương thực tế:   

   Tiền lương thực tế là số lượng vật phẩm và dịch vụ thiết yếu mà người làm công hưởng lương nhận được tương ứng với số lượng tiền lương danh nghĩa.

   Trong chính sách tiền lương, tiền lương thực tế là gốc, là nội dung cơ bản, tiền lương danh nghĩa là hình thức biểu hiện cụ thể bằng số lượng tiền mặt, là phương tiện so sánh tiền lương và thanh toán tiền lương đối với người làm công hưởng lương.

 Chỉ số tiền lương thực tế:

  Chỉ số tiền lương thực tế là tỉ lệ % giữa chỉ số tiền lương danh nghĩa và chỉ số giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

                                                            Chỉ số tiền lương danh nghĩa

  Chỉ số tiền lương thực tế(%) =  ------------------------------------------ x100

                                                          Chỉ số giá cả hàng hóa, dịch vụ

  Nhu cầu sống tối thiểu:

   Nhu cầu sống tối thiểu là số lượng vật phẩm và dịch vụ thiết yếu theo cơ cấu mà người lao động (hoặc đối tượng là con người cụ thể nào đó) cần phải có để duy trì cuộc sống ở mức thấp nhất. Nhu cầu sống tối thiểu không giống nhau giữa các địa bàn, khu vực, giữa các quốc gia.

   Mức sống tối thiểu:

   Mức sống tối thiểu là số lượng tiền mặt được xác định nhằm bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu.

 Ngoài các khái niệm và thuật ngữ nêu trên, còn một số các khái niệm và thuật ngữ khác liên quan đến tiền lương đang được sử dụng trong rất nhiều trường hợp cần được làm rõ để thống nhất nhận thức, sử dụng cho phù hợp, chính xác, như: mức lương cơ sở, mức lương đủ sống; tiền lương trung bình-tiền lương bình quân; mức sống trung bình của các tầng lớp dân cư, mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn, mức sống trung bình trong xã hội; mức sống bình quân cả nước, của địa bàn, của khu vực; thu nhập bình quân của dân cư, thu nhập bình quân của lao động tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh; v.v, trong đó, mức trung bình không rõ có phải là số được xác định bởi một cơ quan, tổ chức nào đó hay là số liệu điều tra, thống kê.

Nên ban hành Luật Tiền lương tối thiểu hay Luật Tiền lương.

Trước năm 1993, tiền lương theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung theo phương thức chung của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây, mức lương tối thiểu được Nhà nước qui định cứng cho những người làm công, hưởng lương, chủ yếu đối với khu vực nhà nước. Tiền lương khi tại chức và nghỉ hưu gắn kết chặt chẽ với nhau, điều chỉnh tiền lương người tại chức phải đồng thời điều chỉnh tiền lương người nghỉ hưu, còn trợ cấp ưu đãi người có công hoàn toàn tách rời với chế độ tiền lương. Từ năm 1993, khi thực hiện cải cách cơ bản chính sách tiền lương, tại thời điểm đó việc can thiệp, điều hành giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ sinh hoạt còn rất hạn chế, thiếu chủ động, cơ chế tự điều chỉnh của cơ chế thị trường chưa thực sự sâu sắc buộc Nhà nước phải qui định tạm thời các mức lương, phụ cấp trong các thang lương, bảng lương theo hệ số tính so với mức lương tối thiểu. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tiền lương người nghỉ hưu và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cũng gắn với điều chỉnh mức lương tối thiểu, do đó chúng ta rất chú trọng đến mức lương tối thiểu. Việc qui định tạm thời này được thực hiện kéo dài cho đến nay và đưa đến đề xuất phải xây dựng, ban hành luật Tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, mức lương tối thiểu chỉ là một chế độ trong hệ thống chế độ tiền lương. Có quy định mức lương tối thiểu mà không quy định (dù chỉ là nguyên tắc) về các chế độ trong hệ thống chế độ tiền lương như: thang lương, bảng lương, mức lương, các chế độ phụ cấp lương, các hình thức và cách trả lương thì các hạn chế, bất cập về tiền lương hiện nay không được khắc phục, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuê mướn lao động, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cuộc đình công. Bên cạnh đó, tiền lương tối thiểu trong thực tế chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận rất nhỏ người làm công hưởng lương, người lao động không qua đào tạo, làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường ở doanh nghiệp và làm cơ sở tính mức lương, phụ cấp theo lương của khu vực chi từ ngân sách theo chế độ tiền lương qui định tạm thời từ năm 1993. Còn thang lương, bảng lương, mức lương, phụ cấp, hình thức và cách trả lương trong doanh nghiệp mới thực sự ảnh hưởng đến phần lớn đội ngũ người lao động làm công, hưởng lương, nhất là bộ phận lao động có trình độ từ bậc trung trở xuống.

Nhiều nước trên thế giới có luật Lương tối thiểu nhưng vai trò, chức năng của mức lương tối thiểu khác Việt Nam ở chỗ: mức lương tối thiểu được công bố là mức tối thiểu chung của xã hội, phản ánh mức sống và trình độ phát triển kinh tế-xã hội, mức độ phát triển toàn diện con người; làm lưới an toàn chống bóc lột và đói nghèo; cơ sở để điều chỉnh tiền lương người nghỉ hưu; làm chuẩn để xác định mức thu nhập chịu thuế cá nhân; là cơ sở để tổ chức nghiệp đoàn các cấp thương lượng, thỏa thuận mức lương tối thiểu và hệ thống thang, bảng lương, mức lương vùng, ngành, doanh nghiệp; làm cơ sở để xác định chất lượng việc làm, các chế độ trợ cấp xã hội và một số chế độ khác. Không làm nền tảng để qui định hoặc xác định thang, bảng, mức lương của người đang làm việc, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, nghiệp vụ, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội, công an, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước như Việt Nam hiện nay. Phần lớn các nước đầu tiên có luật Lương tối thiểu cũng là các nước có tổ chức công đoàn mạnh, thành lập theo đúng nghĩa tự nguyện, độc lập, có năng lực thực sự đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và họ cũng không sử dụng để qui định tiền lương đối với công chức, viên chức. Nhiều nước trên thế giới không có hoặc đang dần bỏ luật Lương tối thiểu. Mặt khác, khi nghiên cứu, soạn thảo dự án luật Tiền lương tối thiểu, liệu có đổi tên là luật Mức lương tối thiểu hay vẫn giữ nguyên tên  luật Tiền lương tối thiểu. Với vai trò, chức năng mức lương tối thiểu của Việt Nam hạn hẹp như hiện nay, nội dung luật Tiền lương tối thiểu sẽ không có gì nhiều, tác dụng, hiệu quả thấp nhưng lại rất phức tạp. Ngoài ra khi luật Tiền lương tối thiểu được ban hành, nội dung về tiền lương theo qui định bị chia cắt bởi 2 luật: Bộ luật Lao động và luật Tiền lương tối thiểu, tính liên hoàn, thống nhất sẽ không cao, khó thể hiện,  khó thực hiện, tác động và hiệu quả thấp.

Vì vậy, qua thực tiễn ở Việt Nam và trải nghiệm thực tế, chúng ta nên xem xét lại, không nhất thiết phải học tập, ban hành luật Tiền lương tối thiểu một cách máy móc, không hợp lý, mà cần nghiên cứu, xem xét điều kiện, hoàn cảnh thực tế, cụ thể của mình để ban hành Luật Tiền lương thay vì ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, trong đó có nội dung mức lương tối thiểu./.

Đặng Như Lợi

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

 

www.molisa.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 6.998.618
Đang truy cập: 975