Tìm kiếm
 
 
Thừa Thiên Huế rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2021
Ngày cập nhật 23/08/2021

Thực hiện Kết luận số 204-KL/TU ngày 09/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Công văn số 6543/UBND-XDCB ngày 26/7/2021 của UBND tỉnh về việc tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Để kịp thời hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh trở về địa phương sớm có được việc làm, ổn định cuộc sống. Sáng ngày 21/8/2021, tại Hội trường Sở Lao động –Thương binh và Xã hội diễn ra Hội nghị nhằm rà soát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp, do đồng chí Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở chủ trì.

 

Đến dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm và các Phòng chuyên môn liên quan của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và đặc biệt đại diện lãnh đạo của 20 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh với số lượng lớn.

Đồng chí Đặng Hữu Phúc, TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ khó khăn và rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp

Tại Hội nghị, đồng chí Giám đốc Sở đã chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp, người lao động gặp phải trong bối cảnh hiện nay, mặc dù tại Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 không lớn như các tỉnh phía Nam nước ta, tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, khách sạn, home stay, vận tải hành khách,….Đồng thời để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, Tỉnh đã ban hành nhiều Thông báo tạm dừng hoạt động một số ngành nghề như: Rạp chiếu phim, Pub beer, câu lạc bộ thể dục - thể thao trong nhà, khu vui chơi trẻ em, cơ sở dịch vụ karaoke, quán Bar, game online, xông hơi, cơ sở thẩm mỹ/spa, hoạt động tại các bể bơi; Tạm dừng hoạt động của các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A. Do đó, người lao động làm việc trong các lĩnh vực nêu trên buộc phải tạm dừng việc, mất việc làm, tạm hoãn HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Qua việc thảo luận, Hội nghị đã nghe đại diện các doanh nghiệp thông tin, báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị đến thời điểm hiện tại. Qua đó, thấy rằng các doanh nghiệp tại Khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động vẫn việc làm bình thường theo các phương án và các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Ông Phạm Văn Thạch đại diện Công ty TNHH MTV Brycen Việt Nam phát biểu thảo luận tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề cập đến nguồn Cung lao động ngoại tỉnh đang hồi hương về quê phòng tránh dịch. Tính đến hết ngày 19/8, trên địa bàn toàn tỉnh có 7.975 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung và nơi lưu trú, tính từ 28/4 đến nay, đã có 36.899 người từ các tỉnh/thành phố có dịch trở về quê. Việc di chuyển lao động là một tín hiệu cho thấy thách thức “giải quyết việc làm” với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là lao động phổ thông làm công ăn lương, làm việc trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, … Theo đó, nhiều doanh nghiệp cũng xác định đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh để lựa chọn, tuyển dụng những lao động có tay nghề, kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 34 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc, chủ yếu là doanh nghiệp về lĩnh vực may công nghiệp, chế biến và chế tạo với trình độ lao động có tay nghề phổ thông với 7.669 lao động, tập trung các doanh nghiệp tại Khu kinh tế, công nghiệp như: Công ty SCAVI Huế; Côngty CP Dệt May Phú Hòa An; Chi Nhánh Huế - Công Ty Cổ Phần Vinatex Quốc Tế; Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam; Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế; Công ty cổ phần dệt may Huế - Nhà máy May 4; Công ty Cổ phần Dệt May Thiên An Phú…và đặc biệt có Công ty TNHH MTV Brycen Việt Nam có nhu cầu tuyển 100 lao động về lĩnh vực công nghệ. Với tinh thần đồng hành cùng người lao động nhiều Công ty, doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động như: Hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR trước khi vào làm việc; hỗ trợ nóng đối với công nhân có tay nghề ký hợp đồng lao động chính thức với Công ty nhằm ổn định cuộc sống lâu dài; áp dụng chính sách đánh giá tay nghề linh hoạt, ký hợp đồng chính thức và áp dụng mức lương cao tương đương với bậc tay nghề…

Kết luận Hội nghị đồng chí Giám đốc Sở khẳng định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội rất tập trung, chú trọng đến công tác tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân nói chung, đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nói riêng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề cũng như nhu cầu việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp đối với lao động làm việc ngoài tỉnh trở về để kết nối người tuyển dụng với người lao động, nhằm giải quyết việc làm và có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với người lao động trong bối cảnh, tình hình mới. Tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Chính phủ; vận dụng tối đa các chính sách tại Nghị quyết 68/NĐ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg để hỗ trợ người lao động học nghề, nâng cao tay nghề nhằm giúp người lao động sớm quay lại thị trường lao động.

 

 

 

Lê Thị Kim Chi - Phòng Lao động - Việc làm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 6.993.080
Đang truy cập: 1.077