Tìm kiếm
 
 
Diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói: Nơi trẻ em trao gửi tâm tư, nguyện vọng
Ngày cập nhật 18/09/2015

90 trẻ em đại diện cho 30 vạn trẻ em toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có dịp bày tỏ những suy nghĩ, nguyện vọng của mình tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” do Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội đồng Đội tỉnh, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh phối hợp tổ chức vào ngày 17/9/2015 tại Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh với sự tham gia của đồng chí Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ “Tháng hành động vì trẻ em” tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Giải đáp những thắc mắc của các bạn thiếu nhi và ghi nhận những ý kiến tại diễn đàn để làm cơ sở cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách hướng tới mục tiêu 100% pháp luật, chính sách về trẻ em ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em trong giai đoạn 2016-2020.

Thông điệp của trẻ em

Tại diễn đàn, các bạn thiếu nhi đã có cơ hội đối thoại trực tiếp với các bác, các cô, chú lãnh đạo tỉnh, chính quyền về những vấn để liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ en; đồng thời, đưa ra thông điệp chung tập trung vào thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em: quyền được tiếp cận thông tin phù hợp với lứa tuổi, quyền được bày tỏ ý kiến, quyền được người lớn lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, khuyến nghị của mình.

Trong những vấn đề bức xúc được trình bày tại diễn đàn, thì việc thiếu khu vui chơi giải trí, thiếu phòng đọc sách báo và việc quá tải trong việc tiếp nhận quá nhiều kiến thức,… là những vấn đề được đa số đại biểu “nhí” bày tỏ. Về thực trạng này, đơn vị thành phố Huế đã phản ánh khá sinh động bằng tiểu phẩm “Sân chơi cho trẻ em”. Em Nguyễn Thị Thùy Linh – trường THCS Phong Hiền, huyện Phong Điền cũng mong muốn được nghe lãnh đạo tỉnh nói về giải pháp để xây dựng các khu vui chơi, giải trí, các thiết chế văn hóa cho trẻ em ở vùng nông thôn. Tiếp với nội dung về sân chơi cho trẻ, em Hoàng Nữ Kim Yến – trường THCS Hà Thế Hạnh – thị xã Hương Trà nêu lên thực trạng về việc các trang mạng xã hội, các trò chơi game online phát triển nhanh chóng, bên cạnh những khía cạnh tích cực, một phần nào đó đã tác động xấu đến sức khỏe, học tập và nhân cách của một bộ phận trẻ em; vậy giải pháp nào được lựa chọn để hạn chế tình trạng trên, nhất là trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh internet đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay? Đây cũng là câu hỏi của em Trần Thị Thủy Tiên – Liên đội trường THCS Đặng Dung, huyện Quảng Điền.

 

Thông điệp của đơn vị thành phố Huế qua tiểu phẩm "Sân chơi cho trẻ em"

 

Tình trạng bạo lực học đường cũng là vấn đề được khá nhiều em quan tâm và đặc biệt câu hỏi, bởi thời gian gần đây, tình trạng này đang dấy lên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của học sinh mỗi khi đến trường, cũng là nguyên nhân khiến nhiều bạn phải bỏ học. Bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để học sinh có thể tham quan miễn phí các điểm di tích nhằm tìm hiểu về văn hóa cũng như các điểm di tích lịch sử hiện có của Cố đô Huế; qua đó để góp phần giới thiệu đến bạn bè khắp nơi về cong người cũng những truyền thống văn hóa Huế là đề tài nối tiếp trong diễn đàn...

Và sự vào cuộc của chính quyền

Giải đáp những thắc mắc của các em tại diễn đàn, đồng chí Đinh Khắc Đính cho biết: được sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em Thừa Thiên Huế có nhiều thuận lợi và đạt kết quả đáng kể, quyền của trẻ em ngày càng được quan tâm; tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn cùng với khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Tính đến nay, toàn tỉnh còn hơn 4.500 em thuộc 10 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (theo Luật BVCSTE) cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế cũng đặc biệt quan tâm đến quyền vui chơi và sự tham gia của trẻ em đặc biệt vào các dịp Tết cổ truyền, Quốc tế thiếu nhi, lễ hội... Trong những ngày này, các cấp, các ngành, đoàn thể cùng các đơn vị tài trợ đã tổ chức nhiều chương trình, thăm hỏi tặng quà, phát học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em vượt khó, khám bệnh và hỗ trợ kinh phí phẫu thuật đối với các em bị khuyết tật hoặc bệnh tim bẩm sinh.

Cụ thể, trong các dịp Tết Nguyên Đán, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ tỉnh, Đài phát thanh truyền hình tỉnh tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ “Xuân yêu thương” cho các em có HCĐBKK tại các trung tâm, qua đó huy động hỗ trợ cho hơn 1.250 trẻ em nghèo, khó khăn. Các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng và công tác tình nghĩa được Tỉnh đoàn cùng các cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chương trình “Tình nguyện mùa đông”; “Nắng ấm mùa xuân” với các hoạt động“Áo mới đón xuân”, “Xuân yêu thương”, “Ước mơ mùa xuân”, “Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo” và nhiều hoạt động thiết thực được diễn ra, trong đó đã trao 908 suất học bổng và quà cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi trị giá 483 triệu đồng, tặng 500 sách vở đồ dùng học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, với chương trình “Bánh chưng xanh” cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em tại các trung tâm nuôi dưỡng mồ côi được tặng hơn 1.000 cặp bánh chưng, bánh tét trị giá 50 triệu đồng; đồng thời tổ chức chương trình văn nghệ và hội thi cắm hoa với chủ đề “Ước mơ mùa xuân”, ban tổ chức đã trao 31 suất học bổng cho các em thiếu nhi học giỏi trị giá 26 triệu đồng.

Trong thời gian tới, để nâng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Đinh Khắc Đính đề nghị các đơn vị liên quan bên cạnh việc tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng làm việc của đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; cần duy trì, củng cố 04 mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, đảm bảo trẻ em là đối tượng thuộc các mô hình được chăm sóc, bảo vệ tốt. Triển khai thêm một mô hình về Trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng tại một xã thuộc huyện A lưới. Duy trì và mở rộng mô hình ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Đẩy mạnh tổ chức có hiệu quả các hoạt động liên quan đến trẻ em như: Tết Nguyên Đán, Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, Tết Trung thu...Tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được vui chơi, hòa nhập với cộng đồng, hưởng phúc lợi xã hội…

Theo đó, để thực hiện các nhiệm vụ trên, đồng chí Đinh Khắc Đính đã yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, mọi tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc thực hiện quyền cơ bản của trẻ em. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc với trẻ em; kỹ năng xây dựng, tham mưu kế hoạch thực hiện và các hoạt động khác về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã/phường/thị trấn, đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở. Đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa công tác huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em như: hội thi, diễn đàn, hội diễn văn nghệ, câu lạc bộ...Xây dựng các điểm vui chơi có cơ chế quản lý, nâng cấp đảm bảo phục vụ trẻ em có hiệu quả…

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.040.757
Đang truy cập: 2.646