Tìm kiếm
 
 
Coi trọng an toàn trong mọi vị trí, hoàn cảnh công việc
Ngày cập nhật 26/04/2022

Vẫn còn những khoảng trống

Nguyên nhân được rút ra từ các vụ tai nạn lao động đa phần đều do người lao động khi bắt tay vào việc còn thiếu tinh thần trách nhiệm và kỷ luật. Tình trạng làm việc không tuân thủ quy tắc, “bớt công đoạn”, theo kiểu thấy công đoạn không cần thiết là bỏ đi, trong khi có thể đây cũng là quy tắc của an toàn lao động, nên dẫn đến xảy ra sự cố tai nạn lao động.

Sự việc đáng buồn xảy ra tại đơn vị trực thuộc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế vào hồi tháng 10/2021 khi một công nhân trong quá trình sử dụng xe nâng không đúng quy trình dẫn đến thiệt mạng một phần cũng do cá nhân, bộ phận quản lý chủ quan trong công tác kiểm tra, giám sát ATVSLĐ.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong thời gian làm việc, làm chết 8 người. Tuy nhiên, vẫn còn những vụ tai nạn lao động gây chết người hoặc gây thương tật chưa được thống kê xảy ra tại các công trình thi công cầu, đường, hệ thống thoát nước hay tại các nhà máy sản xuất công nghiệp, khai khoáng... thuộc vào đối tượng lao động thời vụ, không chính thức.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhất là trong giai đoạn các đợt dịch bùng phát, phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác ATVSLĐ. Tại một số DN, người sử dụng lao động chưa quan tâm đến công tác ATVSLĐ dẫn đến chủ quan, lơ là trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, khoán trắng cho cấp dưới, thiếu kiểm tra, giám sát, chỉ đạo.

Một số DN có bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ, tuy nhiên trên các công trường rộng, lớn, đội ngũ này còn thiếu, phải kiêm nhiệm thêm vấn đề kỹ thuật nên thiếu giám sát, nhắc nhở người lao động tuân thủ đầy đủ các biện pháp ATVSLĐ.

Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 có chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” diễn ra từ ngày 1/5 đến ngày 31/5 càng có ý nghĩa hơn trong thời kỳ bình thường mới, khi hoạt động lao động sản xuất bắt đầu tăng tốc, nhiều lĩnh vực, ngành nghề sôi động trở lại. Do vậy, công tác ATVSLĐ càng đặc biệt chú trọng hơn nhằm đảm bảo an toàn về người và duy trì ổn định sản xuất kinh doanh của DN.

An toàn lao động để tăng lợi thế cạnh tranh

Mặc dù tai nạn lao động vẫn xảy ra, song thời gian gần đây, nhiều DN quan tâm chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nội quy, quy định pháp luật về ATVSLĐ của người lao động. Không ít đơn vị, DN đã quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, lắp đặt các biển báo cụ thể về sự nguy hiểm ở xưởng sản xuất... nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người lao động và đảm bảo môi trường lao động an toàn.

Rút kinh nghiệm từ những vụ tai nạn lao động xảy ra, nhiều DN trên địa bàn chú trọng thường xuyên kiểm tra, kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng, nhất là các công trình xây dựng ở trên cao hoặc dưới lòng đất. Qua nắm tình hình và làm việc trực tiếp với một số DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh của Sở LĐTB&XH, đa phần đều đã quan tâm, xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí, bố trí nhân sự, kiện toàn bộ máy cho công tác ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động. Nhất là chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với các vị trí làm việc, hạng mục có nguy cơ mất an toàn, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp và hàng năm dành một phần kinh phí để trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động…

Các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh đã phối hợp với các tổ chức huấn luyện, các ngành chức năng tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động nhằm để trang bị kiến thức, quy định của pháp luật, rèn luyện các kỹ năng liên quan. Đây cũng là cách nhằm giúp người sử dụng lao động chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch, biện pháp ATVSLĐ và người lao động biết nhận diện những yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình lao động, biết cách thực hành các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, qua đó giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Các đơn vị sản xuất đã thành lập, bố trí bộ máy làm công tác ATVSLĐ; có bộ phận y tế để chăm sóc sức khỏe người lao động; sơ cứu, cấp cứu kịp thời các trường hợp tại nạn, ốm đau đột xuất, kiểm tra việc chấp hành các quy định vệ sinh, môi trường lao động, phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các DN đã tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, tạo sự yên tâm cho lao động đang làm việc tại các DN.

Bên cạnh sự tự giác, chủ động của các đơn vị DN, Sở LĐTB&XH cũng vào cuộc đẩy mạnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ tại các DN, các cơ sở sản xuất kinh doanh và tại các công trường nhằm kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn, chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện công tác ATVSLĐ.

 
nguồn: Báo thuathienhue
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 6.973.560
Đang truy cập: 624