Tìm kiếm
 
 
Bình đẳng giới phải gắn với tạo việc làm
Ngày cập nhật 05/08/2014

Việt Nam là nước có lực lượng lao động lớn, đặc biệt lao động trẻ rất dồi dào. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất chú trọng tới việc bảo vệ quyền và lợi ích người lao động, trong đó có sửa đổi Bộ luật Lao động, phổ biến pháp luật tới người lao động, nhất là tập trung chương trình lồng ghép tuyên truyền Luật Bình đẳng giới và việc làm bền vững cho người lao động.

Được biết, Dự án “Lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững ở Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha tài trợ 1,79 triệu euro, được thực hiện trong 3 năm từ 2012-2015 với mục tiêu thúc đẩy việc xây dựng và triển khai các dịch vụ, chính sách và pháp luật nhạy cảm giới trong các lĩnh vực lao động, dịch vụ xã hội, bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề và kiểm định chất lượng dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương nhất, thông qua bốn chiến lược chính: Xây dựng và triển khai các dịch vụ, chính sách và pháp luật nhạy cảm giới trong các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, dạy nghề, và kiểm định chất lượng dạy nghề; thúc đẩy nâng cao năng lực về bình đẳng giới và việc làm bền vững trong các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, lao động và dạy nghề; nghiên cứu về bình đẳng giới trong các chính sách và pháp luật về việc làm bền vững; hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế để thực hiện các cam kết quốc tế về việc làm bền vững và bình đẳng giới.

Tại hội nghị Phổ biến pháp luật lao động và hội nhập quốc tế hướng tới bình đẳng giới và việc làm vừa diễn ra tại Cần Thơ. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa khẳng định: Việt Nam đang tích cực tham khảo, học hỏi những kinh nghiệm của các nước trên thế giới về lồng ghép chương trình bình đẳng giới và việc làm. Đồng thời giúp cơ quan chức năng ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp với cuộc sống.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa,  để bình đẳng giới thực chất rất cần cơ hội để phụ nữ tiếp cận và hiện thực hóa các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới. Cơ hội chính là hoàn cảnh thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Sóc Trăng Lâm Thanh Phong cho rằng, từ thực tiễn đổi mới, chúng ta đã nhận rõ thực chất sâu xa của công bằng xã hội. Khoảng cách giàu nghèo, sự chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng miền hiện nay càng đòi hỏi công bằng xã hội đúng nghĩa. Công bằng gắn với bình đẳng xã hội và xét về thực chất, công bằng không chỉ đòi hỏi phân phối lợi ích hợp lý mà còn đòi hỏi công bằng về cơ hội phát triển, bảo đảm cho mọi thành viên trong cộng đồng đều có cơ hội như nhau để phát triển, đều được thụ hưởng lợi ích chính đáng, vai trò, vị trí của mình trong các mối quan hệ xã hội và từ những kết quả lao động, cống hiến của mình.

Những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới, đã thể chế hóa thành luật và các văn bản dưới luật về vấn đề này, nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách chênh lệch giới; một bộ phận phụ nữ sống ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trẻ em gái... vẫn còn nhiều thiệt thòi do thiếu các điều kiện để tiếp cận các chính sách và thụ hưởng thành quả của sự phát triển xã hội mang lại, do tư tưởng định kiến giới vẫn còn tồn tại trong gia đình và xã hội. Việc tạo ra cơ hội cho phụ nữ cần được xem là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm sự chênh lệch này.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, nhấn mạnh: “Thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới và xúc tiến việc làm bền vững trong tiến trình cải cách Luật Lao động được coi là một biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển công bằng cho phụ nữ trong khu vực ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng. Việt Nam ưu tiên thực hiện các mục tiêu về phụ nữ trong Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 đến năm 2020, Chiến lược Việc làm giai đoạn 2011 – 2020.  Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, một trong những điểm mới của Bộ luật là đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên sáu tháng.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Việc làm theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, công bằng khi tuyển dụng cũng như khi sử dụng lao động nữ, đảm bảo quyền bình đẳng giới về kinh tế, phấn đấu giảm dần cường độ lao động, đưa tổng số giờ lao động nữ (gồm các loại công việc) trong ngày, trong tuần, trong năm đến mức hợp lý và ngang với nam giới; tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tiếp cận các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công nhằm giúp họ áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, bảo đảm sản xuất và kinh doanh có hiệu quả cao.

www.molisa.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.040.757
Đang truy cập: 1.078