Tìm kiếm
Trả lời về nội dung Thông tư 26 ban hành danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ
Ngày cập nhật 20/12/2013

Thông tư số 26/2013/ TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12 đã vấp phải một vài ý kiến của báo chí cũng như chính những người lao động cho rằng bị chênh so với thực tiễn. Chiều ngày 18/12, ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ LĐTBXH) đã trả lời cụ thể các thắc mắc xung quanh nội dung của Thông tư.

Thông tư số 26/TT-BLĐTBXH chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12 vừa qua đã vấp phải một vài ý kiến của báo chí cũng như chính những người lao động cho rằng bị chênh so với thực tiễn. Trước tiên, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Thông tư này được xây dựng trên cơ sở kế thừa chính sách đã được ban hành; từ năm 1968 (Thông tư liên Bộ LĐTBXH và Y tế số 05-TT/LB ngày 01/6/1968) đến nay đã được rà soát, điều chỉnh sửa đổi 4 lần (năm 1986 : Thông tư Liên Bộ số 09-TT-LB ngày 29/8/1986; năm 1994: Thông tư Liên Bộ số 03/TT-LB ngày 28/1/1994,  năm 2011: Thông tư liên tịch số 40/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 28/12/2011; năm 2013: Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH) trên quan điểm bảo vệ sức khỏe của lao động nữ, phòng tránh những rủi ro đối với sức khỏe của lao động nữ, thai nhi và em bé, cũng như xem xét đến cơ hội việc làm của lao động nữ. Về cơ bản, Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH không bổ sung thêm các chức danh mới không được sử dụng lao động nữ nói chung so với Danh mục được ban hành tại Thông tư  liên tịch số 40/2011/TTLT-BLĐTBXH- BYT.

 

 

Được biết, đối tượng điều chỉnh của Thông tư là những trường hợp có quan hệ lao động, không phải là những trường hợp tự quản. Xin ông giải thích cho độc giả biết rõ hơn về việc này?

 

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Thông tư số 26 nêu trên hướng dẫn Điều 160 của Bộ luật Lao động, nên cần phải tuân thủ đúng theo phạm vi điều chỉnh nêu tại Điều 1 của Bộ luật Lao động, cụ thể  là quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.  Bên cạnh đó, Điều 160 đã quy định rõ là “Công việc không được sử dụng lao động nữ”. Cụm từ “ không được sử dụng” đã thể hiện rõ về quan hệ lao động. Vì vậy, đối tượng áp dụng nêu tại Thông tư là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân có sử dụng lao động nữ. Thông tư này không điều chỉnh những khu vực không có quan hệ lao động, chẳng hạn như những người nông dân tự làm việc trên cách đồng của họ. Hay nói cách khác, Thông tư này không ban hành Danh mục “cấm” không cho lao động nữ tham gia lao động.

 

 

Trước khi ban hành Thông tư, 77 công việc trong danh sách có được thực hiện các khảo sát, cũng như đánh giá về tác động xã hội học khi cấm sử dụng lao động nữ đối với các công việc này không? Việc đưa ra danh sách dựa trên cảm quan của cơ quan ban hành văn bản hay dựa trên các thông số điều tra xã hội học? Hoặc có căn cứ nào khác, thưa ông?

 

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Thông tư số 26/2013/Tt-BLĐTBXH được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định tại Thông tư liên tịch số 40/2011/TTLT-BLĐTBXH- BYT; sau khi lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành và địa phương, cũng như tham khảo các điều ước quốc tế ví dụ như Công ước 103 của ILO bảo vệ thai sản,  công ước 127 của ILO về giới hạn trọng lượng mang vác tối đa, vv… bản Danh mục đã được điều chỉnh phù hợp so với thực tiễn, trên nguyên tắc bảo vệ sức khỏe của lao động nữ nhưng cũng không làm mất cơ hội tham gia làm việc của họ, chẳng hạn như: Trọng lượng mang vác tối đa theo khuyến cáo của khoa học không quá 40% trọng lượng cơ thể,  nữ thì thấp hơn (bằng khoản 34%);  mức mang vác rất nặng theo khuyến cáo y học là từ 40kg, theo tiêu chuẩn mang vác do Bộ Y tế ban hành thì giới hạn trọng lượng cho phép đối với lao động nữ  là 30 kg đối với mang vác thường xuyên, 20 kg đối với mang vác không thường xuyên; tại Thông tư số 40/2011/TTLT-BLĐTBXH- BYT quy định không sử dụng lao động nữ làm công việc mang vác từ 30kg trở lên; sau khi lấy ý kiến rộng rãi, Thông tư số 26 đã quy định nâng mức giới hạn mang vác lên 50kg để phù hợp hơn với thực tiễn, tức là tạo điều kiện hơn rất nhiều so với khuyến cáo.

 

 

Trên thực tế có rất nhiều người phụ nữ làm các công việc thuộc danh mục cấm này và hầu hết họ là những người có thu nhập thấp, trình độ dân trí không cao, khó có khả năng tìm được các công việc khác phù hợp với giới tính với mức lương tương tự. Vì vậy, theo ông có việc ban hành danh mục này có khả năng gây nguy cơ tăng tỉ lệ thất nghiệp của nữ giới hay không?

 

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Danh mục cấm sử dụng lao động nữ nói chung được xây dựng trên cơ sở kế thừa những chức danh được ban hành từ năm 1968; qua 4 lần sửa, đến nay số lượng chức danh nghề không được sử dụng lao động nữ nói chung chỉ giảm đi mà không hề tăng thêm; riêng đối với các chức danh không được sử dụng lao động nữ đang mang thai và nuôi con duới 12 tháng tuổi thì ngày càng được cụ thể hơn dựa trên những điều kiện lao động có hại đã quy định tại Thông tư 09-TT-LB năm 1986, Thông tư 03 năm 1994 và Thông tư 40 năm 2011 – Đây cũng là xu hướng chung các quy định hạn chế không sử dụng lao động nữ đang mang thai trên thế giới. 

Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH đã bỏ đi những chức danh không còn phù hợp như bỏ “Công việc với xăng dầu tại các trạm bán lẻ”; nâng giới hạn trong lượng mang vác từ 30 kg lên 50 kg; bổ sung việc không cấm sử dụng đối với việc lái xe ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn mà có hệ thống trợ lực. Do đó xét về lý thuyết, khi không tăng thêm các chức danh nghề, công việc đã bị cấm so với giai đoạn trước thì không gây nguy cơ tăng tỷ lệ thất nghiệp, mà còn tạo nhiều cơ hội làm việc. Cũng xin nhắc lại đây là Thông tư ban hành “danh mục công việc KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG lao động nữ”; không phải Danh mục cấm lao động nữ tham gia  

 

 

Theo luật giao thông đường bộ, khi cấp GPLX không quy định nào về giới tính của người lái xe. Như vậy, lao động nữ có quyền có GPLX lái xe tất cả các hạng theo Luật GTĐB, bao gồm cả xe trọng tải trên 2,5 tấn. Nhưng theo Thông tư 26, lao động nữ không được “lái ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn (trừ các ô tô có trọng tải dưới 10 tấn có hệ thống trợ lực). Trong quá trình xây dựng Thông tư, điều này có được tính đến không, thưa ông?

 

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Về quy định không được sử dụng lao động nữ lái xe ôtô có trọng tải trên 2,5 tấn đã có trong Thông tư Liên Bộ số 09 năm 1986, tiếp đó là Thông tư số 03 năm 1994, Thông tư số 40 năm 2011.

Ngay từ năm 2011, xuất phát từ điều kiện thực tế có nhiều xe ô tô có hệ thống trợ lực mà phụ nữ có thể tham gia lái được. Với hệ thống trợ lực lái việc lái xe trở nên nhẹ nhàng, không cần dùng nhiều sức lực để quay vô lăng. Tuy nhiên, bên cạnh vẫn có những xe vận tải cũ chưa có hệ thống trợ lực đang được sử dụng trong các doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi đã sửa đổi từ chức danh “lái ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn” quy định tại Thông tư 03 thành chức danh “lái ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn (trừ các ô tô có trọng tải dưới 10 tấn có hệ thống trợ lực) tại Thông tư số 40/2011/TTLT-BLĐTBXH – BYT.

Trước đây, hệ thống trợ lực lái chỉ được lắp trên xe tải hạng nặng, hiện nay, đã lắp cả ô tô con dưới 10 chỗ, bao gồm cả ô tô có trọng tải dưới 2,5 tấn, bởi vậy với không sử dụng lao động nữ  lái ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn (trừ các ô tô có trọng tải dưới 10 tấn có hệ thống trợ lực) đã tạo cơ hội có việc làm hơn đối với lao động nữ được cấp GPLX.

 

 

Phải khẳng định rằng Thông tư xuất phát từ sự quan tâm của Nhà nước đối với lao động nữ. Nếu để lao động nữ tiếp tục làm một số công việc trong danh mục này trước mắt có thể chưa thấy hậu quả nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của chị em, đặc biệt là sức khỏe sinh sản và còn gây ảnh hưởng đến nòi giống và nhiều thế hệ sau này. Nhưng quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho chủ sử dụng lao động và cả người lao động. Vì người sử dụng lao động thì có nhu cầu thuê mướn, còn người lao động thì tự nguyện chấp nhận làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cục sẽ có kế hoạch như thế nào để người dân, đặc biệt là lao động nữ đồng thuận với tinh thần, nội dung của Thông tư?

 

 

 

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Để chính sách đi vào cuộc sống, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền cho cả người sử dụng, người lao động nữ hiểu để thực hiện cho đúng quy định của pháp luật. NSDLĐ chịu trách nhiệm chính trong việc chuyển đổi công việc phù hợp sức khỏe lao động nữ theo Thông tư này. Chúng tôi cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận, các luồng thông tin phản hồi để chính sách được xây dựng khoa học, phù hợp với thực tiễn hơn.

 

 

 

Thưa ông, quy định cấm đã ban hành. Vậy thì việc giám sát, kiểm tra và chế tài sẽ thực hiện như thế nào?

 

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Trong thông tư 26 đã quy định rõ trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trong việc phối hợp với Sở Y tế, Liên đoàn Lao động địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này tại các cơ sở sử dụng lao động nữ; tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng lao động nữ, lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó quy định tại điểm g, khoản 2 Điều 18 vi phạm quy định về sử dụng lao động làm công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại điều 160 của Bộ luật lao động  với mức phạt từ 10-20 triệu đồng.

Có thể nói, Thông tư 26 trên quan điểm kế thừa các quy định Thông tư  trước và khuyến nghị và kinh nghiệm quốc tế, được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam, nhằm bảo vệ tốt hơn đối với lao động nữ, bên cạnh đó Thông tư cũng đã tạo điều kiện để lao động nữ tham gia lao động nhiều hơn so với các trước đây theo hướng giảm dần các danh mục không được sử dụng lao động nữ, tăng dần danh mục không được sử dụng lao động nữ mang thai và dưới 12 tháng tuổi cụ thể:

 

Thông tư

 

Số lượng công việc không được sử dụng lao động nữ

 

Số lượng công việc không được sử dụng lao động nữ mang thai và dưới 12 tháng tuổi

 

03/1994

 

49

 

34

 

40/2011

 

45

 

34

 

26/2013

 

35

 

42

 

www.molisa.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.001.090
Đang truy cập: 7.523