Tìm kiếm
 
 
Những điểm mới của chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025
Ngày cập nhật 16/03/2021

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới công tác giảm nghèo và an sinh xã hội. Kết luận 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội, đã đề ra mục tiêu: “Tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều, nhất là ở các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng toàn diện, bao trùm, bền vững. Bảo đảm hỗ trợ kịp thời người yếu thế, người dân và cộng đồng bị rủi ro thiên tai, dịch bệnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Việt Nam đã 07 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia, thay đổi qua các giai đoạn: 1993-1995, 1995-1997, 1997-2000, 2001-2005, 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020. Chuẩn nghèo quốc gia là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực, địa phương trong từng giai đoạn.

Đối với giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, trong đó: năm 2021 tiếp tục thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 (quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015); giai đoạn 2022-2025, kế thừa và phát triển chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 ở một cấp độ, mức độ cao hơn, thể hiện ở các nội dung:

Nâng tiêu chí về thu nhập, khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2,0 triệu đồng/người/tháng (mức chuẩn củ khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng/người/tháng, khu vực thành thị 900 nghìn đồng/người/tháng).

Tăng chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: từ 05 chiều lên 06 chiều, bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình.

Một điểm mới, rất khác biệt so với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 là việc xác định một hộ nghèo, cận nghèo phải đáp ứng cả 02 tiêu chí thiếu hụt về thu nhập và các chiều dịch vụ xã hội cơ bản, đây là vấn đề mấu chốt, đảm bảo phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều và khắc phục những hạn chế trong việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như việc triển khai thực hiện chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều theo Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 31/5/2018 của Chính phủ.

Đồng chí Đặng Hữu Phúc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà cho gia đình nghèo ở huyện A Lưới

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 cũng là cơ sở pháp lý để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng khác thụ hưởng các chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2021 để áp dụng chính sách ngay từ ngày đầu của giai đoạn 2022-2025; đồng thời cũng là cơ sở để xây dựng, triển khai, đánh giá và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững; xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và rà soát các tiêu chí xác định địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển trên địa bàn tỉnh nhà.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để các địa phương căn cứ thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm./.

 

Phan Xuân Sang, VPGN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 6.993.080
Đang truy cập: 986