Tìm kiếm
 
 
Phát triển thị trường lao động để giải quyết việc làm ổn định
Ngày cập nhật 15/08/2023

Đối mặt với khó khăn chung về kinh tế, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng chịu tác động không nhỏ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng, dòng vốn... Nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai… cũng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm được xem là tâm điểm của những khó khăn trên.

Xoay chuyển và thích ứng

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 415 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.749 tỷ đồng, giảm 8,9% về lượng và giảm 35,8% về vốn so với cùng kỳ. Số DN hoạt động trở lại 210 DN, giảm 125 DN; số DN đăng ký tạm ngưng hoạt động là 383 DN, tăng 5 DN; giải thể 60 DN, giảm 9 DN. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 5.766 người. Trong đó nghỉ việc phần lớn do chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn chiếm 48,7% và do hết hạn hợp đồng lao động chiếm 39,8%. Lũy kế đến hết tháng 6/2023 tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Qua khảo sát thực tế, số lao động bị cắt giảm trong thời gian qua dự ước khoảng 2.255 lao động, với 16 DN. Theo đại diện Phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), việc cắt giảm lao động hiện tại trên địa bàn tỉnh mang tính cục bộ, tập trung ở những lĩnh vực may mặc, da giày, chế biến gỗ và vẫn trong khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu nguyên, vật liệu kéo dài, số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tiếp tục tăng và lan rộng sang các ngành nghề khác trong thời gian tới nếu không có những giải pháp đúng đắn, kịp thời.

Sở LĐTB&XH đã có các giải pháp tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, nhất là tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Tiếp tục mở rộng thị trường lao động, nhất là thị trường lao động nước ngoài vốn là thế mạnh lâu năm của tỉnh để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy nhanh các thủ tục, cắt giảm chi phí nhằm tạo uy tín về thương hiệu nguồn nhân lực đưa lao động đi làm việc nước ngoài. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 10.581 lao động, đạt 62,24% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, có 1.240 lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, đạt 62% so với kế hoạch năm.

Ngoài vai trò của ngành LĐTB&XH, còn cần huy động sự nhập cuộc của các ngành, các cấp và cộng đồng DN để phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động. Qua đó nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong tỉnh với thị trường lao động các vùng kinh tế trọng điểm khu vực các tỉnh miền Trung và của cả nước. Cùng với đó là việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển mạng lưới DN và các thành phần kinh tế để tạo việc làm.

Tư vấn, hướng dẫn người lao động tham gia đăng ký làm việc ngoài nước theo hợp đồng

Mở rộng thị trường lao động ngoài nước

Ngoài tăng cường hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong nước, ngành LĐTB&XH kết nối, hợp tác và triển khai các chương trình để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, đặc biệt chú trọng lựa chọn, phối hợp với các DN có năng lực, uy tín, có hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc ở các nước có tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ổn định và có chế độ đãi ngộ tốt cho người lao động.

Từ năm 2021 đến nay, các DN làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sự hướng dẫn của Sở LĐTB&XH đã phối hợp với ngành và các địa phương chủ động tìm hiểu, giải đáp thắc mắc cho người lao động để người lao động hiểu rõ điều kiện, chi phí, quyền và nghĩa vụ khi đi làm việc ở nước ngoài. Kết quả đến nay, có 2.912 lao động đi làm việc nước ngoài. Trong đó, năm 2021 có 492 người; năm 2022 có 1.180 người, đạt 59% so với kế hoạch năm 2022) và 6 tháng đầu năm 2023 là 1.240 người, đạt 62% kế hoạch năm, tăng 124 % so với cùng kỳ năm 2022. Lao động tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Để đạt chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 17.000 lao động trên toàn tỉnh trong năm 2023, trong đó đưa 2.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngành LĐTB&XH triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động nói chung và người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng nói riêng theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình Việc làm của tỉnh và về quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nuớc ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021 - 2025. Ngành cũng đã trình UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay năm 2023. Qua đó, đã bố trí 10 tỷ đồng để cho vay với mục đích tạo việc làm ở trong nước và 10 tỷ đồng để cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho 234 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với kinh phí hơn 448 triệu đồng.

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Người lao động không những có thu nhập cao, ổn định mà còn nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong lao động công nghiệp. Sau khi người lao động được đào tạo những kỹ năng cơ bản hoặc kết thúc hợp đồng về nước, sẽ có một đội ngũ lao động có chất lượng cao về chuyên môn, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp, biết vận dụng những kiến thức, công nghệ để về làm ăn, kinh doanh có hiệu quả, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.001.090
Đang truy cập: 200