Tìm kiếm
 
 
Người thương binh tâm huyết với công tác xã hội
Ngày cập nhật 27/07/2022

Trở về sau chiến tranh với những thương tật trên cơ thể, thương binh Dương Thắng (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) vượt qua mọi khó khăn, tích cực cống hiến cho công tác xã hội ở địa phương.

 

Năm 1963, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên 23 tuổi Dương Thắng lên đường nhập ngũ tham gia chiến trường Quảng Điền. Sau khi bị thương (năm 1968), ông quay về hậu phương tiếp tục phục vụ trong quân đội. Hòa bình lập lại, ông Thắng công tác tại Văn phòng UBND huyện Hương Trà, phụ trách công tác thương binh xã hội và thi đua khen thưởng đến khi nghỉ hưu năm 1993.

Khi vừa nghỉ hưu, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hương Phú, nay là phường Tứ Hạ, với trên 1.000 hội viên.

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, vợ chồng ông cố gắng nuôi dạy hai con nên người. Cha mẹ mất sớm, không người hỗ trợ, ông tự mình đúc từng viên bờ lô, đóng từng cánh cửa để xây nên căn nhà mơ ước của hai vợ chồng.

Trước đó, trong thời kỳ tham gia chiến đấu, ông còn có nhiều chiến tích ghi dấu ấn trong quân ngũ.

Ông kể: “Tôi vinh dự được đi trong đoàn ra Bắc kể chuyện chiến đấu miền Nam, khi chia sẻ câu chuyện của mình, tôi vẫn nghĩ không có gì to lớn, nhưng bất ngờ được đồng chí Thành đội trưởng (TP. Hà Nội) ôm và ngợi khen việc làm sáng tạo trong cách đánh địch, ông nói “cách đánh này chỉ có ở miền Nam chứ thế giới chưa ai có” và dành tặng tôi chiếc cúp kỷ niệm.

Đó là năm 1968, đêm nào quân ta cũng cắm cờ giải phóng để đánh dấu khu vực của mình, nhưng sáng ra trực thăng của Mỹ bay quanh thấy có cờ của ta là nhổ hết. Lúc đó, tôi nghĩ ra một kế thả mìn trong cọc tre của cổng chào (mìn được cột trên cán cờ cắm lên trên cọc), khi quân Mỹ sà trực thăng xuống nhổ cờ thì mìn nổ tung làm gãy cánh quạt và rơi luôn trực thăng địch. 

Trong Hội, ông tổ chức và tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, thăm viếng khi hội viên cao tuổi ốm đau. Ông đề xuất chế độ góp mỗi người một lon gạo để tặng gia đình có hội viên mất và các hoạt động này vẫn được duy trì đến nay.

Ở tuổi 83, trí nhớ của ông vẫn minh mẫn, dù mất một tay, chỉ còn một mắt, người thương binh ấy vẫn đạp xe, làm việc túc tắc mỗi ngày. Ông nói mình là gia đình cách mạng nên dù làm gì cũng đều giữ tâm sáng, hài hòa kể cả trong sinh hoạt hay đời sống hàng ngày.

Hơn 55 năm đứng vào hàng ngũ của Đảng, ông Thắng tự hào vì mình chưa bao giờ bị phê bình, luôn đi đầu, làm gương trong các phong trào địa phương. Như con đường Lâm Hồng Phấn nhà ông đang ở, trước đây rất nhỏ hẹp. Khi Nhà nước có chủ trương vận động Nhân dân hiến đất mở đường, một số hộ dân sợ mất đất nên không đồng tình, tôi đã đến tuyên truyền, vận động, giúp bà con hiểu mở đường vì tương lai con cháu, tương lai sau này. “Mỗi nhà hiến vài mét đất thì hàng chục hộ dân có con đường khang trang và bà con là người hưởng lợi, qua đó, ai cũng vui vẻ đồng thuận hiến đất”, ông nói.

Trong gia đình, ông Thắng cũng luôn làm gương để con cháu noi theo. Ông luôn dạy con cái phải tự túc, tự lập, làm gì cũng phải quyết tâm. 

Nhắc đến thương binh 2/4 Dương Thắng, cán bộ, đảng viên và người dân địa phương luôn dành những lời ngợi khen về một tấm gương thương binh vượt khó, gương mẫu, luôn tận tụy với công tác xã hội ở địa phương. Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Hương Trà - Hoàng Tú Nam cho biết, ông Thắng là người sống rất tình cảm, luôn tìm mọi cách tốt nhất để hỗ trợ và giúp đỡ bà con lối xóm, giúp đỡ hội viên.

 

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.001.090
Đang truy cập: 389