Tìm kiếm
ĐIỀU CHỈNH TĂNG MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG TỪ 01/01/2020
Ngày cập nhật 19/11/2019
Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp bàn mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2020

Vừa qua, ngày 15/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp  đồng  lao  động. Các quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện từ ngày 01/01/2020. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp như sau: Vùng 1: 4.420.000 đồng/tháng; Vùng 2: 3.920.000 đồng/tháng; Vùng 3: 3.430.000 đồng/tháng; Vùng 4: 3.070.000 đồng/tháng;

Như vậy, so với mức lương tối thiểu vùng hiện hành quy định tại Nghị định 157/2018/NĐ-CP, thì mức lương tối thiểu vùng theo quy định mới tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP sẽ tăng từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng, cụ thể:

Vùng 1 tăng từ 4.180.000 lên 4.420.000 đồng/tháng, tăng 240.000 đồng/tháng, tương ứng mức tăng 5,74%.

Vùng 2 tăng từ 3.710.000 lên 3.920.000 đồng/tháng, tăng 210.000 đồng/tháng, tương ứng mức tăng  5,66%.

Vùng 3 tăng từ 3.250.000 lên 3.430.000 đồng/tháng, tăng 180.000 đồng/tháng, tương ứng mức tăng 5,54%.

Vùng 4 tăng từ 2.920.000 lên 3.070.000 đồng/tháng, tăng 150.000 đồng/tháng, tương ứng mức tăng 5,1%.

Tại địa bàn tỉnh Thừa Thừa Huế, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thành phố Huế sẽ áp dụng mức lương Vùng 2; tại địa bàn các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang và thị xã Hương Thủy, Hương Trà sẽ áp dụng mức lương Vùng 3; tại địa bàn 2 huyện Nam Đông và A Lưới sẽ áp dụng mức lương Vùng 4.

Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của doanh nghiệp.

Việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng áp dụng trong các loại hình doanh nghiệp theo lộ trình được Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định sau khi nghiên cứu, phân tích các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thực trạng hoạt động cũng như những thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp là hợp lý. Nhằm đưa các chính sách tiền lương, tiền công từng bước phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh, khả năng chi trả tiền lương, các khoản hỗ trợ khác cho người lao động (BHXH, BHYT, BHTN,…) của các doanh nghiệp và tình hình kinh tế xã hội của từng địa phương, tạo điều kiện tăng thu nhập, từng bước bảo đảm được mức sống tối thiểu cho người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp./.

Ngô Thành
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 6.997.427
Đang truy cập: 698