Tìm kiếm
Một số bất cập của Luật dạy nghề năm 2006 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung
Ngày cập nhật 30/05/2014

Sau 7 năm kể từ khi được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-11-2006, Luật Dạy nghề đã đi vào thực tiễn, là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển dạy nghề, nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy nghề. Tuy nhiên, một số quy định đã bộc lộ những bất cập so với yêu cầu thực tiễn phát triển dạy nghề.

Sau 7 năm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Luật Dạy nghề năm 2006 đã phát huy vai trò trong việc phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề rộng khắp ở các tỉnh thành trong cả nước và đã có nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực này được ban hành, Tuy nhiên, Luật Dạy nghề cũng đã bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện.  

Thứ nhất, tại Khoản 3 Điều 58 của Luật quy định về trình độ chuẩn của giáo viên dạy nghề: a) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ sơ cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao; b) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ trung cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao; c) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ cao đẳng nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao; d) Trường hợp giáo viên dạy nghề quy định tại các điểm a, b và c của khoản này không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ đào tạo sư phạm”.

Theo như quy định trên, thì giáo viên dạy nghề tách thành 2 nhóm là giáo viên lý thuyết và giáo viên thực hành. Việc tách bạch hai nhóm như trên là chưa phù hợp với yêu cầu của công tác dạy nghề, đó là phải kết hợp nhuần nhuyển giữa lý thuyết và thực hành. Do đó, kiến nghị nên quy định theo hướng giáo viên dạy nghề là tích hợp cả lý thuyết và thực hành, đồng thời phải chuẩn hóa đội ngũ này về mặt chuyên môn, kỹ năng nghề và kỹ năng dạy nghề. Cũng theo quy định trên thì quy định giáo viên dạy nghề phải có chứng chỉ đào tạo sư phạm. Thực tế cho thấy phương pháp cũng như nghiệp vụ dạy nghề khác hoàn toàn so với giáo dục phổ thông, cao đẳng và đại học. Do đó, việc quy định giáo viên dạy nghề bắt buộc phải có chứng chỉ sư phạm là không cần thiết.

 Đặc thù của dạy nghề yêu cầu thời gian thực hành chiếm là chủ yếu. Nhưng Luật Dạy nghề lại không yêu cầu giáo viên phải có kinh nghiệm về nghề hoặc phải có trình độ kỹ năng nghề nhất định. Điều này đã phần nào khiến cho chất lượng đào tạo nghề mặc dù đã được chú trọng nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề. Trong khi đó, kỹ năng nghề, năng lực nghề nghiệp của lao động Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực và thế giới.

Thứ hai, thời gian đào tạo nghề sơ cấp theo quy định là từ ba tháng đến dưới một năm. Theo tôi, trong luật không nên giới hạn thời gian đào tạo nghề sơ cấp. Còn thời gian học trung cấp nghề của đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở là từ 3-4 năm tuỳ theo nghề đào tạo. Thời gian học phải kéo dài do người học phải học thêm phần văn hoá phổ thông. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều người không cần trình độ văn hoá trung học phổ thông vẫn có thể học nghề và làm giỏi nghề nếu được học thêm văn hóa thì vẫn tốt và phù hợp với quy định của Bộ luật lao động).

Vì vậy, ở những nghề này người học chỉ cần 1-2 năm tuỳ theo nghề đào tạo. Bên cạnh đó, nhiều học sinh ở nhóm đối tượng trên có học lực văn hoá thấp, không thể học lên trung học. Do đó, họ không muốn hoặc không đủ khả năng học tiếp chương trình văn hoá mà chỉ muốn học phần chuyên môn để ra thị trường lao động tìm kiếm việc làm.

Thứ ba, theo quy định của Luật Dạy nghề thì cơ sở dạy nghề thuộc các doanh nghiệp nhà nước (tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) không rõ là loại hình sở hữu công lập hay tư thục. Do vậy cần xác định rõ loại hình sở hữu của các cơ sở dạy nghề của DN Nhà nước. Đặc biệt các cơ sở dạy nghề thuộc các DN đã cổ phần hóa và các cơ sở giáo dục chỉ nên tập trung vào việc thực hiện đào tạo hệ chuyên nghiệp, thay vì tham gia đào tạo nghề.

Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm của DN trong hoạt động dạy nghề, nếu DN không tham gia hoạt động dạy nghề thì phải đóng góp khoản kinh phí dạy nghề theo quy định. Do đó, việc cấp hay hỗ trợ ngân sách để phát triển đối với cơ sở dạy nghề này như thế nào cũng là việc cần được làm rõ. Đồng thời, hiện nay, chương trình dạy nghề được xây dựng trên khung do nhà nước ban hành, nhưng thực tế không ít trường tự biên soạn hoặc mua tài liệu về rồi tự giảng dạy

Thứ tư, việc liên kết đào tạo của trường gặp nhiều trở ngại. Phần lớn DN chỉ hợp tác dựa trên khung chương trình được quy định sẵn chứ không chủ động phối hợp xây dựng giáo án đào tạo. Việc tìm nơi thực tập cho học viên chủ yếu dựa vào các mối quan hệ cá nhân của thầy cô hoặc các đối tác lâu năm. “Theo Luật Dạy nghề, DN không tuân thủ luật cũng không bị xử lý vi phạm. Do đó, nhiều DN xem việc hợp tác là “ôm rơm nặng bụng”. Việc mở rộng thêm đối tác để bảo đảm đầu ra cho học viên lại càng khó hơn”.

Thứ năm, với cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài, theo quy định của Luật Dạy nghề, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài nhưng không quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định cho phép thành lập các cơ sở dạy nghề này. Về người học nghề, Luật chưa có chính sách cho những người học các nghề đặc thù, nghề mũi nhọn, vì thế, cần bổ sung chính sách cho các trường hợp này.

Lê Văn Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.001.090
Đang truy cập: 122