Tìm kiếm
 
 
Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi)”
Ngày cập nhật 20/04/2015

Thực hiện chương trình hoạt động năm 2015, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác với Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN WOMEN) tại Việt Nam; sáng ngày 18/4/2015, tại thành phố Huế đã diễn ra Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi)” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội tổ chức.

Bộ luật dân sự hiện hành qua hơn 8 năm thực hiện đã phát huy được vai trò to lớn trong việc tạo lập hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích nhà nước và lợi ích công cộng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bộ luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn đáp ứng được nhu cầu mới của các quan hệ mang yếu tố dân sự, nhất là các vấn đề về quyền nhân dân, chế độ đại diện, quyền thừa kế và sở hữu...

Là luật cốt lõi điều chỉnh các quan hệ dân sự, Bộ luật dân sự có tác động trực tiếp nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm yếu thế và có nhiều nội dung cần được phân tích kỹ dưới góc độ giới... Do đó, việc xem xét lồng ghép yếu tố giới trong dự án này là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em cũng như các nhóm đối tượng yếu thế khác.

 

Với mong muốn đóng góp xây dựng một Bộ luật vừa bảo đảm ghi nhận một cách nhất quán nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, đồng thời tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ, quyền, lợi ích chính đáng của bên yếu thế, đảm bảo bình đẳng giới thực chất, Hội thảo đã tập trung nghe và thảo luận về 2 chuyên đề: những quy định về năng lực chủ thể cá nhân, đại diện và các quyền nhân dân trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và những quy định về quyền sở hữu, vật quyền khác và thừa kế trong dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Hội thảo luận nhằm làm rõ hơn những vấn đề giới còn tồn tại, góp ý cho các giải pháp pháp lý phù hợp với thực tiễn bảo đảm các quyền dân sự của người dân. Những thông tin bổ ích và kết quả thảo luận tại Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội xem xét, tiếp thu, hoàn thiện dự án Bộ luật này trước khi trình ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp sắp tới.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 7.040.757
Đang truy cập: 829