Tìm kiếm
Năm 2019, cả nước tạo việc làm cho trên 1,6 triệu người
Ngày cập nhật 30/12/2019

Năm 2019, cả nước tạo việc làm trên 1,655 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 100,4% so với thực hiện năm 2018, trong đó: Tạo việc làm trong nước khoảng 1,508 triệu người; đưa trên 147 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong công tác giải quyết việc làm, Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trên thị trường. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động di cư, lao động là người dân tộc thiểu số, phụ nữ... Nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm; tổ chức sàn giao dịch, chợ việc làm với tần suất tăng và hình thức tổ chức đa dạng, phong phú. Duy trì và phát triển thị trường lao động ngoài nước; mở nhiều thị trường mới, tiềm năng ở khu vực châu Âu, ký Bản ghi nhớ về phái cử lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản. Thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường tuyển dụng, đào tạo, tạo nguồn lao động từ khu vực Tây Nam Bộ.  Ước cả năm tạo việc làm trên 1,655 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 100,4% so với thực hiện năm 2018, trong đó: Tạo việc làm trong nước khoảng 1,508 triệu người; đưa trên 147 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tính chung, kết quả 4 năm đã đưa trên 550 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 10% và về đích trước 1 năm so với kế hoạch 5 năm.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục - đào tạo; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kết nối đồng bộ giữa đào tạo với giải quyết việc làm trong nước và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cùng với đó, tạo lập đầy đủ, đồng bộ các yếu tố và điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, hình thành một thị trường lao động hiện đại, thông suốt và hội nhập, đi đôi với tăng cường, nâng cao vai trò của nhà nước trong việc quản lý, điều tiết cung - cầu trên thị trường; chú trọng công tác dự báo, cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước gắn với thị trường lao động quốc tế và khu vực ASEAN. Thực hiện các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm; Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển, mở rộng các thị trường lao động ngoài nước. Tăng cường công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật về lao động - tiền lương. Thực hiện các giải pháp mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Làm tốt công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 6.993.080
Đang truy cập: 325