Tìm kiếm
 
 
Đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Huyện ủy Nam Đông về công tác giảm nghèo
Ngày cập nhật 04/05/2022

Chiều ngày 27/4/2022, đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh, cùng với đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh có buổi làm việc với huyện Nam Đông bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp Nam Đông thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện tổng số hộ nghèo 613/7.110 hộ, chiếm 8,62%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 553/3.115 hộ, chiếm 17,75%; hộ nghèo không có khả năng lao động 65 hộ; hộ nghèo có người có công với cách mạng 43 hộ. Hộ cận nghèo 235/7.110 hộ, chiếm 3,31%. Từ đầu năm 2022 đến nay, thông qua các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, huyện đã xóa được 10 nhà tạm với tổng số tiền 420 triệu đồng, hiện còn 129 nhà tạm.

Tại buổi làm việc đã tập trung phân tích làm rõ những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên; người dân chưa chuyển đổi nhận thức trong sản xuất; còn tư tưởng trông chờ ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày chưa hợp lý…

Qua ý kiến phát biểu, kiến nghị, đề xuất của các đồng chí Thường trực Huyện ủy, các xã, ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh yêu cầu Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, các xã, thị trấn, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện nghiêm túc tiếp thu ý kiến tham gia, đóng góp, định hướng của lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh để triển khai thực hiện tốt. Phải xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu, xuyên suốt, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực, vươn lên của người dân; xác định giảm nghèo bền vững gắn liền với xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, từ đó có hướng đi và cách làm phù hợp. Đồng chí yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở rà soát, phân loại từng hộ nghèo từ đó đưa ra phương án, cách làm phù hợp làm đến đâu dứt điểm, hiệu quả đến đó; khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chi tiết vùng xã; tập trung chuyển đổi, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất các cây, con chủ lực; thành lập, nâng cao hiệu quả vận hành các hợp tác xã trên địa bàn huyện; chủ động liên kết với thương nghiệp giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông sản, nâng cao chuỗi giá trị; có phương án giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nhận thức trong sản xuất, không để phát sinh thêm nhà tạm; tập trung nguồn lực cho 02 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (Thượng Long, Hương Hữu). Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu, định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ huyện trong quá trình thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân, tiến đến xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Đồng chí Trần Thị Hoài Trâm – TUV, Bí thư Huyện ủy thay mặt lãnh đạo huyện tiếp thu ý kiến đóng góp, sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành cấp tỉnh đối với huyện, đồng thời khẳng định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện thời gian tới, toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở sẽ quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng hoá nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; kết hợp hài hòa giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVI; xứng tầm là huyện anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Nguyệt Ánh - VPS
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.001.090
Đang truy cập: 1.278