Tìm kiếm
 
 
Pháp luật về nghề công tác xã hội tại Việt Nam- Từ lý luận đến thực tiễn
Ngày cập nhật 30/03/2018

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực và quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mức sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là tăng trưởng kinh tế phải tiến hành đồng thời với tiến bộ và công bằng xã hội. Song song với tăng trưởng kinh tế phải tập trung cho giảm nghèo, trợ giúp các đối tượng yếm thế. Hệ thống luật pháp, chính sách về an sinh xã hội đã được hình thành và từng bước hoàn thiện. Đến nay, trong lĩnh vực CTXH, Chính phủ đã ban hành bốn nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành bốn quyết định; các bộ, ngành ban hành sáu thông tư liên tịch; bảy thông tư ...và các văn bản chỉ đạo khác trực tiếp hoặc có nội dung quy định khung pháp lý, chính sách xã hội ở Việt Nam; trợ giúp các đối tượng, góp phần ổn định xã hội.

 

Các chính sách ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng: về nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề. Đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đặc biệt các chính sách mới ngày càng mang tính hội nhập, phát huy truyền thống văn hóa, nhân văn của dân tộc và mang tính xã hội hóa, không ỷ lại vào Nhà nước. Hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp các cá nhân, gia đình tan vỡ, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chăm sóc - trợ giúp người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giảm nghèo và trợ giúp người già; Chương trình đào tạo bậc cử nhân công tác xã hội cũng đang được bắt đầu ở khoảng 30 trường đại học.

Tuy nhiên, mặt trái của nền kính tế thị trường là những vấn đề xã hội bức xúc như: tình trạng đói nghèo, tệ nạn ma túy, đại dịch HIV/AIDS, gia đình tan vỡ, trẻ em bị sao nhãng và bị xâm hại lại có chiều hướng gia tăng; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát thực thi chính sách còn nhiều bất cập; tỷ lệ đối tượng được hưởng chính sách còn thấp (mới được trên 50%); cán bộ làm công tác xã hội còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản cả ở khâu hoạch định chính sách cũng như khâu tác nghiệp cụ thể, nhất là cán bộ làm việc trực tiếp với đối tượng. Đặc biệt đội ngũ những người làm công tác xã hội chưa hiểu và chưa được đào tạo về công tác xã hội nên làm việc chưa theo phương pháp khoa học của chuyên ngành công tác xã hội; hệ thống tổ chức bộ máy cung cấp dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp ở cộng đồng gần như chưa có ở tất cả các địa phương. Điều này đã ảnh hưởng tới hiệu quả của các chính sách xã hội trong tình hình mới với phương châm trợ giúp “Cho cần câu chứ không cho xâu cá”. Tình hình sẽ rất khó được cải thiện trừ khi nước ta có ngành công tác xã hội chuyên nghiệp[1].

Trong khi Việt Nam chưa có ngành công tác xã hội chuyên nghiệp thì công tác xã hội đã được xem là một nghề mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ gần thế kỷ nay. Sự có mặt của Hiệp hội Công tác xã hội quốc tế khởi sự từ năm 1926 với hàng chục ngàn thành viên là cán bộ xã hội được đào tạo chuyên nghiệp của 78 nước trên thế giới và Hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội thế giới với sự tham gia của 80 quốc gia là một minh chứng cho lịch sử lâu đời của loại hình nghề nghiệp này[2]. Tại nhiều nước, các dịch vụ xã hội đã trở nên chuyên nghiệp hóa nhờ có sự tham gia đông đảo của đội ngũ cán bộ xã hội được đào tạo ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Chất lượng của các chính sách, chương trình hay dịch vụ an sinh xã hội ở đây được phản ánh bởi tính phòng ngừa cao đối với các vấn đề xã hội. Tính chuyên nghiệp của công tác xã hội được thể hiện rất rõ nét trong huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và của cả các quốc gia. Do vậy, hoạt động này không chỉ tạo ra sự phát triển bền vững mà còn góp phần đáng kể cho việc giảm tải ngân sách nhà nước trong giải quyết các vấn đề lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội khác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nước không chỉ đề cập tới sự liên kết toàn cầu của các lĩnh vực kinh doanh, thương mại mà của cả hoạt động xã hội.

CTXH là nghề cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ những người yếu thế, người có hoàn cảnh khác biệt, những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người khuyết tật, người cao tuổi, nạn nhân của bạo hành gia đình...). Sứ mạng của ngành CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và bất bình đẳng. Theo khái niệm về CTXH được các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia ghi nhận và đang sử dụng, CTXH ở Việt Nam đã luôn hiện hữu và được nhiều phong trào, nhiều tổ chức thực hiện trong suốt các giai đoạn phát triển của đất nước. Từ khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, các dịch vụ CTXH vẫn liên tục được cung cấp thông qua chức năng của nhiều ban, ngành thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (về bảo trợ xã hội, hỗ trợ người nghèo, người có HIV...) và hoạt động của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, tổ hòa giải cơ sở. Tuy nhiên, nghề CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam mới bước đầu được hình thành trong những năm gần đây và đang dần được phát triển sâu và rộng trong nhiều ngành, trên nhiều địa phương cả nước. Trong nhiều năm, đội ngũ nhân viên cung cấp dịch vụ CTXH chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kiến thức, phương pháp khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về thực hành CTXH. Rõ ràng, ngoài tinh thần tương thân tương ái, tinh thần trách nhiệm và tự nguyện “lá lành đùm lá rách”, việc thực hiện hỗ trợ và giúp đỡ cho các cá nhân, các nhóm và các cộng đồng yếu thế (hoặc có hoàn cảnh khác biệt) cần phải dựa trên nền tảng pháp lý được nghiên cứu và có cơ sở lý luận khoa học.

Nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển CTXH như một nghề chuyên nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn số 1817/VPCP-VX ngày 06/4/2006 giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội”. Năm 2010 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng về phát triển nghề CTXH tại Việt Nam. Ngày 25/3/2010, Thủ Tướng Chính phủ ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020. Theo quy định tại Mục II, Điều 1 của Quyết định này, Đề án phát triển nghề CTXH tập trung vào 04 hoạt động chủ yếu sau: (i) Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CTXH; (ii) Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH; (iii) Xây dựng, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo và dạy nghề CTXH; (iv) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH. Triển khai các nhiệm vụ của Đề án 32, một số văn bản quan trọng đã được ban hành và bước đầu mang lại kết quả về ban hành mã số ngạch, chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH[3].

Kết quả hình ảnh cho luật nghề công tác xã hội

Tuy nhiên, theo tác giả, có 03 hoạt động theo Đề án 32 hiện chưa được hoàn thành, hay nói cách khác, Đề án 32 sẽ hoàn chỉnh hơn, ý nghĩa hơn nếu các nội dung sau được hoàn thiện: (i) Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CTXH; (ii) Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH; (iii) Xây dựng, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo và dạy nghề CTXH.

(i) Việc xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CTXH

Theo thông kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay,  số người cần được cung cấp dịch vụ CTXH ở nước ta chiếm tỉ lệ 25% dân số, trong đó có khoảng trên 10 triệu người cao tuổi; 7,2 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng; gần 10% hộ nghèo; hơn 2,7 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng...; 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa; 234 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện; 204 nghìn người nghiện ma túy; khoảng 30 nghìn nạn nhân bạo lực, bạo hành trong gia đình. Ngoài ra, nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại và hiện lang thang kiếm sống trên đường phố cũng rất cần đến sự trợ giúp từ hoạt động của những người làm nghề CTXH. Có thể thấy rằng, các nhóm đối tượng của dịch vụ CTXH trải rộng trên nhiều lĩnh vực trợ giúp và bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật trong nhiều lĩnh vực chưa bao gồm các quy định hướng dẫn, điều chỉnh trình tự, thủ tục và quy chuẩn cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội, bỏ sót nhiều đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu trợ giúp xã hội của một số nhóm đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khác biệt, như người tâm thần, trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, người cao tuổi cô đơn (đặc biệt là nhóm người cao tuổi dưới 80 tuổi không có lương hưu, bảo hiểm xã hội mà chưa được hưởng trợ cấp). Chính vì vậy, nếu tiếp tục duy trì ở mức độ văn bản dưới luật các quy định về CTXH sẽ không bảo đảm được mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội; không phát huy tiềm năng của cá nhân, gia đình, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn tự giải quyết vấn đề của mình và tự vươn lên trong cuộc sống. Bởi vậy Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành một văn bản pháp luật phù hợp - ở tầm mức một bộ luật để điều chỉnh, đồng thời tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực mới và quan trọng này. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, làm sao để xây dựng được bộ luật hoàn chỉnh, lan tỏa đến đông đảo đối tượng và thực hiện tốt bốn chức năng: phòng ngừa, chữa trị, phục hồi và phát triển của CTXH là điều cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Với số người có nhu cầu cao, làm sao tăng tính phòng ngừa và phát triển, tránh trường hợp những đối tượng thụ hưởng ỷ lại, trông chờ?

(ii) Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH

Theo Quy định tại khoản 2, mục II của Đế án 32 “a) Nghiên cứu, quy hoạch và phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội theo hướng gắn kết giữa các cơ sở bảo trợ xã hội do Nhà nước thành lập với các cơ sở bảo trợ xã hội do tổ chức, cá nhân được phép thành lập; giữa trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội với hệ thống bảo trợ xã hội;

b) Giai đoạn 2010 - 2015, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; giai đoạn 2016 - 2020, hỗ trợ nhân rộng mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, thành phố; trường đại học, trường nghề để cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có vấn đề xã hội.”

Tuy nhiên, đến nay gần như nội dung này rất ít khả thi, một số tỉnh, thành phố có Trung tâm Công tác xã hội cấp tỉnh, số còn lại chỉ sửa đổi, bổ sung chức năng công tác xã hội trong các trung tâm như: Bảo trợ xã hội, tâm thần, trẻ em...điều này dẫn đến hệ quả là Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNV Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập gần như bị chết yểu.

(iii) Xây dựng, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo và dạy nghề CTXH.

Tính đến thời điểm năm 2017 đã có trên 50 trường đại học, cao đẳng và trung cấp tham gia đào tạo chuyên ngành công tác xã hội ở các bậc trình độ khác nhau, nghiên cứu xây dựng ban hành chuẩn đầu ra về đào tạo công tác xã hội và xây dựng chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp với chuẩn đầu ra. Nội dung chương trình đào tạo không ngừng được sửa đổi bổ sung hoàn thiện, phương pháp đào tạo cũng có bước phát triển, bên cạnh các phương pháp đào tạo truyền thống được cải tiến gắn với thực hành nhiều hơn, tăng cường kỹ năng thực hành nhiều hơn, thì phương pháp đào tạo mới cũng đã được hình thành, đó là phương pháp đào tạo dựa vào các trải nghiệm từ các chuyến đi thực tế, thực hành của sinh viên, phương pháp đào tạo dựa vào trải nghiệm của thầy cô giáo… Hiện nay, đã có 4 cơ sở giáo dục tham gia đào tạo chuyên ngành Công tác xã hội ở trình độ thạc sĩ. công tác đào tạo nhân lực về công tác xã hội đã cố gắng vượt bậc để từng bước hội nhập với thế giới. Bên cạnh những nội dung đào tạo cơ bản của công tác xã hội như công tác xã hội cá nhân, công tác xã hội nhóm, công tác xã hội cộng đồng, công tác xã hội với người khuyết tật, công tác xã hội với người cao tuổi, công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,… một số trường đại học, học viện còn có chuyên ngành công tác xã hội với phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt, công tác xã hội với thanh thiếu niên, công tác xã hội trường học,…

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực và chất lượng đào tạo công tác xã hội còn nhiều hạn chế, do nội dung chương trình đào tạo chưa phù hợp, dạy lý thuyết nhiều hơn dạy thực hành, chương trình nội dung đào tạo chưa gắn kết với chuẩn đầu ra, dạy chuyên môn chưa gắn chặt với dạy làm người, dạy về đạo đức nghề nghiệp. Đội ngũ giảng viên chuyên ngành công tác xã hội ở nhiều trường còn thiếu và yếu về chuyên môn; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đáp ứng, thiếu cơ sở thực hành và đội ngũ kiểm huấn viên có chất lượng. Ngoài  ra, đầu vào đào tạo chuyên ngành công tác xã hội của các trường đại học, cao đẳng  thường có điểm chuẩn không cao như một số chuyên ngành khác. Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội chuyên nghiệp chưa gắn với việc phân bố sử dụng sao cho hiệu quả, mặc dù nước ta đang rất thiếu những người được đào tạo cơ bản về công tác xã hội nhưng khá nhiều sinh viên được đào tạo ngành công tác xã hội bậc đại học, cao đẳng ra trường lại chưa tìm được việc làm đúng với ngành nghề đã học, thậm chí phải đi làm những công việc chỉ cần lao động phổ thông, gây nên tâm lý lo âu cho sinh viên chuyên ngành công tác xã hội trong vấn đề tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, về phương pháp tiếp cận CTXH, quan điểm coi CTXH là hoạt động nhân đạo trên cơ sở tình thương, tinh thần tự nguyện và phụ thuộc hoàn toàn vào các chính sách bảo trợ xã hội cần phải được thay đổi; cần thiết phải công nhận CTXH là một ngành khoa học và một nghề chuyên nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện quyền của những nhười yếu thế thông qua việc cung cấp hiệu quả những trợ giúp xã hội cho các đối tượng dễ bị tổn thương và có hoàn cảnh khác biệt. Trên cơ sở kinh nghiệm phát triển CTXH các nước trên thế giới, cần “nội địa hóa, luật hóa” khái niệm CTXH và ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH tại Việt Nam để thống nhất cách hiểu về nghề CTXH và định hướng cho các chương trình giáo dục, đào tạo nghề CTXH cũng như chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ CTXH của nhiều ban, ngành, đơn vị, trung tâm bảo trợ xã hội và các tổ chức từ thiện ngoài công lập. Theo đó, CTXH xây dựng phương pháp chuyên nghiệp của mình dựa trên cơ sở của một tập hợp có hệ thống những kiến thức duy nghiệm thu thập từ nghiên cứu và đánh giá thực tiễn, bao gồm cả kiến thức trong từng bối cảnh và trường hợp cụ thể, và công nhận tính phức tạp trong mối tương tác giữa con người và môi trường. Khái niệm CTXH chuyên nghiệp xuất phát từ các lý thuyết về phát triển và hành vi con người cũng như lý thuyết về hệ thống xã hội, nhằm phân tích các tình huống phức tạp và hỗ trợ sự phát triển cá nhân, tổ chức, văn hóa và xã hội

Thứ hai, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH bao gồm một số Bộ luật, Luật như: Bộ Luật lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi, Luật Thanh niên, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Sự công nhận của luật pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp về lĩnh vực này ở nước ta.

Nội dung xây dựng pháp luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về nghề CTXH, bảo đảm sự thống nhất, sự tương quan với các chính sách về nghề nghiệp trợ giúp xã hội khác (chẳng hạn, trợ giúp pháp lý) và sẽ từng bước góp phần nâng cao chất lượng tổng thể dịch vụ CTXH và đảm bảo sự hài hòa giữa các chính sách an sinh xã hội.

Thứ ba, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quy định thủ tục và trình tự cung cấp dịch vụ CTXH của viên chức, nhân viên CTXH nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, gia đình, nhóm hoặc cộng đồng yếu thế, có hoàn cảnh khác biệt hoặc đang gặp phải những điều kiện khó khăn.
Thứ tư, quy tắc đạo đức nghề CTXH và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ CTXH cần được ưu tiên nghiên cứu và quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Việc ban hành tiêu chuẩn đạo đức nhân viên CTXH và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ CTXH có vai trò quan trọng đối với công tác đào tạo nghề CTXH, xây dựng dựng nguồn nhân lực CTXH, hướng dẫn thực hành CTXH và định hướng phát triển CTXH hiệu quả và bền vững. Các phân tích ở phần trên về nội dung, mục đích ban hành và quan hệ biện chứng của bộ Quy tắc đạo đức CTXH và bộ Tiêu chuẩn thực hành CTXH của Ôxtrâylia đã cho thấy vai trò của những quy định này trong thực tiễn cung cấp dịch vụ và phát triển nghề CTXH tại quốc gia này. Bên cạnh đó, ngành CTXH ở Việt Nam cũng như ở mọi quốc gia khác bao gồm các nhân viên CTXH làm việc trong hệ thống cơ quan, trung tâm trực thuộc Nhà nước về dịch vụ xã hội (ở nước ta là công chức, viên chức) và cả những nhân viên CTXH hoạt động độc lập hoặc làm việc trong các đơn vị, tổ chức phi chính phủ. Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tính bền vững và trách nhiệm giải trình trong mọi dịch vụ CTXH, thì tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp phải được thể hiện qua mọi thực hành CTXH của cán bộ, viên chức và nhân viên CTXH Việt Nam. Văn bản quy phạm pháp luật về những chuẩn mực đạo đức CTXH và tiêu chuẩn dịch vụ CTXH sẽ tạo cơ sở để nhân viên CTXH tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề, sẽ là thước đo giúp nhân viên CTXH giữ gìn phẩm giá, uy tín cá nhân, không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng thực hành, góp phần nâng cao uy tín và sự phát triển của nghề CTXH tại Việt Nam.

Thứ tư, thúc đẩy việc hình thành Hiệp hội Công tác xã hội cấp quốc gia để bảo vệ quyền và lợi ích của những người làm CTXH chuyên nghiệp; đồng thời cũng thúc đầy việc hình thành Hiệp hội các trường đào tạo chuyên ngành công tác xã hội. đối với Hiệp hội công tác xã hội cũng cần nghiên cứu hình thành Quy chế đạo đức đối với cán bộ xã hội (tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp); Hiệp hội các trường đào tạo cán bộ xã hội chuyên nghiệp cần phối kết hợp để hình thành khung chương trình đào tạo cán bộ xã hội ở các bậc học khác nhau.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển nghề CTXH cả đa phương, song phương và phi Chính phủ, qua đó để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức và huy động thêm nguồn lực cho quá trình phát triển đi lên chuyên nghiệp ở nước ta. Trong điều kiện nhận thức, kinh nghiệm và nguồn lực còn hạn chế thì việc mở rộng hợp tác quốc tế để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm là con người đi ngắn nhất và hiệu quả nhất.



[1] Và 2 Xây dựng và phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp ở nước ta - TS. Nguyễn Hải Hữu

 

 

[3] Pháp luật về nghề công tác xã hội tại Ôxtrâylia và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam- ThS. Đỗ Lan Phương

 

 

Nguyễn Văn Anh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.001.090
Đang truy cập: 3.007