Tìm kiếm
 
 
Thừa Thiên Huế: Giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, cần thay đổi mạnh mẽ từ suy nghĩ đến cách làm
Ngày cập nhật 07/12/2020

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững luôn là một trong những mục tiêu lớn, xuyên suốt được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đề ra và bảo đảm các nguồn lực thực hiện gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và phát triển bền vững đến năm 2030.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành, địa phương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; sự chung tay, hỗ trợ, sẻ chia của cộng đồng đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo, đã tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, cơ sở hạ tầng của các xã, thôn đặc biệt khó khăn được tăng cường, người nghèo đã từng bước tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 8,36% xuống còn 4,17% vào cuối năm 2019 và dự kiến còn dưới 4,0% vào cuối năm 2020.

Bên cạnh những thành tích đạt được, kết quả giảm nghèo còn có những hạn chế nhất định như tỷ lệ tái vẫn còn, hộ nghèo phát sinh còn ở mức cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư đã được thu hẹp nhưng vẫn còn khá lớn; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhiều xã vẫn còn rất cao; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 21,9% tổng số hộ nghèo của tỉnh và 19,8% so với tổng số hộ là đồng bào DTTS.

Để hướng tới thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 0/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn 2,0%-2,2%, công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS cần “sự thay đổi mạnh mẽ từ suy nghĩ và cách làm”.

Đồng chí Đặng Hữu Phúc – Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội làm việc với UBND xã A Ngo,
huyện A Lưới về thực hiện chính sách giảm nghèo

Trước hết, phải có sự thay đổi từ suy nghĩ, tư tưởng muốn nghèo để thụ hưởng chính sách.

Hiện nay, toàn tỉnh có 12.901 hộ nghèo, trong đó có 4.093 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, đây là những hộ nghèo có người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người già neo đơn... thiếu sức lao động nên khó thoát nghèo, chiếm 40,48% so với tổng số hộ nghèo. Nhưng cũng có đến 59,52% là hộ nghèo có thành viên trong gia đình còn nằm trong độ tuổi lao động, song tại sao họ vẫn nghèo là điều phải suy nghĩ, trăn trở. Thống kê ra các chính sách mà người nghèo hiện nay được thụ hưởng để lý giải một phần nguyên nhân cho thực trạng trên như tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, đào tạo nghề,...; Ngoài ra, xã nghèo, thôn nghèo, hộ nghèo còn được thụ hưởng các dự án thành phần thuộc CTMTQG GNBV như hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo…

Có thể nói, việc thiết kế, ban hành các chính sách này là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cho người nghèo. Thông qua các chính sách này, nhiều người nghèo đã vươn lên thoát nghèo, nhưng có một thực tế là một bộ phận người nghèo không muốn thoát nghèo, thậm chí có tâm lý trông chờ, ỷ lại nhằm được thụ hưởng chính sách. Như vậy, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người nghèo là vấn đề hết sức quan trọng trong thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững.

Hai là, thay đổi cách nghĩ, cách làm để giảm nghèo bền vững.

Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là làm sao để giảm nghèo bền vững đối với đồng bào DTTS trong khi tỉnh đã “ưu tiên” đầu tư nhiều nguồn lực vào vùng đồng bào DTTS nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, chưa bền vững. Đồng bào DTTS vẫn còn nghèo, một bộ phận khác tuy đã thoát nghèo, nhưng chỉ chuyển sang hộ cận nghèo hoặc tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Vì vậy, vấn đề quan trọng là làm sao đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi được cách nghĩ, cách làm để thoát nghèo bền vững.

Việc trước tiên, cán bộ làm công tác tuyên truyền phải giới thiệu các hộ biết cách làm ăn, chi tiêu tiết kiệm trong sinh hoạt, không lãng phí trong ma chay, cưới hỏi, nên có cuộc sống sung túc, ổn định. Trong đầu tư phát triển sản xuất, cần khảo sát tình hình thực tế của từng hộ đồng bào DTTS thuộc diện nghèo, xem bà con cần gì để có hướng đầu tư phù hợp. Mặt khác, các hộ có kinh nghiệm sản xuất, có quyết tâm thoát nghèo địa phương đầu tư trở thành mô hình sản xuất, chăn nuôi điểm, tổ chức cho các hộ khác tham quan học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Đồng chí Đặng Hữu Phúc – Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
thăm và tặng quà cho hộ gia đình nghèo tại huyện A Lưới

Ba là, giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động:

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo cần phải đến tìm hiểu nguyện vọng của họ, bởi vì phần lớn học viên chỉ muốn học khóa ngắn hạn để tìm việc làm nhanh, chứ không thích tham gia khóa đào tạo nâng cao tay nghề, thời gian đào tạo dài. Cùng với đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, không chỉ giúp người dân thoát được nghèo, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Hoạt động truyền thông về giảm nghèo và định hướng học nghề, việc làm
cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 

Cuối cùng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Bên cạnh chú trọng tuyên truyền, vận động để thay đổi suy nghĩ, cách làm của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, vùng khó khăn... các ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo để đạt được hiểu quả cao nhất./.

 

Phan Xuân Sang, VPGN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 6.993.080
Đang truy cập: 354