Tìm kiếm
 
 
Gói 62 nghìn tỷ: Phê duyệt 15,8 triệu người được nhận hỗ trợ
Ngày cập nhật 26/05/2020

 Ngày 20/5, Bộ trưởng LĐ - TBXH Đào Ngọc Dung đã Báo cáo Thủ tướng về Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Quyết định 15 về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến ngày 20/5/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng.

Trong đó số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt là trên 11,8 triệu người. Đây là nhóm đối tượng chính sách được triển khai sớm nhất.

Người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh theo số liệu của 47 tỉnh, thành phố là gần 4 triệu người.

Theo đó, tổng số tiền đã chi chi hỗ trợ cho các đối tượng tới thời điểm ngày 20/5/2020 là 17,5 ngàn tỷ đồng (Chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng), báo cáo cho biết.

Về tiến độ thực hiện hỗ trợ, Bộ trưởng thông tin, các địa phương đã hỗ trợ kinh phí trực tiếp tới 6,7 triệu đối tượng chính sách, với kinh phí thực hiện khoảng 7.126 tỷ đồng (đạt 59,0% số đối tượng được phê duyệt);

Về nhóm đối tượng là người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh cá thể, thì hiện nay có TP. Hồ Chí Minh phê duyệt danh sách và chi trả cho 1.202 người lao động, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh với số tiền 1,417 tỷ đồng.

Về hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động, có 09 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bình Phước, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai) đã chi hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động cho 50.335 người với tổng kinh phí chi trả 45,253 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, báo cáo sơ bộ cho thấy, 6 tỉnh và thành phố đã thực hiện hỗ trợ các đối tượng mở rộng so với Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng.

Các đối tượng được chi hỗ trợ mở rộng, gồm: Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập, gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng; hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng người khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, giáo viên, nhân viên trường mầm non, phổ thông ngoài công lập…

Tổng số đối tượng hỗ trợ thêm 17.800 người, với kinh phí thực hiện khoảng 19,1 tỷ đồng.

Cũng cho biết về tiến độ thực hiện, báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy có trên 1.010 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với gần 94.100 lao động, kinh phí khoảng trên 360 tỷ đồng.

Cùng với đó, hỗ trợ thủ tục lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 192.000 người, tương ứng với số tiền tính theo lũy kế chi trả gần 2.000 tỷ đồng.

Triển khai vay trả lương của doanh nghiệp chưa nhiều

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết như, việc triển khai vay trả lương của các doanh nghiệp chưa nhiều một phần do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc, các doanh nghiệp còn tích lũy kinh phí để trả lương. 

Mặt khác do phải chứng minh tài chính ở chừng mực nào đó khiến cho doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động và xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho người lao động.

Một số địa phương gặp khó khăn, thiếu kinh phí, nhất là các tỉnh phải cân đối 30 - 50% ngân sách (Bình Định, Nghệ An, Hòa Bình, Thanh Hóa,…).

Qua kết quả công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại các địa phương, Bộ đã xử lý một số vụ việc như tại Thanh Hóa, một số thôn của các huyện: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận. 

Hay tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo.

Theo đó, Bộ LĐ - TB&H đã yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan.

"Trong đó, Ban Thường vụ huyện ủy Thiệu Hóa đã quyết định dừng tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Thiệu Thành để chuẩn bị lại phương án nhân sự Đại hội, yêu cầu không tái cử cấp ủy đối với Bí thư Đảng ủy xã; đưa ra khỏi nhân sự đối với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và Bí thư Đoàn xã", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Hay tại Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do Covid-19 cho 06 người nghèo. 

Bộ cũng đã yêu cầu kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh địa phương rút kinh nghiệm và đã chỉ đạo địa phương chi bổ sung ngay cho đối tượng.

Một số địa phương có cách làm sáng tạo

Báo cáo đánh giá, các Bộ, ngành, địa phương nhìn chung đã quán triệt sâu sắc, đầy đủ chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

"Đến nay, chưa phát hiện các trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách. Về cơ bản, 4 nhóm đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được thụ hưởng chính sách", người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu điển hình một số địa phương có cách làm sáng tạo, như Hà Tĩnh và Bình Định xây dựng phần mềm riêng quản lý dữ liệu, lọc người trùng lặp.

Bên cạnh đó có nhiều người dân tự nguyện nhường phần hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn như 17 hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; hai người cao tuổi tại Vĩnh Phúc; một hộ cận nghèo với 4 khẩu tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội...

Trên cơ sở tổng hợp tình hình triển khai tại các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành hoàn thành việc chi trả cho nhóm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo xong trong tháng 5.

Các nhóm đối tượng khác khẩn trương theo lộ trình hồ sơ phê duyệt và phối hợp chặt chẽ với MTTQ các cấp và các tổ chức đoàn thể giám sát, phản biện xã hội triệt để, thực chất, toàn diện việc thực hiện chính sách.

Cùng với đó xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (nếu có). 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 6.993.080
Đang truy cập: 1.158